
Startup nông thôn “bắt tay” cùng AI
Cuối năm 2023, khi nhiều người còn loay hoay tìm hướng đi mới sau đại dịch, chị Trần Thị Mỹ Hảo (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) đã bắt tay vào khởi nghiệp với dòng sản phẩm nước tẩy rửa thân thiện môi trường, mang thương hiệu ASABO.
Xuất phát điểm là một người từng làm văn phòng, nhưng chị Hảo lại có một mối quan tâm đặc biệt đến xu hướng tiêu dùng xanh. Từ việc nhận thấy thị trường vẫn còn khoảng trống lớn cho những sản phẩm an toàn, lành tính mà giá cả phải chăng, chị bắt đầu tự nghiên cứu công thức, phối liệu và thử nghiệm từng mẻ nhỏ ngay tại nhà.
Điều đáng nói là chỉ sau vài tháng, sản phẩm của chị không chỉ hoàn thiện về chất lượng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành công đó đến từ sự nhạy bén khi chị biết ứng dụng AI vào hầu hết các quy trình khởi nghiệp.
Thay vì tốn chi phí thuê nhân sự thiết kế, nội dung, chiến lược truyền thông, chị Hảo sử dụng ChatGPT để lên ý tưởng sản phẩm, viết nội dung marketing, dùng Canva để tự thiết kế bao bì, hình ảnh và khai thác các phần mềm như Edites để dựng clip, xây dựng hồ sơ năng lực giới thiệu với đối tác…
“Khởi nghiệp ở nông thôn thiếu đủ thứ, từ mặt bằng, nhân lực đến tư duy thị trường nhưng khi mình biết tận dụng AI, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Giờ mỗi lần ra mắt sản phẩm mới hay làm video quảng bá, mình tự làm được hết, chi phí giảm vài chục triệu đồng mỗi tháng” – chị Hảo nói.

Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất bao bì phục vụ ngành F&B, anh Trương Vĩnh Bảo – Giám đốc Công ty TNHH KHP Hoa Phong (TP.Tam Kỳ) cũng đã từng chật vật khi lượng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, tệp khách hàng truyền thống dần biến mất theo biến động thị trường.
“Giai đoạn đó mình gần như mất phương hướng. Nhưng rồi nhờ học cách ứng dụng AI, mình tự lên kế hoạch truyền thông, tạo dựng nội dung và tiếp cận thị trường mới, nhờ đó mở rộng ra được các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi mà trước đây mình không nghĩ tới” – anh Bảo chia sẻ.
Bắt đầu từ công cụ đơn giản
Trong khuôn khổ diễn đàn khởi nghiệp “Cơ hội khởi nghiệp của thanh niên trong thời đại số” do Huyện đoàn Duy Xuyên tổ chức vừa qua, ThS. Phạm Trần Hồng Diễm – Giám đốc Dự án theCÂY (thuộc Công ty Galaxy), đồng thời là giảng viên ngành công nghệ tại BTEC FPT, đã chia sẻ những góc nhìn toàn diện, vừa lý luận, vừa thực tiễn về tiềm năng ứng dụng AI trong khởi nghiệp.
Bà Diễm cho rằng: “AI không phải là trào lưu ngắn hạn, mà là công cụ chiến lược dài hạn. Trong bối cảnh thị trường liên tục biến đổi, nguồn lực ngày càng hạn chế, việc tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện quan hệ khách hàng bằng công nghệ là con đường tất yếu và AI đang là công cụ đắc lực cho điều đó”.
Không chỉ dừng lại ở tầm vĩ mô, bà Diễm cho rằng AI đang mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp nhỏ, những đơn vị trước nay vẫn bị đánh giá là khó tiếp cận công nghệ bởi hạn chế về tài chính và nhân sự.
Theo bà, nếu biết ứng dụng đúng cách, AI hoàn toàn có thể giúp doanh nghiệp địa phương thực hiện những nhiệm vụ tưởng như chỉ dành cho các công ty lớn: từ thiết kế sản phẩm, dự đoán nhu cầu thị trường, lập kế hoạch tài chính đến quản lý quy trình vận hành.
.jpg)
“Tôi từng làm việc với một nhóm nghệ nhân ở Hội An, họ làm tranh thêu tay theo mẫu hoa văn cổ. Chỉ cần sử dụng AI để số hóa và phân tích các họa tiết cũ, nhóm này đã có thể tạo ra hàng chục mẫu thiết kế mới mỗi tháng mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Đó là ví dụ rất cụ thể cho thấy AI có thể hỗ trợ sáng tạo mà không làm mất đi giá trị truyền thống” – bà Diễm dẫn chứng.
Tuy vậy, theo bà Diễm, để AI thực sự phát huy vai trò hỗ trợ khởi nghiệp, cần nhìn nhận rõ những rào cản lớn về mặt kỹ thuật và tâm lý. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn còn e dè khi tiếp cận công nghệ do chi phí phần mềm chuyên sâu cao, thiếu nhân sự có kiến thức nền về công nghệ và quan trọng hơn là thiếu một tư duy số linh hoạt.
Đừng đợi có đủ điều kiện mới ứng dụng công nghệ. Bắt đầu từ những công cụ miễn phí như ChatGPT, Canva AI hay Google Analytics sẽ giúp doanh nghiệp từng bước làm chủ dữ liệu, hiểu thị trường và tự tin hơn với các quyết định quản trị.
Một điểm thú vị khác được bà Diễm nhấn mạnh là việc AI không đối lập với truyền thống, mà ngược lại, có thể giúp bảo tồn và phát triển giá trị bản địa.
“Nhiều người lo lắng AI sẽ làm mất đi yếu tố con người, nhưng nếu hiểu và sử dụng đúng cách, AI có thể giúp chúng ta lưu giữ, số hóa và kể lại câu chuyện văn hóa bằng cách hiện đại hơn, lan tỏa hơn” – bà Diễm nói thêm.
https%3A%2F%2Fbaoquangnam.vn%2Fdoanh-nghiep-khoi-nghiep-quang-nam-mo-canh-cua-moi-cung-ai-3153858.html