Tác động nhiều đến hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) năm 2025 là các văn bản chính sách và pháp luật về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu đã ban hành cuối năm 2024, có hiệu lực trong năm 2025 là sự khởi đầu để TMĐT bước vào giai đoạn mới. Đồng thời, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030 và đặc biệt là Luật TMĐT sẽ đóng vai trò trung tâm cho giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.
Nêu ra những thách thức của TMĐT năm 2025, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, trước sự phát triển nhanh và quy mô ngày càng lớn của TMĐT, cơ quan quản lý nhà nước về thuế đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu Ngân sách Nhà nước.
“Nhiều quy định pháp luật về thuế sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2025. Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ để phát hiện và kịp thời điều chỉnh những quy định chưa phù hợp, theo hướng quản lý phải tạo điều kiện cho DN phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu. Đây là yếu tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT trong giai đoạn mới”, ông Tâm thông tin.
Một vấn đề được nhiều chủ thể hoạt động TMĐT quan tâm trong năm 2025, đó là tiếp theo yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin hoạt động kinh doanh của thương nhân trên sàn, để có thông tin đầy đủ hơn về hoạt động TMĐT hỗ trợ cho việc quản lý thuế, tháng 2/2025, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp đầu tiên với các DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến. Bước đầu, Bộ Tài chính yêu cầu các DN này cung cấp thông tin phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo ông Đoàn Quốc Tâm, tới năm 2025, nhiều sàn TMĐT có số lượng giao dịch hàng ngày rất lớn và số lượng này tiếp tục tăng nhanh. Người mua trên sàn đồng thời cũng sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát. Tuy nhiên, rất đông người mua không có yêu cầu về hóa đơn hoặc không cung cấp thông tin chi tiết để nhận hóa đơn.
“Do đó, nếu yêu cầu bắt buộc các sàn TMĐT và đơn vị bưu chính phục vụ TMĐT xuất từng hóa đơn cho tất cả người mua, hay người sử dụng dịch vụ bưu chính mà họ không có yêu cầu về hóa đơn, hoặc không cung cấp thông tin chi tiết để nhận hóa đơn với số lượng lên đến hàng triệu hóa đơn mỗi ngày là rất khó khăn, không khả thi và tạo ra sự lãng phí không cần thiết cho các DN quản lý, vận hành sàn TMĐT hay DN bưu chính”, ông Tâm nêu.
TMĐT không chỉ tập trung cạnh tranh về giá
EBI 2025 cũng chỉ ra quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2025 lên tới 25 – 32 tỷ USD với mức tăng trưởng từ 18 – 20%. Đồng thời, quy mô TMĐT chiếm tới 2/3 giá trị kinh tế số, khi Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập Internet lên tới trên 70% mật độ dân số trẻ am hiểu công nghệ.
Tuy nhiên, theo dự báo của ông Đỗ Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2025 tốc độ tăng trưởng TMĐT qua các sàn là 21.6% và năm 2026 có thể thấp hơn nữa, khi chính sách thu thuế TMĐT bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/2025, buộc các sàn TMĐT cũng như các nhà bán lẻ phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Điều này có ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển TMĐT ở Việt Nam.
“TMĐT không còn là cuộc chơi cho những nhà bán hàng nếu không thay đổi quy mô, chỉ tập trung cạnh tranh về giá. Từ ngày 1/4, các sàn TMĐT phải nộp thuế thay cho người bán hàng, dự kiến 30.000 người bán hàng online bị truy thu thuế và dự báo có tới 38.000 người bán hàng phải rời sàn. Nhưng lại có đến 95% nhà bán hàng lớn với quy mô doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên vẫn có khả năng tăng doanh số gần gấp đôi”, ông Hưng nói.
Từ đó ông Hưng chỉ ra cơ hội cho những người mới tham gia thị trường TMĐT, trên cơ sở có đến 70% người tiêu dùng Việt Nam đã quen thuộc với TMĐT, trong khi thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường “tỷ đô” tạo ra nhiều cơ hội thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Cùng với đó, Việt Nam có hệ thống dịch vụ logistics cạnh tranh, cũng như niềm tin của khách hàng đối với TMĐT ngày càng tăng lên khi vấn nạn hàng giả, khả năng bảo mật, lừa đảo trực tuyến ngày càng được kiểm soát và khống chế.

thành người giới thiệu thêm các khách hàng mới
Các DN cần tăng cơ hội cho người mới tham gia TMĐT bằng việc trang bị kiến thức công nghệ mới như AI, Blockchain, thương mại xã hội, TMĐT xuyên biên giới và hướng người tiêu dùng đến xu hướng tiêu dùng bền vững. Nguồn lực người tiêu dùng sẵn có rất quan trọng, DN tăng khả năng biến khách hàng hiện tại thành người giới thiệu thêm các khách hàng mới. Đồng thời thu hút và giữ chân người dùng bằng việc gia tăng giá trị và các lời đề nghị hấp dẫn, đúng nhu cầu thực tế như voucher giảm giá, quà tặng hoặc hoàn tiền hay tương tác các game tiêu dùng.
“Đã đến lúc có sự thay đổi cho TMĐT Việt Nam. Các DN lớn cần tận dụng đòn bẩy từ các KOC, KOL cũng như các chuyên gia kết hợp với các thương hiệu xây dựng chiến dịch hấp dẫn, tối ưu bằng các tận dụng công nghệ như livestream, AI và mạng xã hội để tác động và định hướng hành vi mua sắm của người tiêu dùng, tạo ra thói quen trong mua sắm trực tuyến”, ông Hưng chia sẻ.
https%3A%2F%2Fvov.vn%2Fkinh-te%2Fphat-trien-thuong-mai-dien-tu-nam-2025-hoa-giai-thach-thuc-post1196177.vov