Marketing thương mại điện tử – Xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh trong thời đại số
Trong làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng trên toàn cầu, mọi lĩnh vực sản xuất – kinh doanh đều buộc phải thay đổi tư duy, mô hình và công cụ vận hành. Trong đó, marketing – lĩnh vực vốn đóng vai trò là “cánh tay nối dài” giữa doanh nghiệp và khách hàng – đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ từ truyền thống sang nền tảng số. Đặc biệt, marketing thương mại điện tử (e-commerce marketing) đang dần khẳng định vai trò là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trong chiến lược phát triển kinh doanh hiện đại.
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm.
Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.
Năm 2024 chứng kiến sự phát triển đa dạng của các mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong đó sàn giao dịch thương mại điện tử (Marketplace) vẫn chiếm vị trí nổi bật. Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo… tiếp tục dẫn đầu, chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. Nhờ đó người tiêu dùng có thể mua sắm trực tiếp thông qua các quảng cáo hoặc gian hàng ảo trên mạng xã hội, mang lại sự tiện lợi và cá nhân hóa cao.

Ảnh minh họa: moit.gov.vn
Marketing TMĐT bứt phá mạnh mẽ đã mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, xây dựng thương hiệu, tăng độ trung thành, và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả cao nhất đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư bài bản vào chiến lược marketing thông minh – từ tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, cá nhân hóa nội dung, cho đến ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data).
“Bí kíp” marketing thông minh là đặt khách hàng làm trung tâm
Khi thương mại điện tử phát triển bùng nổ, người tiêu dùng có vô số lựa chọn chỉ với một cú chạm màn hình, nếu đơn thuần chỉ là “bán sản phẩm” không còn đủ để chinh phục thị trường. Việc áp dụng tốt chiến lược lấy khách hàng là trung tâm là một tuyệt chiêu giữ chân khách hàng, khai thác tối đa chính tệp khách hàng cũ, tăng lượng khách hàng lặp lại, nâng cao uy tín và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chính từ tư duy này, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cần chuyển dịch từ tư duy bán hàng sang tư duy xây dựng trải nghiệm khách hàng toàn diện và coi đây là yếu tố sống còn quyết định thành bại của doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh.
Một nghiên cứu mới của McKinsey nhận thấy, khoảng 71% người tiêu dùng mong đợi thương hiệu cung cấp trải nghiệm cá nhân hoá; 76% người tham gia khảo sát thất vọng vì không thấy trải nghiệm cá nhân hoá khi tương tác với thương hiệu.

Xây dựng trải nghiệm không chỉ nằm ở việc sản phẩm có mặt trên kệ điện tử, mà là cách doanh nghiệp thiết kế toàn bộ hành trình khách hàng – từ lúc khách hàng tiếp cận thông tin, tìm kiếm sản phẩm, trải nghiệm quy trình mua sắm, thanh toán, giao hàng cho tới dịch vụ hậu mãi. Mỗi điểm chạm đều cần được tối ưu hóa để khách hàng cảm thấy hài lòng và gắn bó.
Thực tế cho thấy, những thương hiệu thương mại điện tử thành công hiện nay đều đầu tư nghiêm túc vào trải nghiệm người dùng. Shopee, chẳng hạn, không chỉ chú trọng đến giá sản phẩm mà còn xây dựng giao diện app thân thiện, đẩy mạnh tính năng Shopee Live tương tác trực tiếp, đồng thời phát triển hệ thống khách hàng thân thiết Shopee Loyalty với các ưu đãi cá nhân hóa.
Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử còn tập trung mạnh vào việc chăm sóc khách hàng sau bán. Chính sách đổi trả linh hoạt, hệ thống chăm sóc đa kênh 24/7, chương trình tích điểm thưởng, tặng quà sinh nhật cá nhân hóa đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.
Đặc biệt với sự bùng nổ của social commerce (bán qua mạng xã hội) và live commerce (livestream bán hàng), các doanh nghiệp giờ đây bán sản phẩm còn phải đầu tư mạnh mẽ vào nội dung sáng tạo, tổ chức các phiên livestream tương tác, tạo dựng sự gắn kết và cảm xúc trực tiếp với khách hàng.

Báo cáo từ TikTok Shop năm 2024 cũng cho thấy số lượng giao dịch qua livestream đã tăng gấp đôi so với năm trước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của hình thức bán hàng trực tuyến này. Với khả năng tương tác cao và tỷ lệ chuyển đổi ấn tượng, livestream đang trở thành một công cụ tiếp thị quan trọng, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu.
Thống kê cho thấy tỷ lệ chuyển đổi từ người xem sang khách hàng qua livestream thường đạt 20-30%, đặc biệt khi kết hợp với các chương trình khuyến mãi và mã giảm giá độc quyền.
Unilever, với các thương hiệu quen thuộc như OMO, Dove, Sunsilk hay Clear, đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng mua sắm online và đầu tư nghiêm túc vào các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada. Họ tạo lập các gian hàng chính hãng (Official Store) với thiết kế bắt mắt, tích hợp đánh giá, voucher và các chương trình giảm giá độc quyền. Vào những ngày “đại tiệc mua sắm” như 11.11 hay 12.12, Unilever tung ra các combo sản phẩm tặng kèm quà, freeship và ưu đãi flash sale giới hạn, thu hút hàng triệu lượt xem và đơn hàng.

Ngoài ra, thương hiệu còn sử dụng livestream cùng các KOLs để tư vấn sản phẩm và tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, giúp tăng tính xác thực và thúc đẩy hành vi mua hàng. Kết quả là Unilever thường xuyên nằm trong top doanh nghiệp bán chạy nhất ngành FMCG trên cả hai nền tảng lớn, đồng thời mở rộng thị phần trong nhóm người tiêu dùng trẻ.
Có thể thấy trong thế giới số, nơi mà một cú click có thể quyết định sự sống còn của thương hiệu, doanh nghiệp nào hiểu khách hàng sâu sắc hơn, tạo ra trải nghiệm trọn vẹn hơn, doanh nghiệp đó sẽ nắm giữ lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Doanh nghiệp sẽ dẫn đầu nhờ bắt kịp xu hướng mới
Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp không chỉ đối diện với những thách thức trong việc duy trì và phát triển trên các sàn giao dịch trực tuyến, còn phải tận dụng các cơ hội từ sự đổi mới công nghệ để tạo ra sự khác biệt. Để thành công trong môi trường cạnh tranh này, sản phẩm chất lượng đơn thuần không đủ, mà doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa: moit.gov.vn
Khi công nghệ trở thành yếu tố then chốt, các công cụ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning)… đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng. Các công cụ này không chỉ giúp doanh nghiệp phân tích dữ liệu người tiêu dùng, mà còn cho phép tạo ra các chiến lược marketing cá nhân hóa, tối ưu hóa quảng cáo và khuyến mãi một cách chính xác, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và sự hài lòng của khách hàng.
L’Oréal là một ví dụ tiêu biểu về việc áp dụng công nghệ để cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Thương hiệu mỹ phẩm này đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ AI và thực tế ảo (AR) vào trải nghiệm của khách hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada.
Bên cạnh đó, L’Oréal còn sử dụng AI để thu thập và phân tích dữ liệu người dùng, từ đó đưa ra những gợi ý sản phẩm phù hợp với đặc điểm cá nhân như loại da, độ tuổi hay thói quen tiêu dùng. Nhờ vào khả năng cá nhân hóa mạnh mẽ này, thương hiệu đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ chuyển đổi cũng như mức độ trung thành của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Ảnh minh họa: moit.gov.vn
Trong thời đại số hiện nay, nguyên tắc “ai hiểu khách hàng hơn, người đó thắng” đã trở thành kim chỉ nam đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử. Thích ứng với các xu hướng công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược marketing mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Marketing thương mại điện tử chính là “bộ mặt” và là chìa khóa quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Những đơn vị biết khai thác hiệu quả các hình thức marketing hiện đại sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút khách hàng, gia tăng độ nhận diện thương hiệu và đứng vững hơn trong môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt.
Huyền My (t/h)
https%3A%2F%2Fdoanhnghieptiepthi.vn%2Fdoanh-nghiep-thoi-so-hoa-toi-uu-thuong-mai-dien-tu-bang-chien-luoc-marketing-hieu-qua-161250429070953953.htm