Cuộc đua Trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bước sang thời điểm quan trọng khi Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang thẳng thắn thừa nhận “Trung Quốc không hề tụt hậu” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo Tech Wire Asia.
Phát biểu tại một hội nghị công nghệ ở Washington D.C mới đây, ông Huang mô tả cuộc cạnh tranh công nghệ hiện nay “rất sát sao” và là “cuộc đua dài hạn, vô hạn” – phát biểu này đi ngược với quan điểm phổ biến tại Thung lũng Silicon về khả năng vượt trội của phương Tây.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei bắt đầu triển khai rộng rãi các dòng chip AI nội địa cho khách hàng trong nước, sau khi chính phủ Hoa Kỳ áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu khiến doanh nghiệp Trung Quốc gần như không có quyền tiếp cận với chip cao cấp của Nvidia.
Ông Huang cũng dành lời khen ngợi năng lực công nghệ AI của Trung Quốc và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Huawei. “Họ rất giỏi trong lĩnh vực điện toán và công nghệ mạng – những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy AI. Họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vài năm qua”, ông Huang nói thêm.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã hạn chế xuất khẩu dòng chip H20 của Nvidia sang Trung Quốc nếu không có giấy phép. Đây là loại chip được thiết kế riêng để tuân thủ quy định xuất khẩu trước đó, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khách hàng Trung Quốc. Lệnh hạn chế mới được dự đoán khiến Nvidia thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD doanh thu.
Tuy nhiên, đằng sau phát ngôn công khai là một bức tranh phức tạp hơn. Theo Reuters, ông Huang đã có cuộc trao đổi riêng với giới lập pháp Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về khả năng AI của Huawei ngày càng mạnh mẽ. Trong cuộc họp kín với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cuộc thảo luận xoay quanh tác động ngoài ý muốn của lệnh cấm đối với Nvidia, có thể vô tình giúp Huawei giành ưu thế trên thị trường.
Một nguồn tin thuộc ban tham mưu của quốc hội cho biết, một trong những lo ngại là: “Nếu mô hình DeepSeek R1 được huấn luyện trên chip của Huawei, hoặc mô hình mã nguồn mở khác từ Trung Quốc tối ưu hóa cho phần cứng của Huawei, thì có thể tạo ra nhu cầu toàn cầu đối với chip của Huawei”.
MẮC KẸT GIỮA LỆNH CẤM VÀ THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Giới phân tích ngành cho rằng Nvidia đang phải đi trên sợi “dây thăng bằng” mong manh: vừa phải tuân thủ lệnh cấm từ chính phủ Hoa Kỳ, vừa tìm cách duy trì vị thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc – nơi đang dần bị các sản phẩm nội địa thay thế.
Đây là tình thế đầy trớ trêu với Nvidia bởi Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn trong tập khách hàng tiềm năng. Thực tế trên thị trường càng cho thấy rõ bài toán khó này.
Huawei hiện bắt đầu bàn giao “cụm” chip AI tiên tiến cho khách hàng trong nước, những người trước đó từng phụ thuộc vào phần cứng của Nvidia. Trước khi lệnh cấm mới có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng đơn hàng chip H20, nhưng nay đang chuyển hướng sang nhiều phương án thay thế trong nước.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang đứng trước ngã rẽ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, vốn sinh ra nhằm làm chậm đà phát triển AI của Trung Quốc, có thể đang phản tác dụng, thúc đẩy đổi mới và tự lực công nghệ Trung Quốc. Chính CEO Jensen Huang cũng đề cập đến nghịch lý này khi phát biểu tại Washington, nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ nên tập trung tăng cường sức cạnh tranh thay vì siết chặt xuất khẩu.
“Đây là ngành mà chúng ta buộc phải cạnh tranh”, CEO Huang nhấn mạnh.
Dù chịu áp lực từ căng thẳng địa chính trị, Nvidia vẫn cam kết đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng tại Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã gọi ông Huang là “người bạn Jensen” khi ca ngợi kế hoạch trị giá 500 tỷ USD của Nvidia nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng AI tại Hoa Kỳ trong vòng 5 năm tới. Công ty đã hiện thực hóa lời hứa này bằng việc hợp tác cùng Foxconn để lắp ráp máy chủ AI tại khu vực Houston.
“Với quyết tâm và nguồn lực quốc gia, tôi tin rằng chúng ta có thể tự sản xuất trong nước”, ông Huang phát biểu.
CỤC DIỆN AI TOÀN CẦU PHÂN CỰC THEO ĐỊA CHÍNH TRỊ

Tuy nhiên, Phố Wall dường như tỏ ra thận trọng hơn. Cổ phiếu Nvidia giảm hơn 20% kể từ đầu năm 2025, sau khi tăng gấp ba lần trong năm ngoái. Đặc biệt, mã này tiếp tục giảm thêm 3% sau khi ông Huang đưa ra những nhận xét thẳng thắn về năng lực AI của Trung Quốc.
Đối với tập đoàn công nghệ toàn cầu, những chuyển biến này mang ý nghĩa sâu sắc. Khi Trung Quốc phát triển lựa chọn thay thế khả thi cho công nghệ phương Tây, hệ sinh thái AI toàn cầu có nguy cơ phân tách theo ranh giới địa chính trị. Doanh nghiệp có thể phải xây dựng chiến lược riêng biệt cho từng thị trường, mỗi nơi có cơ sở hạ tầng công nghệ, quy định pháp lý và đối thủ cạnh tranh khác nhau.
Trong những tháng tới, các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo công nghệ sẽ phải đối mặt với quyết định mang tính bước ngoặt. Liệu biện pháp kiểm soát có giúp Hoa Kỳ duy trì lợi thế công nghệ, hay vô tình đẩy nhanh quá trình tự chủ của Trung Quốc? Những phát biểu của người đứng đầu Nvidia cho thấy cuộc đua diễn ra gay gắt hơn nhiều so với hình dung của phương Tây.
Thị trường AI toàn cầu không còn bị chi phối bởi một hệ sinh thái duy nhất. Hai vũ trụ AI song song đang dần hình thành – một tại Thung lũng Silicon, và một tại các trung tâm công nghệ Trung Quốc – với những tác động sâu rộng đến tương lai ngành điện toán, an ninh quốc gia và cạnh tranh kinh tế toàn cầu.
https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Fceo-nvidia-trung-quoc-khong-tut-hau-trong-cuoc-dua-ai.htm