27.4 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 5 8, 2025

Bắt nhịp cùng AI – Báo điện tử Bình Định

Must read

Bắt nhịp cùng AI

Ngày càng nhiều bạn trẻ chủ động tiếp cận, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Dù AI ngày càng thân thiện và tiện dụng, nhưng cũng cần cẩn trọng để sử dụng hiệu quả, thay vì lạm dụng, bị phụ thuộc…

Hỗ trợ học tập, sáng tạo

Ngoài giờ học ở lớp, Trần Anh Khoa (lớp 10A3, Trường THPT số 1 Tuy Phước, huyện Tuy Phước) sử dụng thêm Khan Academy (phần mềm sử dụng AI để phân tích tiến độ học của người dùng) để ôn bài.

“Ứng dụng này dễ dùng, có tính năng nhận biết những phần kiến thức em còn yếu, như chương “Véc-tơ trong mặt phẳng tọa độ”, rồi đề xuất tài liệu hoặc bài học phù hợp. Nhờ vậy, em học có trọng tâm và hiệu quả hơn so với việc tự mày mò như trước”, Khoa chia sẻ.

viewimage

Sinh viên Trường CĐ FPT Polytechnic Quy Nhơn ứng dụng AI vào nghiên cứu, học tập. Ảnh: D.L

Ngoài hỗ trợ học tập, nhiều học sinh, sinh viên còn mạnh dạn áp dụng AI vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024 – 2025 với dự án “Thiết bị hỗ trợ di chuyển và theo dõi sức khỏe bệnh nhân IoT”, Nguyễn Trần Thi và Nguyễn Trọng Nhân (học sinh lớp 9A1, Trường THCS Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) đã tạo nên thiết bị kết hợp giữa giường bệnh và xe lăn thông minh, tích hợp cảm biến hiện đại để theo dõi các chỉ số như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, môi trường và truyền dữ liệu lên cloud, giúp bác sĩ theo dõi từ xa, đồng thời hỗ trợ điều chỉnh tư thế nằm, di chuyển dễ dàng cho bệnh nhân.

Một ví dụ khác, Trương Minh Tiến (sinh viên lớp Phát triển phần mềm K19, Trường CĐ FPT Polytechnic Quy Nhơn) và các bạn cùng lớp đoạt giải nhì Cuộc thi Hackathon 2025: Touch a life (do Trường ĐH FPT Quy Nhơn tổ chức) với dự án “Ứng dụng AI trong hỗ trợ sức khỏe tâm lý”. Dự án hướng đến xây dựng nền tảng trực tuyến kết nối người dùng với chuyên gia tâm lý, tích hợp chatbot AI phản hồi 24/7 và kho tài liệu chuyên đề sức khỏe tinh thần.

“AI giúp hệ thống của chúng tôi hoạt động liên tục, hỗ trợ người dùng mọi lúc, đặc biệt trong những thời điểm họ cần được lắng nghe và chia sẻ”, Tiến cho biết.

Việc làm quen với các ứng dụng AI hiện nay không còn quá khó. Với các công cụ phổ biến như Grammarly, Canva, ChatGPT hay DALL-E…, người dùng chỉ mất vài giờ để nắm cách dùng và áp dụng ngay vào công việc.

Anh Lê Duy Khiêm (SN 1998, là gia sư, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đã học cách dùng ứng dụng Canva để tạo biểu đồ, hình ảnh minh họa sinh động cho bài giảng. Anh Khiêm cho hay: “Ngoài Canva, tôi còn tìm hiểu thêm một số ứng dụng AI khác để chọn lọc, tổng hợp câu hỏi, tiết kiệm thời gian hơn so với việc làm thủ công mà vẫn đảm bảo chất lượng bài học”.

Cần dùng đúng, dùng an toàn

Tuy mang lại nhiều lợi ích trong học tập và sáng tạo, AI vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro nếu người dùng chưa đủ hiểu biết để sử dụng đúng cách. Việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ có thể khiến người trẻ sao nhãng tư duy cá nhân, dễ bị động trong tiếp nhận kiến thức và xử lý thông tin.

Một trong những vấn đề đáng chú ý hiện nay là bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng các nền tảng AI. Nhiều ứng dụng yêu cầu truy cập dữ liệu người dùng, nếu không lựa chọn nguồn uy tín có chính sách bảo mật rõ ràng, nguy cơ rò rỉ thông tin là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, AI không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời chính xác. Việc kiểm chứng lại thông tin, đối chiếu với kiến thức nền tảng là điều cần thiết, nhất là khi AI ngày càng được dùng nhiều trong việc tra cứu, viết bài, xử lý số liệu…

Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Trường CĐ FPT Polytechnic Quy Nhơn, cho biết: “Nhà trường khuyến khích sinh viên tiếp cận và ứng dụng AI vào học tập, sáng tạo; bởi đó vừa là xu hướng của xã hội, vừa giúp sinh viên nâng cao kỹ năng cần thiết trong thời buổi 4.0. Tuy nhiên, AI là công cụ hỗ trợ, không phải để thay thế suy nghĩ hay sáng tạo của người học nên mỗi bạn cần làm chủ để phát huy tối đa hiệu quả của chúng”.

Song song với đó, thời gian qua, đoàn thanh niên các cấp cũng tích cực định hướng, trang bị kỹ năng công nghệ cho giới trẻ. Trong tháng 4, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Trường CĐ FPT Polytechnic Quy Nhơn tổ chức tập huấn về chuyển đổi số và kỹ năng sử dụng AI, giới thiệu các ứng dụng như ChatGPT, PoE, Copilot, Suno… cho học sinh các trường THPT trong tỉnh, giúp các em vận dụng AI vào học tập mà không bị lệ thuộc hay sử dụng sai mục đích.

DƯƠNG LINH



https%3A%2F%2Fbaobinhdinh.vn%2Fviewer.aspx%3Fmacm%3D23%26macmp%3D23%26mabb%3D355441

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article