
Đây là khẳng định của ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tại sự kiện “Ngày hội AI” của tỉnh Điện Biên, với chủ đề “Chiến dịch Điện Biên Phủ – Hành trình phủ AI” do UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với STEAM for Vietnam và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức ngày 6/5 vừa qua.
Cụ thể hoá Nghị quyết số 57
Sự kiện nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của tỉnh Điện Biên một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, trong việc chủ động hòa mình vào xu thế toàn cầu, khai thác các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI), như một động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội bền vững và toàn diện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Thành Đô, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là câu chuyện tương lai xa xôi, mà đang hiện hữu rõ nét trong từng lĩnh vực của đời sống – từ giáo dục, y tế, nông nghiệp đến giao thông, hành chính công. AI không chỉ thay đổi cách con người làm việc, học tập và sáng tạo, mà còn mở ra những khả năng mới, giúp các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách, bắt kịp nhịp phát triển của thời đại.
Tỉnh Điện Biên, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng, việc nắm bắt và ứng dụng AI một cách thông minh, hiệu quả chính là chìa khóa để khai mở tiềm năng, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy phát triển nhanh hơn.
“Nhận thức sâu sắc về vai trò của công nghệ trong thời đại số, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Điện Biên đã xác định rõ: trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà chính là đòn bẩy chiến lược, là động lực then chốt trong tiến trình phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của tỉnh. Để cụ thể hóa định hướng này, Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm sát hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và lợi thế đặc thù của địa phương”,ông Lê Thành Đô nêu rõ.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, việc tỉnh Điện Biên tổ chức “Ngày hội AI” không chỉ là dịp để trải nghiệm, chia sẻ, trình diễn công nghệ mà còn là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình chuyển hóa tri thức số thành nội lực phát triển.
Sự kiện còn góp phần khơi dậy đam mê công nghệ, thúc đẩy tinh thần học tập và sáng tạo trong thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của Điện Biên, những người sẽ góp phần định hình vị thế tỉnh nhà trong kỷ nguyên số.
Chiến dịch hướng đến mục tiêu đưa AI đến gần hơn với nhân dân, từng tổ chức, doanh nghiệp, thôn bản, phòng học và từng lĩnh vực đời sống như: nông nghiệp thông minh, giáo dục linh hoạt, du lịch số, y tế từ xa và hành chính hiện đại.
Bình dân học vụ số
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, muốn chinh phục AI và công nghệ số, cần một nền tảng vững chắc là tri thức số trong mỗi con người. Cùng với đó là phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn tỉnh, nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho mọi người dân, để ai cũng có thể sử dụng các thiết bị thông minh, tiếp cận dịch vụ số thiết yếu và tham gia một cách an toàn, hiệu quả trên không gian mạng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2026, 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có kiến thức cơ bản về số hóa, có kỹ năng số phù hợp, và sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số. Phong trào này không chỉ nâng cao năng lực cá nhân, mà còn kích hoạt tinh thần học tập suốt đời, lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng trong thời đại số.
Theo đó, tại “Ngày hội AI”, tỉnh Điện Biên đã phát động đồng thời hai chương trình quan trọng: “Chiến dịch Điện Biên Phủ – Hành trình Phủ AI” và Phong trào “Bình dân học vụ số”. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh quá khứ hào hùng, mà còn là bước khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình kiến tạo tương lai bằng tri thức, công nghệ và khát vọng vươn lên.

Để các phong trào đi vào thực chất và lan tỏa sâu rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô yêu cầu, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh cần triển khai bài bản, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp như: Ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng học tập trực tuyến; Tập huấn, đào tạo phân tầng theo nhóm đối tượng; Phát huy các mô hình hiệu quả như “Đại sứ số”, “Gia đình số”, “Chợ số, Nông thôn số” và đặc biệt, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, bền bỉ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người.”
Đồng thời, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân trong tỉnh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương, tiên phong trong học tập, ứng dụng và lan tỏa tri thức số. Mỗi cơ sở giáo dục, mỗi doanh nghiệp phải trở thành trung tâm lan tỏa công nghệ, là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số cộng đồng. Và mỗi người dân, không phân biệt lứa tuổi hay nghề nghiệp, cần chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng số, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng một cộng đồng số vững mạnh, nhân văn và phát triển.
“Thành công của phong trào sẽ được đo bằng sự thay đổi thực chất về năng lực số, năng suất lao động và chất lượng sống, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số – xã hội số – kinh tế số ở tỉnh nhà”, ông Lê Thành Đô đánh giá.
Ghi nhận của phóng viên DĐDN từ một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc tỉnh Điện Biên tổ chức “Ngày hội AI” đã giúp người dân doanh nghiệp nhận thức và hiểu rõ chuyên sâu hơn về AI. Từ sự kiện doanh nghiệp sẽ tìm kiếm kết nối học hỏi nhằm khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (GenAI).
Dựa trên việc đánh giá các nhu cầu trọng yếu, tính cấp thiết và mức độ khả thi của việc triển khai AI cho từng lĩnh vực hoạt động phù hợp với từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược AI hiệu quả, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cùng quan điểm trên, bà Trần Tố Uyên, Giám đốc quốc gia tổ chức STEAM for Vietnam cho hay: Vừa qua tỉnh tổ chức khóa tập huấn phổ cập AI cho toàn bộ 14.000 giáo viên tỉnh Điện Biên. Chương trình được thực hiện trong vòng 2 tháng với sự tham gia của 200 tình nguyện viên trên cả nước, đào tạo cho 1.200 cán bộ quản lý và hơn 100 giáo viên cốt cán. Toàn bộ giáo viên đã hoàn thành khóa học trước ngày 7/5.
Đặc biệt, sau khóa học, hơn 35.700 dự án ứng dụng AI trong giảng dạy đã được giáo viên gửi về. Trong đó, 5 dự án xuất sắc nhất đến từ những địa phương vùng cao, còn nhiều khó khăn như Mường Nhé, Tủa Chùa và Mường Ảng.
“Khi mới bắt đầu triển khai chương trình, rất nhiều giáo viên bỡ ngỡ, thậm chí có nhiều thầy cô gặp khó khăn vì tin học văn phòng cơ bản của các thầy cô còn nhiều hạn chế, nhưng các thầy cô có tinh thần học hỏi, thay đổi rõ rệt và có những dự án xuất sắc. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai giai đoạn hai và mong muốn là ứng dụng sâu hơn và đo lường được hiệu quả của chương trình. Chúng tôi mong muốn có thể triển khai tiếp ở những tỉnh thành khác, đặc biệt là ở những vùng khó khăn” – bà Trần Tố Uyên bộc bạch.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra các hoạt động như: Phát động chiến dịch “Điện Biên Phủ – Hành trình phủ AI” và phong trào “Bình dân học vụ số”; Tổng kết khóa tập huấn “Ứng dụng AI thế hệ mới” và vinh danh các dự án xuất sắc; Trải nghiệm công nghệ AI tại các gian hàng trưng bày và giải đấu giao hữu Robotics với chủ đề “Chiến dịch 715”. Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Ngày hội AI; tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ mới” cho cán bộ giáo viên; đồng thời vinh danh 5 cá nhân có dự án ứng dụng AI xuất sắc nhất khóa tập huấn “Ứng dụng AI thế hệ mới”.
https%3A%2F%2Fdiendandoanhnghiep.vn%2Fdien-bien-ai-chia-khoa-khai-mo-tiem-nang-nang-cao-nang-suat-thuc-day-phat-trien-10154104.html