TTTĐ – Trước làn sóng tự động hóa và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo (AI), các ngành nghề đều đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc, kéo theo nguy cơ cắt giảm nhân sự ở nhiều vị trí truyền thống. Để không bị bỏ lại phía sau, nhiều sinh viên đang phải đầu tư thời gian và tiền bạc để trang bị thêm các kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ, quyết tâm “vượt sóng” để tìm kiếm cơ hội việc làm vững vàng trong bối cảnh thị trường lao động đầy thách thức.
AI trở thành “trợ thủ” đắc lực của sinh viên Điện Biên: Nhiều hoạt động trong “Ngày hội AI” |
“Cuộc chiến” kỹ năng số
Trong bối cảnh làn sóng tự động hóa và sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường lao động đang trải qua những biến động chưa từng có. Nguy cơ cắt giảm nhân sự tại các vị trí truyền thống ngày càng hiện hữu, buộc người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Nhận thức rõ ràng về điều này, một bộ phận không nhỏ sinh viên thuộc các chuyên ngành có liên quan đang chủ động “gồng mình” đầu tư cả về thời gian và tài chính để trang bị thêm những kỹ năng then chốt của thời đại mới: công nghệ và ngoại ngữ.
Đây không chỉ là một sự thích ứng nhất thời mà còn là một sự chuẩn bị chiến lược cho tương lai nghề nghiệp đầy cạnh tranh. Việc thành thạo các công cụ và nền tảng công nghệ, hiểu biết về AI và khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát đang dần trở thành những yêu cầu bắt buộc đối với lực lượng lao động trẻ. Sự đầu tư này thể hiện quyết tâm “vượt sóng”, không để bản thân bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời mở ra những cơ hội việc làm mới trong bối cảnh thị trường lao động liên tục thay đổi và đòi hỏi những kỹ năng ngày càng cao.
![]() |
Sinh viên phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng |
Chia sẻ về nỗi lo lắng này, Nguyễn Thùy Linh, sinh viên đang theo học tại Học viện Tài chính, cho biết: “Khi lựa chọn vào ngành ngân hàng, em nhận thấy nhân sự khối ngành này không còn “hot” như trước bởi sự chiếm lĩnh của công nghệ. Chúng em phải gắng hết sức mình khắc phục bằng việc đăng ký học thêm tiếng Anh hoặc các bộ môn liên quan đến Tin học”.
Linh cũng chia sẻ thêm, em đã bắt đầu làm quen với các công cụ AI như ChatGPT và Gemini để hỗ trợ việc học tập, tuy nhiên vẫn ý thức được việc giữ vững sự chủ động và không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Định hướng cho tương lai, sinh viên này bày tỏ sự quyết tâm: “Sau này AI phát triển, chắc chắn trong vài năm nữa, em sẽ phải tìm hiểu và học thêm để trang bị kỹ năng công nghệ sau khi ra trường”.
Cùng chung mối quan ngại, Nguyễn Mai Phương, sinh viên Học viện Ngân hàng, không giấu được sự lo ngại về nguy cơ bị đào thải của nhiều nhân viên trong ngành do sự tiến bộ của AI. Phương phân tích: “Khi sinh viên ra trường, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc ở nhiều vị trí. Ví dụ, sự phát triển của thanh toán bằng thương mại điện tử khiến khách hàng không còn cần đến trụ sở giao dịch trực tiếp. Khách hàng có thể dễ dàng mở tài khoản trực tuyến, dẫn đến việc nhiều vị trí công việc truyền thống có thể biến mất trong tương lai”.
Để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, Mai Phương đã chủ động học thêm ngoại ngữ, nhắm đến các công ty nước ngoài hoặc khu công nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu làm việc tại các ngân hàng truyền thống. Hành động này cho thấy sự linh hoạt và chủ động thích ứng của sinh viên trước những biến động của thị trường lao động.
Đón đầu kỷ nguyên số bằng tri thức
Trước những thách thức mà sinh viên phải đối mặt trong kỷ nguyên số, TS. Nguyễn Thùy Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Chính trị, khoa Kinh tế Chính trị, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra những rào cản: “Thách thức lớn nhất là thiếu kỹ năng số. Nhiều sinh viên còn hạn chế trong việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó, với xu hướng làm việc từ xa, sinh viên không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn với ứng viên quốc tế”.
![]() |
Sinh viên làm chủ tương lai số với “bệ phóng” kiến thức vững chắc |
Để vượt qua những thách thức này, TS. Thùy Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học các kỹ năng công nghệ như Python, phân tích dữ liệu và quản trị dự án số, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ và kỹ năng quản trị cảm xúc (EQ). Việc tích cực tham gia thực tập và các dự án thực tế cũng được xem là yếu tố then chốt giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tiễn và dễ dàng thích nghi hơn khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Để giúp sinh viên có thể phát triển sự nghiệp thành công trong tương lai đầy biến động, TS. Nguyễn Thùy Anh đã đưa ra những lời khuyên giá trị. Theo chuyên gia, việc “chọn lọc và đào sâu kiến thức” là vô cùng quan trọng. Thay vì học dàn trải, sinh viên nên tập trung vào một vài lĩnh vực cụ thể để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, việc “không ngừng học hỏi”, đặc biệt là các kỹ năng số và ngoại ngữ, là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của thị trường lao động. TS. Thùy Anh nhấn mạnh: “Mỗi sinh viên cần hiểu rõ các vấn đề thời sự như biến đổi khí hậu, an ninh mạng và chiến tranh thương mại để đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp”.
“Xây dựng mạng lưới” cũng được xem là một yếu tố quan trọng, việc kết nối với các chuyên gia, cựu sinh viên và tham gia các hội thảo chuyên ngành sẽ giúp sinh viên mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Trong bối cảnh AI đang thay đổi “cuộc chơi”, sự chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng và xây dựng mạng lưới quan hệ sẽ là “chìa khóa” giúp sinh viên tự tin “vượt sóng” và gặt hái thành công trong tương lai.
https%3A%2F%2Ftuoitrethudo.vn%2Fai-soan-ngoi-sinh-vien-va-cuoc-dua-ky-nang-de-vuot-song-277388.html