25.4 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 5 14, 2025

Cuộc chơi không dành cho “kẻ yếu”

Must read

Hướng đi nào cho sàn thương mại điện tử nội địa trước áp lực cạnh tranh xuyên biên giới ? Nông sản Thái Nguyên “lên sàn” tăng trưởng mạnh nhờ thương mại điện tử

Không phải là thị trường buôn bán thử nghiệm

Những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 – 25% mỗi năm. Riêng trong năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam.

Thương mại điện tử từng được ví là mảnh đất màu mỡ cho bất kỳ ai tham gia kinh doanh. Đã có thời điểm, những người mới bắt đầu kinh doanh, vốn ít, quy mô nhỏ, không biết định hướng lâu dài thì bán hàng online là sự lựa chọn hoàn hảo.

thương mại điện tử không phải là thị trường buôn bán thử nghiệm
Thương mại điện tử giờ đây không phải là thị trường buôn bán thử nghiệm

Thống kê từ nền tảng phân tích dữ liệu Metric, năm 2024, tổng doanh thu của 5 nền tảng lớn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt tới 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Cùng với đó, khối lượng hàng hóa giao dịch cũng vượt mốc 3,42 tỷ sản phẩm, tăng vọt 50,76%, một con số cho thấy sức mua vẫn rất sôi động trên các nền tảng số.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025, có hơn 38.000 gian hàng không còn phát sinh đơn hàng, nhưng ngược lại, nhóm các cửa hàng có doanh thu cao lại chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, số lượng shop đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng gần như tăng gấp đôi so với quý I/2024.

Theo ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), qua các con số nêu trên cho thấy, những gian hàng uy tín được người tiêu dùng đánh giá cao, có chiến lược kinh doanh phù hợp, sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt vẫn phát sinh đơn hàng, thậm chí còn tăng trưởng, còn các gian hàng không đảm bảo chất lượng hoặc chưa tìm được hướng đi hay chiến lược kinh doanh theo quy luật sẽ khó cạnh tranh và phải đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ khỏi thị trường.

Từ chỗ là “phao cứu sinh” cho những người không có kinh nghiệm kinh doanh cũng mang lại doanh thu ổn định, thì giờ đây, thương mại điện tử không phải là thị trường buôn bán thử nghiệm. Muốn tồn tại, người kinh doanh bắt buộc phải có chiến lược và vận hành chuyên nghiệp. Sản phẩm phải có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng.

Kinh doanh online không kê khai thuế sẽ bị xử lý nghiêm

Trong 3 tháng đầu năm nay, thu thuế từ các tổ chức, kinh doanh thương mại điện tử tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 34, 5 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này được nhận định còn quá thấp so với số lượng người tham gia kinh doanh online. Điều đó có nghĩa còn không ít người bán hàng online chưa thực hiện trách nhiệm pháp lý, trong đó nổi bật là nghĩa vụ nộp thuế.

Trong khi đó, bán hàng online là kinh doanh thu lợi nhuận qua nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok hoặc sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… Người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Họ phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh, theo Luật Quản lý thuế 2019. Trường hợp chưa đăng ký thuế thường phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm.

Mới đây, trong thư ngỏ gửi đến người nộp thuế là các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Cục thuế cho biết cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ công tác quản lý thuế.

Cơ quan thuế khuyến nghị, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số chủ động tiếp cận, tìm hiểu về quy định pháp luật thuế và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo quy định.

Bên cạnh đó, cá nhân đã và đang kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, kịp thời với cơ quan thuế.

Trong trường hợp không nhận được sự hợp tác từ người nộp thuế, ngành thuế sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, cơ quan thuế sẽ củng cố hồ sơ chuyển sang cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý về hành vi trốn thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo về công tác thu thuế thương mại điện tử và chuyển đổi số trong 4 tháng đầu năm 2025, Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đến nay đã có 153 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 93,6% so với cùng kỳ.



https%3A%2F%2Fdoanhnghiephoinhap.vn%2Fthuong-mai-dien-tu-cuoc-choi-khong-danh-cho-ke-yeu-104008.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article