27.6 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Sáu, Tháng 5 23, 2025

Ứng dụng AI vào báo cáo ESG, nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu cho ngân hàng Việt

Must read

Trong bối cảnh phát triển bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc tại nhiều thị trường tài chính quan trọng trên thế giới, báo cáo phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính không chỉ là một tài liệu minh bạch hóa thông tin mà còn là tiêu chuẩn đầu tư quan trọng.

Báo cáo này cung cấp thông tin đa chiều, giúp các nhà đầu tư nhìn xa hơn về rủi ro và cơ hội của doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của các quyết định đầu tư tài chính. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng báo cáo tài chính kết hợp với báo cáo phát triển bền vững sẽ trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của báo cáo tài chính truyền thống.

Tại tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” diễn ra ngày 21/5, TS Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT, cho biết trên thế giới, việc lập báo cáo ESG đã được thực hiện rộng rãi. Theo thống kê, 92% các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 và 70% các doanh nghiệp thuộc danh sách Russell 1000 đã công bố báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG hàng năm. Trong ngành tài chính, các ngân hàng lớn như JPMorgan, BNP Paribas, DBS hay Deutsche Bank đều đã triển khai báo cáo phát triển bền vững một cách bài bản. 

Tại Việt Nam, năm 2024 số lượng doanh nghiệp lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt là 33 tổ chức. Thống kê chỉ ra rằng 67% doanh nghiệp Việt Nam chưa hoặc mới xác định được một số chỉ tiêu liên quan đến ESG, và 47% chưa nắm rõ cách thức thu thập, xử lý dữ liệu. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ trong hành trình này. 

GIẢI BÀI TOÁN DỮ LIỆU NẰM RẢI RÁC, PHI TẬP TRUNG KHI THỰC HÀNH BÁO CÁO ESG

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, ACCA Việt Nam, cho biết hiện nay trên thế giới tồn tại rất nhiều tiêu chuẩn phát triển bền vững khác nhau. Thực tiễn triển khai cho thấy nhiều ngân hàng trong nước đã xây dựng báo cáo phát triển bền vững dựa trên một số bộ tiêu chuẩn nhất định.

Dù vậy, khi làm việc với các đối tác trong khu vực hoặc quốc tế, những báo cáo này thường chưa được công nhận hoặc thống nhất theo một chuẩn mực chung. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết, làm thế nào để Việt Nam triển khai báo cáo phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng theo hướng đồng bộ với các tiêu chuẩn hóa toàn cầu.

Theo ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA Toàn cầu, việc tạo thông tin phát triển bền vững đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu. Điều này liên quan đến việc xác định dữ liệu cần thiết, nguồn dữ liệu, phạm vi và thông số thu thập dữ liệu, cũng như đặc điểm của dữ liệu, dù là dữ liệu có cấu trúc hay không có cấu trúc. Ngoài ra, dữ liệu sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau, cần được phân tích và tổng hợp. 

TS Lê Hùng Cường của FPT Digital cũng cho rằng dữ liệu liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị để thực hiện báo cáo phát triển bền vững thường nằm rải rác ở nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao thu thập và kiểm soát dữ liệu một cách hiệu quả, đảm bảo tính chính xác để đưa vào báo cáo ESG. Hơn nữa, báo cáo ESG sẽ phục vụ nhiều đối tượng, từ các nhà đầu tư, ngân hàng, đến các tổ chức quốc tế, giúp xác định các doanh nghiệp xanh, minh bạch, đủ điều kiện nhận tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.

Các chuyên gia khẳng định việc thực hiện báo cáo ESG theo cách thủ công “rất tốn thời gian, dễ xảy ra sai sót” và “khó đảm bảo tần suất báo cáo đầy đủ, nhanh chóng”. Ứng dụng số hóa và AI trở thành “giải pháp thiết yếu”. TS Lê Hùng Cường cho biết tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có giải pháp toàn diện cho quá trình này.

 

Dữ liệu liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị để thực hiện báo cáo phát triển bền vững thường nằm rải rác ở nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao thu thập và kiểm soát dữ liệu một cách hiệu quả, đảm bảo tính chính xác để đưa vào báo cáo ESG. Ứng dụng số hóa và AI trở thành “giải pháp thiết yếu”
Dữ liệu liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị để thực hiện báo cáo phát triển bền vững thường nằm rải rác ở nhiều nguồn khác nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao thu thập và kiểm soát dữ liệu một cách hiệu quả, đảm bảo tính chính xác để đưa vào báo cáo ESG. Ứng dụng số hóa và AI trở thành “giải pháp thiết yếu”

Trên quốc tế, tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã phát triển nền tảng kỹ thuật số Gprnt để đơn giản hóa việc thu thập và báo cáo dữ liệu ESG cho các doanh nghiệp, đặc biệt là SME, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn xanh. Nền tảng này giúp ngân hàng và cơ quan quản lý đánh giá chỉ số phát triển bền vững của các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ phân bổ vốn xanh hiệu quả. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp mà còn tăng năng suất xét duyệt khoản vay của ngân hàng.

Ở quy mô lớn hơn, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và Ngân hàng Trung ương Đức đã hợp tác trong khuôn khổ dự án Gaia để phát triển công cụ đánh giá KPI ESG các tổ chức tài chính. Trong đó, họ sử dụng AI để phân tích các báo cáo tài chính và ESG của 187 tổ chức tài chính, nhằm theo dõi 20 chỉ số KPI liên quan đến rủi ro khí hậu, phát thải carbon, phát hành trái phiếu xanh và cam kết Net Zero. 

“Các báo cáo phát triển bền vững thường dài hàng trăm trang, việc đọc và lọc thông tin thủ công – như cam kết đạt Net Zero, thông tin tiêu thụ năng lượng, hay phạm vi báo cáo (scope 1, 2, hay 3) mất rất nhiều thời gian”, ông Lê Hùng Cường nói.

Dự án Gaia đã tự động hóa, xử lý hơn 2.300 tài liệu, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo ESG và các tài liệu công khai khác. Độ chính xác đạt 98% trong việc xác định các tài liệu không chứa thông tin rủi ro khí hậu và 80% trong việc phân loại rủi ro khí hậu từ các tài liệu có liên quan. Hệ thống cho phép bổ sung nhanh chóng các KPI mới hoặc tổ chức mới, giúp mở rộng quy mô phân tích rủi ro khí hậu một cách hiệu quả. 

Ở Việt Nam, FPT đang phát triển giải pháp VertZero giúp số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu ESG, nhằm đo lường dấu chân carbon và hỗ trợ các doanh nghiệp tiến tới mục tiêu Net Zero. Giải pháp VertZéro đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị thực tiễn cho cả khối ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất trong việc quản lý và báo cáo phát thải hiệu quả. FPT cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong ba lĩnh vực chính: xây dựng chiến lược và báo cáo ESG, hợp tác với các mạng lưới xanh (bao gồm tổ chức quốc tế và cơ quan chính phủ) để thúc đẩy tài chính xanh, và phát triển các công nghệ hỗ trợ số hóa, thu thập dữ liệu và báo cáo phát triển bền vững. 

SỬ DỤNG AI MỘT CÁCH CÓ ĐẠO ĐỨC, LUÔN PHẢI “HOÀI NGHI”

Ứng dụng AI vào thực hành báo cáo phát triển bền vững song các chuyên gia cũng lưu ý về tính xác thực, đạo đức AI, đặc biệt với một lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, tài chính. Theo TS Lê Hùng Cường, đầu tiên các tổ chức vẫn cần có tư duy “AI-First”, nghĩa là sử dụng AI trong mọi hoạt động, bao gồm cả việc lập báo cáo phát triển bền vững. Tuy nhiên, AI có thể đưa ra gợi ý, phân tích dữ liệu hoặc tạo báo cáo, nhưng “chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn vào kết quả đó mà không kiểm tra”.

“Bước xác minh này vẫn cần có sự tham gia của con người”, TS Lê Hùng Cường nói. “Con người cần áp dụng sự hoài nghi, đặt câu hỏi về tính trung thực, công bằng và phù hợp của dữ liệu đầu ra. Ví dụ, nếu AI phân tích dữ liệu khí thải carbon và đưa ra kết quả, chúng ta cần kiểm tra lại nguồn dữ liệu, phương pháp tính toán và bối cảnh để đảm bảo kết quả đúng với thực tế nhất. Đây là lưu ý cốt lõi để tránh rủi ro từ sai sót hoặc “ảo giác” của AI”.

Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của ACCA Toàn cầu, cũng nhấn mạnh “sử dụng AI một cách có đạo đức”, trong đó có các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp như tính chính trực, năng lực và cẩn trọng, tính khách quan, bảo mật và hành vi chuyên nghiệp, cung cấp một khung để nhận diện và điều hướng các rủi ro liên quan đến AI. 

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo, ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để phát triển bền vững, minh bạch và thân thiện hơn với môi trường và xã hội. 

 

Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu, cũng như cách thức thu thập và xử lý thông tin hiệu quả, minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể khi thực hành và công bố báo cáo phát triển bền vững trong ngành ngân hàng Việt Nam

Ông Hà cho rằng “cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hành và công bố báo cáo phát triển bền vững trong ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu”. Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu, cũng như cách thức thu thập và xử lý thông tin hiệu quả, minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số hiện đại được xem là giải pháp then chốt, giúp nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu, tăng cường năng lực phân tích, giám sát và hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách kịp thời, minh bạch.

TS Lê Hùng Cường cho biết FPT mong muốn hợp tác với ba đến năm ngân hàng trong thời gian tới để triển khai đo lường và tài trợ theo tiêu chuẩn ESG, sử dụng các công cụ như AI và IoT để tự động hóa thu thập dữ liệu, thay vì cách làm thủ công. 

“Sau khi thử nghiệm thành công, chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái tín dụng xanh quốc gia, kết nối đa tầng với sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước để đánh giá tỷ lệ xanh toàn hệ thống, hỗ trợ hoạch định chính sách và quản trị rủi ro”, TS Lê Hùng Cường nói.

Đối với doanh nghiệp, hệ sinh thái này sẽ tự động hóa việc nộp báo cáo ESG, chuẩn hóa dữ liệu và kết nối với các hệ thống đánh giá tín dụng xanh. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, hệ sinh thái sẽ tăng cường tính minh bạch, giúp các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như phân bổ nguồn vốn xanh đến đúng doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất

https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Fung-dung-ai-vao-bao-cao-esg-nang-cao-hieu-qua-quan-tri-du-lieu-cho-ngan-hang-viet.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article