25.2 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 5 24, 2025

“Cuộc chiến” AI giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng quyết liệt

Must read

Cuộc chiến AI giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng quyết liệt - 1

Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực công nghệ cao (Ảnh minh họa: Fox News).

Theo chuyên gia Marina Yue Zhang từ Diplomat, cuộc cạnh tranh AI giữa Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, phức tạp và nguy hiểm hơn vào tháng 5.

Ba sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt này là phiên điều trần Thượng viện Mỹ với tiêu đề “Chiến thắng trong cuộc đua AI”, lệnh cấm đối với chip AI Ascend của Huawei và chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald Trump ký các thỏa thuận chip AI với các đồng minh.

Những diễn biến này không chỉ phản ánh sự leo thang trong cạnh tranh công nghệ mà còn báo hiệu một sự thay đổi chiến lược, từ “ngăn chặn công nghệ” đối thủ sang xây dựng các khối liên minh và định hình hệ sinh thái số toàn cầu.

Cuộc đua AI giờ đây không chỉ xoay quanh việc phát triển các mô hình AI tiên tiến mà còn tập trung vào “tiêu chuẩn hóa”, áp dụng thực tiễn và kiểm soát hạ tầng kỹ thuật số.

Phiên điều trần tại Thượng viện

Ngày 5/5, Thượng viện Mỹ tổ chức phiên điều trần “Chiến thắng trong cuộc đua AI”, nơi các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng, lợi thế công nghệ của Mỹ trước Trung Quốc đang bị thu hẹp nhanh chóng. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và các thượng nghị sĩ như Ted Cruz nhấn mạnh Trung Quốc không chỉ bắt kịp về số lượng nghiên cứu AI mà còn vượt trội trong việc triển khai thực tiễn, với hơn 70% đơn đăng ký sáng chế AI toàn cầu thuộc về các công ty Trung Quốc.

Báo cáo từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng công bố nghiên cứu AI trong 2 năm liên tiếp (2023-2024), với các mô hình ngôn ngữ lớn như DeepSeek và Qwen cạnh tranh trực tiếp với GPT-4 và Llama.

Các nhà lập pháp chỉ trích chính sách AI dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, cho rằng các quy định kiểm soát xuất khẩu chip quá phức tạp đã cản trở sự đổi mới trong nước. Thượng nghị sĩ Cruz cảnh báo: “Nếu chúng ta không hành động, Trung Quốc sẽ định hình các tiêu chuẩn AI toàn cầu, từ đó kiểm soát hệ sinh thái số”.

Phiên điều trần cũng đề cập đến sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng bán dẫn từ Đông Á, đặc biệt là TSMC Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các chuyên gia tại phiên điều trần, gồm CEO Nvidia Jensen Huang, kêu gọi đầu tư mạnh hơn vào sản xuất chip trong nước và đào tạo nhân tài AI để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Phiên điều trần không chỉ là lời cảnh báo mà còn là lời kêu gọi hành động. Nó đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách AI của Mỹ “từ phòng thủ sang chủ động xây dựng liên minh và thúc đẩy đổi mới”. Tuy nhiên, sự thừa nhận công khai về nguy cơ mất vị thế dẫn đầu cũng làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc: “Chúng ta không thể để Trung Quốc định hình tương lai AI toàn cầu,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton nhấn mạnh.

Lệnh cấm chip AI Ascend 

Ngày 13/5, Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm toàn cầu đối với dòng chip AI Ascend của Huawei, gồm 910B, 910C và 910D; nói rằng việc sử dụng các chip này ở bất kỳ đâu trên thế giới đều “vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”, do chúng có khả năng chứa hoặc được sản xuất bằng công nghệ Mỹ. Đây là động thái chưa từng có, được báo Nikkei mô tả là hành động mạnh mẽ nhất nhằm vào Huawei, một trong những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.

Lệnh cấm mở rộng các hạn chế trước đó, vốn chỉ áp dụng cho xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc. Theo Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), các chip Ascend có thể được sử dụng để phát triển các mô hình AI phục vụ mục đích quân sự, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. 

Động thái trên phản ánh lo ngại ngày càng tăng về khả năng Trung Quốc xây dựng “một hệ sinh thái AI tự chủ”, đặc biệt với sự ra mắt của chip Ascend 910C, vốn được Huawei quảng bá là “đối thủ cạnh tranh trực tiếp” với GPU H100 của Nvidia.

Tuy nhiên, lệnh cấm cũng đặt ra thách thức cho Mỹ. Theo nhà phân tích Jonah Cheng từ J&J Investment, chip Ascend hiện khan hiếm ngay cả tại thị trường nội địa Trung Quốc, do đó tác động tức thời của lệnh cấm có thể bị hạn chế. Dù vậy, nó gửi đi một thông điệp rõ ràng, Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế để kiềm chế sự phát triển AI của Trung Quốc, kể cả khi điều đó gây căng thẳng với các đồng minh. Ví dụ, các quốc gia Trung Đông như UAE và Ả rập Xê út, vốn đang cân nhắc giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc, giờ đây phải đối mặt với áp lực chọn bên trong cuộc đua AI toàn cầu.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ của Trung Quốc hay không? Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (TIER) cho thấy Huawei đã bắt đầu thử nghiệm chip Ascend 910D và dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt chip thế hệ mới Ascend 920 vào cuối năm 2025.

Thỏa thuận chip AI Trung Đông

Cuộc chiến AI giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng quyết liệt - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm UAE ngày 16/5, trong đó hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác về Trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Reuters).

Từ ngày 12/5 đến 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện chuyến công du Trung Đông, với các điểm dừng tại Ả rập Xê út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Trong chuyến đi, Mỹ đạt được các thỏa thuận cung cấp hàng trăm nghìn chip AI tiên tiến của Nvidia cho các quốc gia này, nhằm xây dựng các trung tâm dữ liệu AI lớn nhất thế giới. Riêng UAE nhận được 100.000 chip cho công ty AI G42, với kế hoạch xây dựng khuôn viên AI tại Abu Dhabi có công suất 5 gigawatt, phục vụ khách hàng ở châu Phi, châu Âu, và châu Á.

Các thỏa thuận này không chỉ là giao dịch thương mại mà còn là “bước đi chiến lược” để củng cố liên minh công nghệ với các đồng minh Trung Đông. UAE và Ả rập Xê út cam kết đảm bảo an ninh chip, cho phép Mỹ giám sát vị trí, mục đích sử dụng. Đổi lại, Mỹ yêu cầu các quốc gia này đầu tư ngược lại vào hạ tầng AI tại Mỹ. Chẳng hạn, UAE đồng ý mỗi trung tâm dữ liệu xây dựng cho các công ty Mỹ ở Trung Đông sẽ đi kèm với một dự án tương tự tại Mỹ. Theo New York Times, thỏa thuận này là nỗ lực của Mỹ nhằm biến Trung Đông thành “trung tâm quyền lực AI mới”, giảm phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu ở Đông Á.

Chuyến công du cũng làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ chính quyền Trump. Một số cố vấn, theo tư tưởng “Nước Mỹ trên hết”, lo ngại rằng việc xuất khẩu chip AI có thể làm suy yếu vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ, như những sai lầm trong ngành năng lượng. Klon Kitchen, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định, chính sách đối ngoại hiếm khi có giải pháp hoàn hảo, chỉ có những đánh đổi. Tuy nhiên, các cố vấn khác lập luận việc hạn chế giao dịch với Trung Đông có thể đẩy các quốc gia này vào “vòng tay” của Huawei, đặc biệt khi chip Ascend 910C đang thu hút sự chú ý lớn của giới công nghệ quốc tế.

Thỏa thuận Trung Đông cũng phản ánh xu hướng rộng lớn hơn; đó là cuộc đua AI đang chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang hình thành các khối liên minh. Trong đó, Mỹ đang nỗ lực thiết lập một hệ sinh thái AI dựa trên tiêu chuẩn phương Tây, với Nvidia và ARM là “trung tâm”. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh kiến trúc RISC-V và chip Ascend để xây dựng hệ sinh thái riêng, đặc biệt tại các quốc gia thuộc Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Theo chuyên gia Zhang Marina từ Đại học Công nghệ Sydney, “một hệ thống lưỡng cực đang hình thành, với hai khối công nghệ cạnh tranh để định hình luật chơi AI toàn cầu”.

Tính toán của Trung Quốc và Mỹ

Ba sự kiện tháng 5 đánh dấu sự chuyển dịch trong cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu như giai đoạn trước tập trung vào ngăn chặn đối thủ (qua các lệnh cấm xuất khẩu và hạn chế công nghệ), giai đoạn mới là cuộc chiến giành quyền kiểm soát hệ sinh thái số toàn cầu. Mỹ đang xây dựng liên minh với các đồng minh chiến lược UAE, Ả rập Xê út và EU, trong khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại các thị trường đang phát triển thông qua Sáng kiến BRI.

Cuộc đua AI không còn là câu chuyện về hiệu năng mô hình; đã mở rộng sang các lĩnh vực như tiêu chuẩn hóa, hạ tầng (ai kiểm soát trung tâm dữ liệu và mạng 5G?) và ứng dụng thực tiễn (AI được triển khai như thế nào trong y tế, giao thông, và quốc phòng?). Theo bà Zhang Marina, “cơ sở dữ liệu, trung tâm tính toán và tiêu chuẩn phần mềm giờ đây mang tính chiến lược không kém chính sách quốc phòng”.

Sự cạnh tranh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lệnh cấm chip Ascend có thể đẩy nhanh nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc, trong khi các thỏa thuận Trung Đông đặt ra câu hỏi về an ninh và sự phụ thuộc lẫn nhau. Hơn nữa, sự hình thành các khối công nghệ đối lập có thể dẫn đến thế giới số phân cực, nơi các quốc gia phải chọn giữa hệ sinh thái Mỹ và Trung Quốc, làm tăng căng thẳng địa chính trị.

Trong khi Mỹ gia tăng sức ép, Trung Quốc không đứng yên. Chính phủ Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào bán dẫn; Thâm Quyến thành lập quỹ 692,5 triệu USD thúc đẩy sản xuất chip. Các công ty Huawei, SMIC, Cambricon phát triển các giải pháp thay thế cho GPU của Nvidia, với chip Ascend 910C và sắp tới là 910D. Đại học Thanh Hoa, dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học Andrew Yao, đã trở thành “cái nôi” đào tạo nhân tài AI, cung cấp nhân sự cho các startup như Megvii và Pony.ai.

Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Các mô hình AI như DeepSeek được triển khai tại hơn 30 quốc gia thuộc Sáng kiến BRI, từ châu Phi đến Đông Nam Á. Theo Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (SEMI), Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về đầu tư vào thiết bị sản xuất chip trong năm 2025, dù giảm nhẹ so với năm trước. Những nỗ lực này cho thấy, Trung Quốc không chỉ đuổi kịp mà còn đang định hình một hệ sinh thái AI độc lập, với RISC-V và Ascend là trụ cột.

Mỹ vẫn giữ vị thế dẫn đầu về nghiên cứu AI cơ bản, với số lượng bài báo được trích dẫn cao nhất thế giới. Các công ty Nvidia, OpenAI và Google tiếp tục thống trị thị trường mô hình ngôn ngữ lớn và GPU. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Đông Á và thiếu hụt nhân tài AI trong nước là những điểm yếu.

Báo cáo từ MIT cảnh báo rằng Mỹ cần tăng gấp đôi đầu tư vào giáo dục STEM và sản xuất chip để duy trì lợi thế. Chính sách của chính quyền Trump, với trọng tâm là đàm phán song phương và “nới lỏng” kiểm soát xuất khẩu (trừ Trung Quốc), đang mở ra cơ hội cho các đồng minh nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Việc xuất khẩu chip AI sang Trung Đông có thể củng cố liên minh nhưng cũng gia tăng nguy cơ rò rỉ công nghệ nếu biện pháp an ninh không được thực thi chặt chẽ.

Theo giới chuyên gia, cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, nơi các liên minh, tiêu chuẩn, hạ tầng trở thành chiến trường chính. Phiên điều trần Thượng viện, lệnh cấm chip Ascend, thỏa thuận Trung Đông là những cột mốc xác nhận sự chuyển dịch này. Tuy nhiên, không có quốc gia nào có thể thắng trọn vẹn. Mỹ phải cân bằng giữa đổi mới và an ninh, trong khi Trung Quốc đối mặt với thách thức về chất lượng công nghệ và sự đề phòng từ các thị trường phương Tây.

Cuộc cạnh tranh này không chỉ định hình tương lai AI mà còn ảnh hưởng đến trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Dù kết quả ra sao, một điều chắc chắn AI sẽ là động lực chính của thế kỷ 21 và cuộc đua này mới chỉ bắt đầu.

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fthe-gioi%2Fcuoc-chien-ai-giua-trung-quoc-va-my-ngay-cang-quyet-liet-20250523111013183.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article