24.9 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 5 25, 2025

Tiên phong đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Must read

Đào tạo nguồn nhân lực số phát triển địa phương

Cách mạng công nghiệp 4.0 và làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, có tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi số đã trở thành động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với thách thức về thiếu hụt lao động trình độ cao, đặc biệt là nhân lực số (lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng để phục vụ hoạt động công nghệ số).

Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỉ USD, trong đó có khoảng 70% dự án thuộc các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đứng thứ 4 cả nước.

Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip chuyên dụng và thiết bị điện tử hàng đầu cả nước. Để đạt được điều này, đầu tư trọng điểm cho nhân lực chất lượng cao được xem là giải pháp hàng đầu.

Đại học Thái Nguyên tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao.

Đại học Thái Nguyên tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng từng nhấn mạnh: Thái Nguyên nỗ lực, chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và Trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất mới…

Cụ thể hóa định hướng và quyết tâm đó, Thái Nguyên đã sớm ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Đại học Thái Nguyên xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, triển khai các hệ thống học liệu, hệ thống đào tạo trực tuyến để thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Năm học 2024-2025, Đại học Thái Nguyên có 3 trường thành viên triển khai đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tuyển sinh được gần 130 sinh viên. Cụ thể, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ngành Vi mạch bán dẫn); trường Đại học Khoa học (ngành Công nghệ bán dẫn) và trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch).

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên được tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên được tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, việc phối hợp với tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là phù hợp với xu thế, là định hướng đào tạo trong những năm tiếp theo của nhà trường. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Thái Nguyên đang tiếp tục hợp tác với các đối tác là trường đại học uy tín, danh tiếng và công ty nước ngoài; tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên thực hành, thực tập để có kiến thức và tăng cường khả năng thực tế trong các lĩnh vực bán dẫn.

Thời gian qua, các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đã chủ động mở chuyên ngành đào tạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức đào tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch.

Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm lớn, thư viện, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Đại học Thái Nguyên cam kết quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực để ngành công nghệ bán dẫn được đào tạo chất lượng, đáp ứng tốt nguồn nhân lực số theo định hướng của Chính phủ.

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác toàn diện, trong đó có công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.

Lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác toàn diện, trong đó có công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.

Tăng cường ứng dụng AI trong giáo dục, đào tạo

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu thế chuyển đổi số toàn cầu, giáo dục đại học đang đứng trước yêu cầu cấp thiết: trang bị đội ngũ cán bộ, giảng viên chủ chốt và sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn là năng lực số, đặc biệt là khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu và đời sống thực tiễn.

Theo lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, thời gian vừa qua, nhà trường liên tục tổ chức tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt đông giảng dạy, học tập và nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên chủ chốt của các trường đại học, cao đẳng thành viên, đơn vị trực thuộc và sinh viên. Đây là những hoạt động nằm trong chiến lược chuyển đổi số giáo dục của Đại học Thái Nguyên, đồng thời hưởng ứng Kế hoạch triển khai “Bình dân học AI” của tỉnh Thái Nguyên.

Qua các chương trình tập huấn, hàng trăm cán bộ, giảng viên được giới thiệu về AI; hướng dẫn viết prompt; tận dụng AI để tạo bài giảng giáo án và học liệu trực quan: hướng dẫn tạo slide bài giảng, phát triển nội dung học thuật, dùng GEN AI để phân tích số liệu về đồ thị, biểu đồ trực quan; xây dựng bài giảng số, tự động hóa về nội dung giáo dục…Đặc biệt là nghiên cứu sâu về cách thức tương tác với AI thông qua prompt và một số công cụ AI; ứng dụng các công cụ AI tạo giọng nói và âm thanh, video; tạo bài giảng và MiniGame bằng Canva; tạo câu hỏi nhanh tương tác với sinh viên…

Với những kiến thức được lĩnh hội, đội ngũ cán bộ, giảng viên chủ chốt sẽ tích cực ứng dụng AI vào công tác, giảng dạy; đồng thời tiếp tục lan tỏa phong trào học tập AI và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động giảng dạy, đào tạo trong toàn Đại học Thái Nguyên.

Đại học Thái Nguyên tổ chức tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động giảng dạy cho cán bộ, giảng viên chủ chốt của các trường đại học, cao đẳng thành viên, đơn vị trực thuộc.

Đại học Thái Nguyên tổ chức tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động giảng dạy cho cán bộ, giảng viên chủ chốt của các trường đại học, cao đẳng thành viên, đơn vị trực thuộc.

Cùng với đó, các chương trình tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được tổ chức thành nhiều đợt dành cho sinh viên các trường, đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Đối tượng tham gia tập huấn là: đội ngũ cán bộ đoàn – hội, bí thư chi đoàn, lớp trưởng, chi hội trưởng – những hạt nhân nòng cốt trong sinh viên, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tri thức và thúc đẩy phong trào học tập, đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Qua đó, các sinh viên được tiếp cận các nội dung thiết thực và hiện đại: Kiến thức nền tảng về trí tuệ nhân tạo, kỹ năng viết Prompt, phương pháp khai thác và ứng dụng các công cụ AI vào xử lý dữ liệu, soạn thảo văn bản, thiết kế nội dung số (bao gồm: hình ảnh, âm thanh, video) cũng như trực quan hóa báo cáo và bài giảng. Không chỉ chú trọng kỹ thuật, các chương trình còn lồng ghép nội dung về đạo đức và pháp luật trong sử dụng AI, giúp sinh viên hình thành tư duy công nghệ vững vàng, biết ứng dụng đúng cách và hiệu quả.

Chương trình tập huấn không chỉ giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về công nghệ AI mà còn mở ra nhiều cơ hội học tập và sáng tạo mới. Việc tiếp cận sớm với các công cụ trí tuệ nhân tạo sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và tiếp cận thị trường lao động sau này.

Từ đó cho thấy, Đại học Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học là trung tâm. Cùng với những bước đi bài bản, nắm bắt xu hướng, nhu cầu và tinh thần đổi mới mạnh mẽ đã góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng thời từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Đại học Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới.

ĐOÀN TÂN – ĐẠT VŨ

https%3A%2F%2Flsvn.vn%2Fdai-hoc-thai-nguyen-tien-phong-dao-tao-nguon-nhan-luc-so-chat-luong-cao-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-a157897.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article