Lai Châu sẵn sàng cho sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử” Kết nối nguồn lực, mở rộng thị trường để nâng tầm sản phẩm vùng cao |
Từ nhân lực… đến hạ tầng
Vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số. Khu vực này có nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu, dược liệu quý, sản phẩm thủ công truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn về điều kiện địa lý, hạ tầng giao thông, logistics, khả năng tiếp cận công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.
![]() |
Vùng trung du và miền núi phía Bắc có nhiều sản phẩm nông sản đặc hữu, dược liệu quý |
Hiện nay, chuyển đổi số và thương mại điện tử là hai trụ cột tương hỗ, thể hiện rõ định hướng đổi mới tư duy, thúc đẩy sáng tạo và mở rộng không gian phát triển kinh tế vùng trong kỷ nguyên số.
Một rào cản lớn khác là trình độ dân trí và kỹ năng số còn hạn chế. Số liệu thốn kê mới đây cho thấy, còn 23,56% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; nhiều người dân vùng cao chưa có thói quen sử dụng smartphone để kinh doanh, thanh toán hoặc quảng bá sản phẩm. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ không biết cách chụp ảnh sản phẩm đẹp, viết mô tả hấp dẫn hay xây dựng thương hiệu trên các nền tảng số.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ hỗ trợ thương mại điện tử tại địa phương lại mỏng và không đủ chuyên môn. Việc hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho người dân vẫn mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu.
Thực tế tại tỉnh Lai Châu, dù sở hữu tiềm năng lớn về nông sản và đặc sản, nhưng tỉnh vẫn đang đối mặt với một số rào cản trong phát triển thương mại điện tử. Hạ tầng công nghệ thông tin và logistics còn thiếu đồng đều, đặc biệt tại các khu vực miền núi, khiến việc kết nối và giao dịch trực tuyến gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử còn thấp, do thiếu hụt kiến thức và kỹ năng về các công cụ số, dẫn đến việc khó tiếp cận thị trường rộng lớn. Các doanh nghiệp Lai Châu cũng gặp trở ngại trong áp dụng chiến lược marketing số hiệu quả, thiếu công cụ quảng bá trực tuyến như livestream và chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội.
Đánh giá thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho biết, không chỉ Lai Châu mà nhiều tỉnh khác cũng gặp phải tình trạng khó khăn tương tự về việc nắm bắt kịp thời các chính sách mới trong hoạt động quản lý thương mại điện tử, cũng như thực hành kỹ năng bán hàng online phù hợp với xu thế mới. Các doanh nghiệp ở đây cần được hỗ trợ để phát triển kỹ năng cần thiết, nhằm thích nghi với môi trường kinh doanh trực tuyến đang thay đổi nhanh chóng.
Kích hoạt công nghệ số để kết nối
Để phần nào khắc phục tình trạng thiếu hụt kỹ năng và kiến thức trong ứng dụng thương mại điện tử tại các tỉnh, Giám đốc eComDX cho biết, Trung tâm đang tập trung vào công tác đào tạo, giúp doanh nghiệp và người dân trên khắp cả nước có thể áp dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Với điều kiện đi lại khó khăn và việc tiếp cận các lớp đào tạo trực tiếp không thuận tiện, Trung tâm sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến, giúp doanh nghiệp và người dân ở mọi nơi có thể tham gia và nâng cao kỹ năng thương mại điện tử một cách dễ dàng.
Cụ thể, thời gian tới, eComDX sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử. Các khóa học được thiết kế theo định hướng thực tiễn, tập trung vào bốn trụ cột chính: Go Online – giúp doanh nghiệp xây dựng hiện diện số và phát triển kỹ năng bán hàng trực tuyến; Go Export – hỗ trợ kết nối và vận hành hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; Go AI – trang bị năng lực ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong marketing, vận hành và chăm sóc khách hàng; và Go Right – cập nhật hệ thống pháp lý, tiêu chuẩn hóa hoạt động và xây dựng thương hiệu bền vững. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp vững vàng phát triển trong kỷ nguyên số.
Một trong những hoạt động thiết thực, nhân chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử – Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/5, tại tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức lớp tập huấn thực hành cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh và lực lượng khởi nghiệp trẻ một số giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế số.
Điểm nhấn là đào tạo về thương mại điện tử – eClass, các chương trình đào tạo trực tuyến từ cơ bản đến chuyên sâu, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng về thương mại điện tử cho các đối tượng như cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, sinh viên, giúp họ áp dụng kỹ năng và kiến thức vào thực tiễn kinh doanh.
![]() |
Giới thiệu công nghệ mới tối ưu hóa kết nối thương mại điện tử |
Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam – CeCA, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình thương mại điện tử, giảm thiểu sử dụng giấy tờ, tiết kiệm thời gian và nâng cao tính chuyên nghiệp.
Xác thực gian hàng thương mại điện tử uy tín – Trust.gov.vn, giúp người tiêu dùng nhận diện các gian hàng uy tín, tránh những gian hàng không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu lừa đảo. Đối với doanh nghiệp, hệ thống này hỗ trợ xác thực thông tin sản phẩm, tối ưu hóa quy trình tiếp thị và xây dựng lòng tin với khách hàng.
Giải pháp xác thực hàng chính hãng – Truyxuat.gov.vn & Votas.vn: Hệ thống này giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng nhái, đồng thời bảo vệ thương hiệu và uy tín của các sản phẩm chất lượng, tạo dựng một môi trường thương mại an toàn, minh bạch.
Phát Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến – Vietnamexport & ECVN: Các nền tảng xuất khẩu trực tuyến này giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với nhà nhập khẩu quốc tế, hỗ trợ trong việc tối ưu hóa chi phí xuất khẩu, thực hiện các thủ tục pháp lý và logistics, từ đó mở rộng thị trường quốc tế.
Kết nối hàng Việt trên sàn thương mại điện tử Tuhaoviet.vn, giúp các thương hiệu Việt hiện diện rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Nền tảng thiết kế Website bán hàng – Ekip.vn: Đây là công cụ giúp doanh nghiệp tự thiết kế và quản lý website bán hàng mà không cần kiến thức lập trình. Giải pháp này hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, kết nối với khách hàng và gia tăng doanh thu.
Hệ thống chữ ký số từ xa – Vsign.vn, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, bao gồm việc xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà không cần đến trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Thông qua chuỗi hoạt động này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mong muốn cùng đồng hành với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc thúc đẩy mô hình “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững và lan tỏa giá trị văn hóa bản địa.
https%3A%2F%2Fdoanhnghiephoinhap.vn%2Fthuong-mai-dien-tu-leo-nui-con-nhieu-thach-thuc-can-duong-105255.html