Hội thảo “Bắt đầu hành trình xây dựng thông minh cùng AI” do Khoa Xây dựng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ngày 23/5 đã mang đến nhiều báo cáo giá trị về AI trong lĩnh vực kỹ thuật – xây dựng, qua đó giúp giảng viên ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy trong thời đại số.

GS.TS. Nguyễn Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Xây dựng kỳ vọng sẽ có nhiều kinh nghiệm ứng dụng AI trong công tác giảng dạy và nghiên cứu được chia sẻ tại hội thảo
Trình bày mở đầu, TS. Hồ Lê Huy Phúc – Giảng viên Khoa đã trình bày tổng quan về vai trò và ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Xây dựng. Thầy cho biết, AI chính là chìa khóa giúp ngành xây dựng giải quyết các thách thức như tối ưu hóa chi phí, thời gian, chất lượng công trình, đảm bảo an toàn lao động và phát triển bền vững. Các công nghệ AI như học máy, học sâu, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI sáng tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế (generative design, phân tích kết cấu), lập kế hoạch thi công, giám sát công trường, vận hành và bảo trì công trình.

TS. Hồ Lê Huy Phúc trình bày tổng quan về vai trò và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Xây dựng
Thầy Phúc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo đại học ngành xây dựng. Để không tụt hậu, chương trình đào tạo tại Việt Nam cần bổ sung các môn học về AI, lồng ghép vào đồ án, nghiên cứu khoa học sinh viên và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Thầy khẳng định:“AI không thay thế kỹ sư, nhưng kỹ sư biết AI sẽ thay thế kỹ sư không biết AI”.
Báo cáo của TS. Nguyễn Văn Giang – Giảng viên Khoa đào sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT trong giảng dạy học phần “Kết cấu thép” nhằm hiện đại hóa phương pháp dạy học kỹ thuật. AI giúp giảng viên cá nhân hóa bài tập, soạn giảng nhanh, cập nhật nội dung theo tiêu chuẩn mới, đồng thời tiết kiệm đến 70-80% thời gian so với cách truyền thống. Qua các công cụ như Google Form, Sheet, Colab và LMS, hệ thống hỗ trợ tạo học liệu, đánh giá chuẩn đầu ra (CLO), rubrics, phản hồi cải tiến và nâng cao tính chủ động của sinh viên, mô hình này có tiềm năng nhân rộng cho các môn kỹ thuật khác và tiếp tục phát triển ứng dụng AI trong kiểm tra, phản biện thiết kế.

TS. Nguyễn Văn Giang đào sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy học phần “Kết cấu thép”
Báo cáo “Ứng dụng AI làm gia sư ảo và công cụ hỗ trợ tính toán trong học phần Sức bền vật liệu” do TS. Hà Minh Tuấn – Giảng viên Khoa nghiên cứu đánh giá ba công cụ AI phổ biến (ChatGPT, Gemini, Copilot) với 800 câu hỏi thuộc các môn kỹ thuật cơ khí. Bên cạnh đó, thầy cũng đề xuất các hoạt động học tập kết hợp AI như kiểm tra lời giải, trực quan hóa nội lực dầm, vẽ biểu đồ và làm dự án nhóm, nhằm phát triển tư duy phản biện và nâng cao hiệu quả học tập.

TS. Hà Minh Tuấn đề xuất các hoạt động học tập kết hợp AI
Cuối cùng, ThS. Trương Công Thuận đã trình bày về định hướng ứng dụng AI trong ngành Quản lý Xây dựng với mục tiêu kết nối giữa hoạt động giảng dạy đại học và thực tiễn nghề nghiệp. Thầy làm rõ các lợi ích của AI như hỗ trợ lập kế hoạch, phân tích dữ liệu, kiểm tra hồ sơ, dự báo rủi ro và tăng hiệu quả giao tiếp trong quản lý dự án. Trong giảng dạy, AI giúp mô phỏng tình huống thực tế, phân tích hồ sơ pháp lý, kiểm tra báo cáo, đánh giá năng lực sinh viên và cá nhân hóa việc học. Bên cạnh đó, thầy đưa ra các case study thực tế và công cụ AI cụ thể như ChatGPT, Gamma, DeepSeek để sinh viên thực hành các tình huống mô phỏng quản lý dự án. Qua đó cho thấy, AI không chỉ giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và ứng dụng thực tiễn trong ngành xây dựng.

ThS. Trương Công Thuận trình bày về định hướng ứng dụng AI trong ngành Quản lý Xây dựng
![]() | ![]() |
Các giảng viên cùng trao đổi, góp phần định hướng chiến lược đào tạo kỹ sư xây dựng trong thời đại số
Hội thảo “Bắt đầu hành trình xây dựng thông minh cùng AI” không chỉ mang đến những ứng dụng thiết thực về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực kỹ thuật – xây dựng mà còn góp phần định hướng chiến lược đào tạo kỹ sư trong thời đại số. Đây là cầu nối giữa giảng dạy học thuật và thực tiễn nghề nghiệp, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong đội ngũ giảng viên và sinh viên, từ đó làm bước đệm quan trọng để ngành Xây dựng HUTECH chủ động hội nhập và bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Quốc Bảo
TT. Truyền thông
https%3A%2F%2Fwww.hutech.edu.vn%2Fhomepage%2Ftin-hutech%2F14625588-giang-vien-khoa-xay-dung-chia-se-kinh-nghiem-ung-dung-ai-trong-cong-tac-giang-day-va-nghien-cuu