25.1 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 5 29, 2025

Thương mại điện tử – Cầu nối số nâng tầm sản phẩm vùng cao

Must read

Ứng dụng thương mại điện tử ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn khiêm tốn, dù tiềm năng phát triển rất lớn. Để thu hẹp khoảng cách số và nâng tầm sản phẩm vùng cao, cần một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các nền tảng số.

khai-mac-1748230030.jpg
Các đại biểu tham dự chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, ngày 24/5/2025.

Khoảng cách số và những rào cản “cứng – mềm”

Trong khi các thành phố lớn đã hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, thì tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, số lượng doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn rất thấp.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nguyên nhân không chỉ đến từ hạ tầng logistics và công nghệ thông tin còn yếu, mà còn do thiếu hụt kỹ năng số, tư duy quản trị nền tảng và khả năng kết nối thị trường còn hạn chế.

“Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Thương mại điện tử không chỉ là công cụ tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, mà còn là động lực để đổi mới mô hình sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho đặc sản vùng cao”, bà Oanh nhấn mạnh tại chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”, diễn ra ngày 24–25/5/2025 tại Lai Châu.

lai-chau-1748230072.jpg
Sản vật đặc trưng vùng cao như chè Shan tuyết, sâm Lai Châu, thổ cẩm… được giới thiệu tại không gian triển lãm kết nối thương mại điện tử.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc sở hữu hệ sinh thái sản vật phong phú như: chè Shan tuyết, sâm Lai Châu, mật ong bạc hà, gạo Séng Cù, thổ cẩm và dược liệu quý… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn loay hoay trong phạm vi địa phương vì chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chiến lược marketing số và hạ tầng phân phối hiện đại.

Tỉnh Lai Châu, nơi tổ chức sự kiện, hiện đã có hơn 220 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính, việc kết nối, tiêu thụ trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về thương mại điện tử, kỹ năng quảng bá số yếu và hệ thống giao hàng chưa hoàn thiện.

Liên kết vùng – Chìa khóa mở cánh cửa thị trường số

Theo định hướng của Bộ Công Thương, liên kết vùng là bước đi chiến lược để giải bài toán phát triển thương mại điện tử bền vững. Bà Lê Hoàng Oanh cho rằng: “Chúng ta cần một ‘sợi dây liên kết’ mạnh mẽ giữa các tỉnh, và chính thương mại điện tử sẽ là sợi dây đó”.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất 4 nhóm giải pháp cốt lõi, bao gồm: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử vùng cao, phù hợp với định hướng kinh tế số quốc gia; Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, bảo vệ thương hiệu địa phương và tăng năng lực kết nối; Phát triển hạ tầng logistics và phân phối số, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa; Đào tạo kỹ năng số tại chỗ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ địa phương.

Mục tiêu là hiện thực hóa mô hình “Mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, đưa sản phẩm vùng cao vươn xa hơn qua các kênh thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

livestream-1748230129.jpg
Lai Châu đã có 222 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, là tiềm năng cho phát triển thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đã giới thiệu loạt chương trình đào tạo thực tiễn, xoay quanh 4 trụ cột: Go Online: Xây dựng hiện diện số, kỹ năng bán hàng trực tuyến. Go Export: Kết nối các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Go AI: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong vận hành – marketing – chăm sóc khách hàng. Go Right: Nắm vững pháp lý, chuẩn hóa thương hiệu và hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, eComDX cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng lớn như Shopee, TikTok Việt Nam, cùng đại diện Sở Công Thương của các tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên, Thái Nguyên…

Đây là bước khởi đầu để hình thành một mạng lưới phối hợp chặt chẽ, từ đó hỗ trợ hiệu quả hoạt động đào tạo, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm địa phương trên nền tảng số – nơi “rào cản địa lý” không còn là giới hạn.

Chuyển đổi số ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc không thể chỉ bắt đầu bằng công nghệ, mà phải bắt đầu bằng tư duy liên kết và hành động cộng hưởng. Khi mỗi địa phương coi thương mại điện tử là nền tảng, mỗi sản phẩm OCOP là một thương hiệu, thì “sản phẩm vùng cao” không chỉ dừng lại ở chợ phiên, mà có thể bước ra thị trường toàn cầu./.



https%3A%2F%2Fdoanhnghiepkinhtexanh.vn%2Fthuong-mai-dien-tu-cau-noi-so-nang-tam-san-pham-vung-cao-a32455.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article