Ngày 1/7, tại Diễn đàn Thương mại Xanh 2025 do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Công nghệ Arobid và các đơn vị đồng hành tổ chức đã diễn ra lễ ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam – EcoHub ecohub.arobid.com.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh”. Ảnh: T.D |
Theo Ban tổ chức, cơ chế CBAM của Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng giai đoạn đầu, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU phải minh bạch hóa dữ liệu phát thải.
Những thay đổi sâu sắc này cho thấy rằng thương mại toàn cầu đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, trong đó phát thải carbon thấp, tiêu chuẩn ESG và khả năng truy xuất minh bạch không còn là lựa chọn, mà trở thành điều kiện bắt buộc để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá cao sự hình thành sàn giao dịch B2B xanh, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, sàn giao dịch này sẽ là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, có khả năng kết nối rộng rãi với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức giao dịch truyền thống.
Điều này sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh.
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn. |
Tuy nhiên theo bà Thắng, để kiến tạo một nền thương mại xanh, bền vững, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và quy định về phát triển thương mại xanh, bền vững trong từng lĩnh vực; tăng cường các chính sách phát triển thuận lợi nhất cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Thứ hai, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, áp dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tăng khả năng dự báo, phục vụ phát triển xanh, bền vững.
Thứ ba, cần có các chương trình hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia các sàn thương mại điện tử B2B xanh. Các hỗ trợ này có thể bao gồm đào tạo kỹ năng số, tích hợp các công cụ quản trị và truy xuất nguồn gốc xanh.
Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ hơn trong hệ sinh thái của mình cùng nhau “xanh hóa”, từ đó giảm “dấu chân carbon” một cách đồng bộ và hiệu quả.
Cuối cùng là, ưu tiên nguồn lực nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh, từ đó tạo áp lực tích cực buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi theo hướng bền vững.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, cả chủ trương của Nhà nước lẫn xu hướng tiêu dùng đều đang khuyến khích mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.
Trong tương lai gần, các quy định pháp luật cũng sẽ từng bước đưa tiêu chí “xanh” trở thành yêu cầu bắt buộc, nhằm hiện thực hóa cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững.
Do đó, việc xây dựng một “sân chơi” riêng cho các doanh nghiệp xanh là vô cùng cần thiết, nơi mà các doanh nghiệp không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn có thể chia sẻ hành trình, giải pháp và đầu tư cho quá trình chuyển đổi của mình. Từ đó, tạo cơ hội kết nối, học hỏi và hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp cùng chung mục tiêu xanh hóa.
Điều đặc biệt của sàn giao dịch xanh là bước đầu tạo ra một nền tảng dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ thực hiện chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp có thể tìm thấy nhau thông qua thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ đã xanh hóa. Từ đó dễ dàng kết nối khi có nhu cầu hợp tác hoặc sử dụng dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, không chỉ dừng lại ở khía cạnh mua bán sản phẩm, sàn giao dịch xanh còn được kỳ vọng trở thành nền tảng chia sẻ nguồn lực, đặc biệt là tài chính.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế. Thông qua sàn này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ vốn.
Chẳng hạn, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh hiện có chính sách cho vay hỗ trợ 100% lãi suất đối với các dự án xanh và đây là kênh giới thiệu chính sách rất hiệu quả.
Mặt khác, sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh là nơi kết nối các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh từ năng lượng tái tạo, tái chế, xử lý nước thải đến các nền tảng công nghệ, quản trị carbon…
Những giải pháp này không chỉ được giới thiệu để bán, mà có thể thiết kế linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng chung, nhằm chia sẻ chi phí đầu tư.
https%3A%2F%2Fhaiquanonline.com.vn%2Fkhoi-dong-san-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-b2b-xanh-dau-tien-tai-viet-nam-197289.html