Toạ đàm do Báo Công Thương tổ chức vừa qua tại Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, TP. Hồ Chí Minh với chủ đề: “Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử: Gắn đào tạo với thực tiễn”. Toạ đàm nhằm kết nối các bên liên quan từ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhằm gỡ “nút thắt” nguồn nhân lực thương mại điện tử ngành Công Thương trong bối cảnh mới.
Tại toạ đàm, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Ngọc Trung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại để hiểu hơn về những giải pháp của trường trong đào tạo và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử.
Định hướng của nhà trường là đào tạo ra những “chiến binh thực chiến”
PV: Thị trường nguồn nhân lực thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Trước những yêu cầu mới từ xã hội, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, chương trình đào tạo của nhà trường đã được đổi mới ra sao để phù hợp với xu thế, chuẩn bị cho sinh viên bước vào ngành thương mại điện tử với tâm thế sẵn sàng và vững vàng?

TS. Lê Ngọc Trung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Ảnh: Sỹ Đồng
TS. Lê Ngọc Trung: Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thương mại điện tử trong bối cảnh mới, định hướng đào tạo của nhà trường là “lấy nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp làm kim chỉ nam, lấy khả năng làm việc của sinh viên làm thước đo chất lượng”. Nhà trường không đặt mục tiêu đào tạo ra những nhà nghiên cứu, mà là những “chiến binh thực chiến” có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp. Để hiện thực hóa định hướng đó, mô hình đào tạo, chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại đã được thay đổi.
Về nội dung, chúng tôi tích hợp các học phần mang tính ứng dụng cao như “Marketing số (Digital Marketing)”, “Ứng dụng AI trong kinh doanh” và “Quản trị kinh doanh thông minh”,… bám sát các xu hướng của thị trường như Social Commerce (bán hàng qua mạng xã hội), Livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng ứng dụng AI vào hoạt động thương mại điện tử, Big data trong phân tích hành vi trực tuyến, tối ưu chuỗi cung ứng…
Về phương pháp, chúng tôi đã giảm giờ học lý thuyết trên lớp khoảng 30% thời lượng đào tạo, thay vào đó là các hoạt động thực hành, workshop chuyên đề và thực hiện các dự án theo nhóm trên các nền tảng thật. Thay vì chỉ nghe giảng, sinh viên phải trực tiếp xây dựng một kế hoạch kinh doanh online (trên sàn thương mại điện tử mô phỏng do nhà trường xây dựng), tự tay thiết lập gian hàng, quản lý sản phẩm, thông tin khách hàng, xử lý đơn hàng ảo và chạy các chiến dịch marketing mô phỏng tại các phòng thực hành máy tính, các studio livestream…
Kết quả đánh giá môn học là báo cáo phân tích hiệu quả của việc xây dựng, thực hiện chiến dịch quảng cáo thực tế của dự án trên Google Ads, Facebook Ads. Nhờ các nội dung đào tạo, cũng như những kinh nghiệm tích luỹ qua thực hành khi còn đi học đã giúp các bạn sinh viên tự tin bước ra thị trường lao động.
PV: Để hạn chế độ “vênh” giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, nhà trường đã triển khai những giải pháp nào trong việc liên kết hợp tác với doanh nghiệp? Những hình thức này đã góp phần như thế nào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và tỉ lệ giải quyết việc làm cho sinh viên ngành thương mại điện tử?
TS. Lê Ngọc Trung: Trường chúng tôi xác định doanh nghiệp là một đối tác quan trọng, vừa là địa chỉ giúp chúng tôi tiệm cận với kiến thức, công nghệ mới đồng thời cũng là khách hàng sử dụng sản phẩm nguồn nhân lực của chúng tôi.
Với chúng tôi các chương trình hợp tác không chỉ dừng ở việc đưa sinh viên đi thực tế hay mời các chuyên gia, doanh nhân tham gia giảng dạy trực tiếp, hoặc các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp mà chúng tôi hướng tới doanh nghiệp phải là ‘giảng đường thứ hai’ của sinh viên và phải giải quyết được vấn đề mà doanh nghiệp đang khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay chúng tôi có 03 mô hình liên hết với doanh nghiệp: Mô hình ‘Live Project – Dự án thực chiến’. Mô hình này vận hành như sau: Thay vì đợi đến kỳ thực tập tháng cuối khóa, ngay từ năm thứ hai, sinh viên ngành thương mại điện tử sẽ được chia thành các nhóm nhỏ (khoảng 4-5 em) và làm việc trực tiếp với một doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là đối tác của trường trong học kỳ doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các em là nhận một ‘đề bài’ thật từ doanh nghiệp, ví dụ: ‘Hãy xây dựng và vận hành kênh TikTok Shop cho dòng sản phẩm X của công ty, với mục tiêu đạt doanh thu 100 triệu đồng và 10,000 người theo dõi trong 3 tháng’.

Các diễn giả tham dự Toạ đàm “Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử: Gắn đào tạo với thực tiễn” do Báo Công Thương tổ chức. Ảnh: Sỹ Đồng
Thiết kế các lớp học “may đo” theo yêu cầu doanh nghiệp: Chúng tôi cùng doanh nghiệp xây dựng các module đào tạo ngắn hạn (bootcamp) từ 1-3 tháng, tập trung đúng vào kỹ năng mà doanh nghiệp đang cần, ví dụ như “Chuyên viên tối ưu quảng cáo TikTok Shop” hay “Chuyên viên quản lý vận hành kho vận thương mại điện tử”. Doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia giảng dạy và cam kết tuyển dụng những sinh viên xuất sắc nhất.
Xây dựng “Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp từ A-Z”. Nhà trường đã phối hợp doanh nghiệp xây dựng một Vườn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh tốt của sinh viên. Các thầy cô và chuyên gia doanh nghiệp cố vấn, hỗ trợ kết nối với nguồn hàng và thậm chí là các quỹ đầu tư nhỏ. Và từ đây cũng đã có nhiều dự án khởi nghiệp đạt thành tích cao trong các hội thi cấp quốc gia.
Kết quả mang lại là vô cùng tích cực cho cả ba bên. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ sức trẻ, sự sáng tạo và khả năng ‘bắt trend’ của sinh viên mà không tốn nhiều chi phí. Sinh viên thì không chỉ học lý thuyết mà được thực hành, thực chiến với case study cụ thể của doanh nghiệp. Về phía nhà trường, chúng tôi vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực, vừa đảm bảo đầu ra cho sinh viên vì có đến 70% sinh viên tham gia mô hình này đã được chính các doanh nghiệp đối tác giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp.
Mỗi sinh viên phải phát huy vai trò là “đại sứ số”
PV: Thưa thầy, với vai trò hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhà trường đã triển khai những chính sách và chương trình gì để giúp các bạn tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số?
TS. Lê Ngọc Trung: Chúng tôi nhận thấy việc hỗ trợ sinh viên không chỉ dừng ở các hoạt động xã hội mà còn là một thế mạnh để phát triển kinh tế số, phù hợp với định hướng của các cơ quan nhà nước. Để thực hiện, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ.

Các khách mời, lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại tham dự toạ đàm
Trước tiên, về mặt chính sách, chúng tôi có nhiều chương trình học bổng như học bổng khuyến khích học tập từ doanh nghiệp, học bổng hỗ trợ học tập và phúc lợi xã hội dành cho sinh viên khó khăn. Đặc biệt, với những sinh viên ở vùng khó khăn,nơi việc tiếp cận thông tin và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chúng tôi đã xây dựng các chiến lược cụ thể. Một trong số đó là chương trình “Dịch vụ tại quê nhà”, khuyến khích sinh viên quảng bá và phân phối các sản phẩm đặc sản địa phương hoặc các sản phẩm thủ công có giá trị văn hóa cao.
Chúng tôi tin rằng thương mại điện tử là con đường ngắn nhất để sinh viên tham gia vào nền kinh tế số. Để làm được điều này, các bạn cần trở thành những “đại sứ số” – những người không chỉ có kỹ năng, kiến thức mà còn lan tỏa tinh thần học tập và khởi nghiệp. Dù đối mặt với khó khăn, các bạn vẫn có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt khi tận dụng những câu chuyện thực tế từ chính cộng đồng xung quanh mình.
PV: Thưa ông, để triển khai hiệu quả các mô hình đào tạo thực chiến, đặc biệt cho sinh viên vùng khó khăn, nhà trường mong muốn nhận được sự hỗ trợ gì từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề?
TS. Lê Ngọc Trung: Trong thời gian qua, nhà trường đã chủ động nâng cao chất lượng đào tạo và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên vùng khó khăn. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt ở các vùng này, chúng tôi mong muốn có sự đồng hành từ nhiều phía.
Trước tiên, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách linh hoạt hơn, đặc biệt trong việc cập nhật nội dung đào tạo. Ví dụ, cần rút ngắn thời gian phê duyệt để các trường có thể nhanh chóng đưa những kiến thức công nghệ mới, như thương mại điện tử, vào chương trình giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn có thêm các chương trình hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến từ thế giới. Đồng thời, các chính sách ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên vùng khó khăn theo học các ngành công nghệ cao cũng rất cần thiết để khuyến khích các em tham gia.

Các chương trình đào tạo của nhà trường khuyến khích sinh viên quảng bá và phân phối các sản phẩm đặc sản địa phương hoặc các sản phẩm thủ công có giá trị văn hóa cao trên nền tảng số
Với các hiệp hội ngành nghề, chúng tôi mong hiệp hội đóng vai trò như một “nhạc trưởng”, làm cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Một trong những giải pháp cụ thể là xây dựng bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp cho từng vị trí trong ngành, ví dụ như thương mại điện tử. Bộ chuẩn này sẽ giúp nhà trường thiết kế chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra phù hợp, đồng thời là thước đo để doanh nghiệp đánh giá năng lực của sinh viên.
Về phía doanh nghiệp, mặc dù một số đối tác của chúng tôi rất tích cực hợp tác, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà. Chúng tôi mong muốn, thông qua diễn đàn này, gửi một thông điệp rằng hợp tác với nhà trường là một khoản đầu tư dài hạn cho chính doanh nghiệp. Khi phối hợp chặt chẽ, nhà trường có thể đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng. Ví dụ, chúng tôi sẵn sàng đồng hành để phát triển các chương trình đào tạo thực chiến, nơi sinh viên được thực hành trong môi trường doanh nghiệp thực tế.
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất thiết thực và truyền cảm hứng!
TS. Lê Ngọc Trung: Sự hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên và xã hội sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Nhà trường có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, giảm chi phí đào tạo lại. Sinh viên, đặc biệt là các bạn ở vùng khó khăn, sẽ có cơ hội tiếp cận kiến thức hiện đại, kỹ năng thực tiễn và cơ hội việc làm tốt hơn. Với tầm nhìn chung, sự cam kết và quyết tâm từ tất cả các bên, tôi tin rằng bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sẽ được giải quyết hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế số.
https%3A%2F%2Fcongthuong.vn%2Fphat-trien-nguon-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-moi-sinh-vien-phai-la-dai-su-so-408832.html