26.7 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Hai, Tháng 7 7, 2025

Sinh viên truyền thông trong “cuộc đua” với AI

Must read

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang “chiếm lĩnh” trên các lĩnh vực đời sống, trong đó có truyền thông. Tại nhiều trường đại học, không khó để bắt gặp hình ảnh sinh viên thao tác thành thạo với các công cụ như ChatGPT, CanvaAI, Adobe Firefly, Midjourney, HeyGen, Runway… trong các buổi làm bài tập nhóm hay sản xuất nội dung cá nhân. AI không còn là “cánh tay hỗ trợ” mà dần trở thành người bạn đồng hành, giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa ý tưởng và nâng cao hiệu quả sáng tạo.

Sinh viên truyền thông trong “cuộc đua” với AI

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trải nghiệm thực tế sản xuất sản phẩm báo chí.

Nguyễn Trần Phương Anh, sinh viên năm 4, Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Nếu trước đây, để lên kế hoạch cho một video ngắn, em mất ít nhất 3 đến 4 ngày, thì nay nhờ AI hỗ trợ từ kịch bản đến “dựng thô” chỉ còn khoảng 1 ngày. Em nghĩ điều quan trọng khi sử dụng AI là biết kiểm soát và biến AI thành công cụ, chứ không để nó chi phối mình”.

Không chỉ là công cụ hỗ trợ sáng tạo, AI còn giúp sinh viên luyện tập các kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều sinh viên sử dụng chatbot để mô phỏng phỏng vấn báo chí, luyện viết tiêu đề, tạo bản tin mẫu hoặc chỉnh sửa nội dung dưới nhiều góc độ phong cách. Qua đó, sự hiện diện của AI giúp sinh viên có nhiều cơ hội, cập nhật nhiều kiến thức một cách phong phú và nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, AI không chỉ mang lại lợi ích mà còn tạo ra áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sinh viên truyền thông. Sau khi việc tinh gọn các cơ quan báo chí diễn ra, các tòa soạn, công ty truyền thông không còn ồ ạt tuyển dụng như trước, yêu cầu tuyển dụng cũng ngày càng cao. Song song với đó là sự bùng nổ của mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cách người dùng tiếp cận thông tin. Điều này đã tạo cơ hội cho các công cụ AI tác động đến làn sóng thay đổi trong sản xuất nội dung. Nhiều tòa soạn và công ty truyền thông ứng dụng AI ngày càng nhiều để hỗ trợ biên tập, sử dụng MC ảo, phân tích dữ liệu người dùng hoặc thậm chí tạo video và hình ảnh động. Vì vậy, nếu như trước đây, để trở thành phóng viên, sinh viên cần viết tốt và hiểu tin tức, thì ngày nay, sinh viên báo chí – truyền thông buộc phải “giỏi nghề”, nhanh nhạy, thích ứng với công nghệ. Thậm chí, họ còn phải học cách “cộng tác” hoặc “cạnh tranh” với AI để không bị tụt lại.

Nguyễn Tuấn Khải, sinh viên năm 4 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Khi em tìm hiểu về yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan báo chí và đặc biệt là các công ty truyền thông, thấy hầu hết họ nhấn mạnh vào việc nhân viên cần có kỹ năng sản xuất nội dung đa phương tiện, thành thạo các công nghệ trong chỉnh sửa ảnh, video hoặc AI và phải có khả năng sáng tạo, linh hoạt. Điều đó khiến em thấy khá áp lực, nhưng đó cũng là động lực để em học cách sáng tạo nhanh hơn, sắc sảo hơn. Chúng em giờ không chỉ phải thành thạo một kỹ năng mà phải viết được, dựng video, phân phối nội dung đa nền tảng, và thậm chí còn phải hiểu cả phân tích hành vi người dùng”.

Trước làn sóng công nghệ phát triển ngày một mạnh mẽ, các trường đào tạo báo chí – truyền thông đang nhanh chóng cập nhật chương trình giảng dạy. Ngoài các môn học truyền thống, nhiều trường đã đưa vào giảng dạy cho sinh viên các kỹ năng số, ứng dụng AI. Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ số và AI trong sản xuất các sản phẩm báo chí – truyền thông được Học viện Báo chí và Tuyên truyền đặc biệt chú trọng trong quá trình đào tạo. PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Chúng tôi có những môn học, khóa học bồi dưỡng thêm cho các em và các hoạt động bổ trợ như tọa đàm, hội thảo để các em được giao lưu và tiếp xúc nhiều nhất với những công nghệ mới. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang tiên phong ứng dụng AI trong dạy và học báo chí – truyền thông, các sản phẩm mà sinh viên trong trường đang làm cũng được ứng dụng công nghệ AI ở nhiều cấp độ khác nhau”.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, Trường Đại học Hồng Đức đã chủ động kết nối với cơ quan báo chí và doanh nghiệp truyền thông trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện được học tập gắn liền với thực tiễn.

PGS, TS Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Sinh viên được tiếp cận môi trường nghề nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác, thực tập, mời giảng từ các phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức thường xuyên các seminar chuyên đề với chuyên gia đầu ngành, giúp sinh viên cập nhật xu hướng mới và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”.

Nhờ được đào tạo trong môi trường giáo dục tiên tiến, sáng tạo mà một số bạn trẻ, sinh viên đã có thể tạo dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình từ rất sớm. Họ mở những kênh youtube, tiktok để chia sẻ về kiến thức, trải nghiệm của mình, làm podcast hoặc review với sự hỗ trợ của AI thu hút rất nhiều lượt theo dõi. Thế nhưng, điều quan trọng là họ luôn giữ được tiếng nói của mình trong sản phẩm, không để AI làm mờ đi cá tính sáng tạo. Bên cạnh đó, sinh viên truyền thông cũng cần trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nhất là khi AI có thể tạo ra nội dung giả mạo, thông tin sai lệch. Việc biết kiểm chứng nguồn tin, xây dựng nội dung trung thực, nhân văn, chính là “tấm khiên” để người làm truyền thông có thể tồn tại lâu dài.

Với nền tảng công nghệ hiện có, cùng sự cập nhật nhanh chóng của hệ thống đào tạo, sinh viên ngành truyền thông Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội. AI sẽ không thể “cướp nghề” nếu con người biết tận dụng nó như một đối tác thông minh, một công cụ mở rộng năng lực và là bàn đạp để đi xa hơn trên hành trình sáng tạo không giới hạn.

Bài và ảnh: Phương Đỗ

https%3A%2F%2Fbaothanhhoa.vn%2Fsinh-vien-truyen-thong-nbsp-trong-cuoc-dua-voi-ai-254148.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article