26.7 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025

Chuyển đổi số và ứng dụng AI trong ngành chè – Giao thương

Must read

4f7e8b58 7269 43cd 842f 78cb436c02e0

Livestream bán sản phẩm trà Thái Nguyên

Trong những lần tiếp cận, trò chuyện với bà con nông dân, cán bộ HTX và các chuyên gia công nghệ, chúng tôi ghi nhận được một bức tranh sinh động – nơi có cả sắc màu hy vọng lẫn những gam màu trăn trở. Không phủ nhận một số HTX chè tại Thái Nguyên đã bắt đầu cất bước trong hành trình chuyển đổi số. Điển hình như HTX Chè Hảo Đạt; HTX Chè La Bằng, Phúc Nguyên; HTX Trà an toàn Phú Đô… những đơn vị tiên phong ứng dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc, hệ thống bán hàng online, livestream marketing và mã hóa QR sản phẩm. Nhờ đó, chè Thái Nguyên không còn chỉ giao dịch ở chợ quê hay hội chợ địa phương mà đã vươn tới các siêu thị, sàn thương mại điện tử, thậm chí là nhiều đơn hàng xuất khẩu đi quốc tế.

Ở nhiều nơi, bà con đã quen với khái niệm “số hóa quy trình sản xuất chè”. Họ dùng Điện thoại thông minh để ghi nhật ký chăm sóc chè, sử dụng các thiết bị đo độ ẩm, cảm biến nhiệt độ và thậm chí ứng dụng camera AI để theo dõi sâu bệnh, nhện đỏ, bọ xít muỗi – những kẻ thù truyền kiếp của cây chè. Tại một số HTX, hệ thống chatbot AI được đưa vào sử dụng để hỗ trợ giải đáp đơn hàng, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn cách pha trà cho khách hàng 24/7.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào các vùng chè ở Thái Nguyên, một thực tế hiện lên rõ nét: Phần đông bà con và HTX chè vẫn còn xa lạ với khái niệm “chuyển đổi số”, càng chưa nói đến AI hay các công nghệ phức tạp. Ở nhiều nơi, chè vẫn được trồng, chăm sóc và chế biến theo phương pháp truyền thống. Nhật ký sản xuất bằng giấy; trao đổi thương mại bằng lời nói; không có quy trình kiểm định chất lượng; chưa biết livestream hay tạo mã QR cho sản phẩm. Bà con chủ yếu bán chè cho thương lái, giá cả bấp bênh và không có thương hiệu riêng.

       ae534601 111d 49f6 834d a6dd3772da20

  Áp dụng chuyển đổi số góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm trà Thái Nguyên

Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt về nhận thức và kỹ năng số. Phần đông người làm chè là người lớn tuổi, trình độ tin học cơ bản còn hạn chế, chưa có điều kiện tiếp cận Internet ổn định. Một chủ HTX chè ở xã Võ Nhai tâm sự: “Chúng tôi có máy tính, có kết nối mạng, nhưng không biết dùng. Mời kỹ sư về hướng dẫn thì sau 2 buổi họ về mất. Nói nhiều về AI, nhưng chè vẫn là chè, mà mình chưa bán được thì máy móc gì cũng vô nghĩa.”

 Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng là rào cản lớn. Việc đầu tư thiết bị cảm biến, máy đo tự động, phần mềm quản lý hay đơn giản là thuê nhân viên kỹ thuật làm công nghệ cũng vượt ngoài khả năng của đa số HTX quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều HTX chè còn hoạt động bán chuyên, cán bộ vừa làm chè, vừa làm thêm nghề phụ để duy trì thu nhập. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chuyển đổi số và AI có thực sự phù hợp và khả thi với ngành chè Thái Nguyên, một ngành vốn mang đậm nét thủ công và truyền thống? Câu trả lời là: Có – nếu chúng ta nhìn nhận chuyển đổi số không phải là “đưa máy móc về thay con người”, mà là “đưa công nghệ về để hỗ trợ con người”.

Thực tế đã chứng minh rằng các ứng dụng công nghệ hoàn toàn có thể được “bản địa hóa” cho phù hợp với người nông dân. Ví dụ: Ứng dụng AI giọng nói (Chatbot) tiếng Việt có thể trả lời bằng giọng nói, hỗ trợ người già không biết đọc – viết, nhắc lịch tưới nước, bón phân, cảnh báo thời tiết. Sổ tay điện tử đơn giản hóa: Chuyển đổi nhật ký canh tác từ giấy sang điện thoại với giao diện đơn giản, biểu tượng minh họa dễ hiểu. Hệ thống nhận diện hình ảnh AI: Cho phép người dân chụp ảnh lá chè và nhận thông báo sơ bộ về tình trạng sâu bệnh. Sàn thương mại điện tử nội bộ HTX: Cho phép các tổ viên cập nhật sản lượng, giá bán, đơn hàng và khách hàng chỉ bằng vài thao tác.

Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc đồng bộ, trong đó Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ phát triển ứng dụng thân thiện với nông dân; các HTX chủ động phối hợp với trường đại học, tổ chức đào tạo và chính người trẻ trong gia đình nông dân phải là cầu nối công nghệ.

6f6ec2e6 206e 4af4 9b91 57f69f26229c

         Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên

Trong bối cảnh hiện nay, để quá trình chuyển đổi số và ứng dụng AI trong ngành chè Thái Nguyên diễn ra bền vững, hiệu quả và thực chất, cần phải tập trung xây dựng mô hình mẫu; đầu tư các “HTX chè kiểu mẫu chuyển đổi số” tại mỗi vùng chè trọng điểm, từ đó tổ chức tham quan, đào tạo thực hành để lan tỏa đến đông đảo bà con làm chè trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị công nghệ xây dựng khóa học miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo về kỹ năng số cơ bản, livestream bán hàng, vận hành phần mềm, quản lý truy xuất nguồn gốc. Một yếu tố cũng rất quan trọng đó là nguồn lực trẻ, cần khuyến khích thế hệ trẻ về quê hương, trở thành “nông dân số” hoặc nhân sự hỗ trợ kỹ thuật cho HTX chè quê mình. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có chính sách cho vay ưu đãi, trợ giá hoặc tài trợ thiết bị ban đầu như điện thoại thông minh, máy quét QR, máy đóng gói mini, phần mềm quản lý… cho các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh chè; tổ chức diễn đàn, hội thảo chuyên đề, tạo không gian trao đổi định kỳ giữa nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp công nghệ để cập nhật xu hướng, chia sẻ bài học thực tế, giải quyết bài toán mà bà con đang trăn trở…

Chè Thái Nguyên không chỉ là đặc sản, mà là tinh hoa văn hóa dân tộc. Nhưng để giữ gìn và phát triển tinh hoa ấy trong thời đại số, cần có sự chuyển mình mạnh mẽ – từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh; từ cá thể sang liên kết; từ tay trần sang bàn phím và công nghệ.

Chuyển đổi số và AI không phải là đích đến, mà là phương tiện để giúp người trồng chè làm nghề tốt hơn, thương hiệu chè đi xa hơn và văn hóa trà Việt thăng hoa hơn. Hành trình này sẽ còn dài, nhiều thử thách, nhưng nếu có niềm tin, sự đồng lòng và cách làm đúng, chúng ta sẽ chứng kiến một thế hệ “nông dân số”, “HTX thông minh”, và “trà Thái Nguyên 4.0” tỏa sáng trên bản đồ thế giới.



https%3A%2F%2Fthainguyen.gov.vn%2Fgiao-thuong%2F-%2Fasset_publisher%2FL0n17VJXU23O%2Fcontent%2Fchuyen-oi-so-va-ung-dung-ai-trong-nganh-che%2F20181

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article