26.7 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025

Sinh viên ĐHQGHN sẽ học AI và công nghệ số từ năm nhất

Must read

Đây là bước đi chiến lược nhằm chuẩn hóa năng lực số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thể hiện rõ vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trong giáo dục đại học mà ĐHQGHN đang kiên định thực hiện.

515436086 1154934763344335 490669028801801394 n

Đưa tư duy số vào chương trình đào tạo từ năm nhất

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc trang bị tư duy số và kiến thức nền tảng về Trí tuệ nhân tạo (AI) cho sinh viên không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu của giáo dục đại học hiện đại. Nhận thức rõ điều đó, ĐHQGHN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và ban hành học phần chung “Nhập môn công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” (mã học phần: VNU1001) dành cho toàn bộ sinh viên bậc đại học chính quy từ khóa tuyển sinh năm 2025.

Học phần sẽ được tổ chức đào tạo trực tuyến toàn phần từ tháng 9/2025 thay cho môn “Tin học cơ sở” truyền thống. Đây là sản phẩm kết tinh từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc ĐHQGHN cùng quá trình nghiên cứu, xây dựng công phu của tổ công tác chuyên trách và đội ngũ chuyên gia công nghệ – giáo dục – kiểm định chất lượng thuộc Viện Đào tạo số và Khảo thí (VNU-IETQA).

Tên học phần: Nhập môn công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Introduction to Digital Technology and Applications of Artificial Intelligence)

Mã học phần: VNU1001

Số tín chỉ: 3 tín chỉ (45 giờ tín chỉ)

Hình thức giảng dạy: Trực tuyến 100%, có hỗ trợ trực tiếp qua Zoom/Google Meet

Học phần bắt buộc: Bắt buộc

Học phần tiên quyết: Không

Ngôn ngữ giảng dạy: Tiếng Việt

Nội dung hiện đại, cập nhật theo chuẩn năng lực số quốc tế

Học phần gồm 3 tín chỉ, được thiết kế theo cấu trúc mô-đun với các phần bắt buộc và tự chọn, phù hợp với từng khối ngành đào tạo như Khoa học tự nhiên, Công nghệ – Kỹ thuật, Kinh tế – Luật, Khoa học xã hội & Nhân văn, Ngoại ngữ và Sư phạm, … Nội dung học phần được xây dựng tiệm cận với chuẩn khung năng lực số quốc tế, đồng thời đảm bảo tương thích với Khung năng lực số của Việt Nam theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền tảng về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, từ khái niệm cơ bản đến các ứng dụng trong đời sống và công việc; Kỹ năng sử dụng một số công cụ số và AI phổ biến để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải quyết vấn đề; Nhận thức về các khía cạnh đạo đức, liêm chính học thuật, an toàn số và trách nhiệm khi ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong môi trường học thuật và xã hội.

Học phần cũng đề cao việc hình thành tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường số, giúp sinh viên không phụ thuộc vào AI mà biết tận dụng AI một cách thông minh, hiệu quả và có trách nhiệm.

Cấu trúc học phần toàn diện, hiện đại

Học phần gồm hai phần chính với tổng số 7 module.

Phần I gồm 6 module cốt lõi bắt buộc: Kiến thức cơ bản về máy tính, hệ điều hành, mạng và phần mềm ứng dụng; Kỹ năng khai thác, tổ chức, lưu trữ và đánh giá thông tin, dữ liệu trong môi trường số; Tổng quan về trí tuệ nhân tạo, nguyên lý hoạt động, kỹ năng viết prompt và thực hành với các công cụ như ChatGPT, Gemini, Copilot … ;Kỹ năng giao tiếp, hợp tác trực tuyến và ứng dụng AI trong làm việc số; Sáng tạo nội dung số và thực hành thiết kế nội dung bằng AI; An toàn thông tin, liêm chính học thuật và đạo đức số khi sử dụng công nghệ và AI.

Phần II gồm 1 module tự chọn theo nhóm ngành: Sinh viên chọn 1 trong 5 module phù hợp với ngành học của mình: Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật – Công nghệ, Khoa học Xã hội – Nhân văn và Nghệ thuật, Giáo dục – Ngoại ngữ, Kinh tế – Luật, Y – Sinh học

Mỗi module thiết kế riêng các công cụ, ứng dụng AI đặc thù, giúp sinh viên thực hành giải quyết bài toán thực tế chuyên ngành.

Kiểm tra – đánh giá đa dạng, theo hướng phát triển toàn diện

Việc đánh giá học phần được thiết kế theo hướng toàn diện, linh hoạt, tập trung vào đo lường năng lực thực tế và quá trình học tập của sinh viên:

Chuyên cần (10%): Dựa trên mức độ tham gia các buổi học, diễn đàn, hoạt động LMS. Đánh giá giữa kỳ (30%): Gồm bài kiểm tra trắc nghiệm online và bài tập nhóm thực hành AI. Đánh giá cuối kỳ (60%): Có thể là thi trắc nghiệm hoặc thực hiện một dự án cá nhân nhỏ theo module tự chọn.

Tất cả hoạt động đánh giá đều có rubric minh bạch, phản hồi cụ thể và tạo cơ hội cải thiện liên tục cho sinh viên.

Học tập trực tuyến, góp phần hình thành năng lực công dân số

Điểm nổi bật của học phần là toàn bộ quá trình giảng dạy được thực hiện theo hình thức trực tuyến (online learning), ứng dụng công nghệ hiện đại và linh hoạt. Sinh viên sẽ học qua hệ thống video bài giảng, tình huống mô phỏng, bài tập thực hành, dự án nhóm, thảo luận chuyên đề, với sự hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên từ đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập giàu kinh nghiệm của ĐHQGHN – Viện trưởng Viện Đào tạo số và Khảo thí Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh.

dao tao hoc phan phap luat dai cuong tai vnu

Phương thức giảng dạy hiện đại này không chỉ phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học mà còn giúp cá nhân hóa quá trình học tập, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nội dung theo năng lực và nhu cầu cá nhân. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp hiện thực hóa triết lý OneVNU – nhất quán chuẩn đầu ra, thống nhất chất lượng đào tạo trong toàn ĐHQGHN, bất kể ngành học hay đơn vị đào tạo.

Việc triển khai học phần “Nhập môn công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” là một phần trong chiến lược dài hạn của ĐHQGHN về phát triển đại học số, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với năng lực đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

1408 z6687412887715 a0f0e2af1d673a60e4fcb28fd93652f1

Học phần không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, mà hướng tới mục tiêu quan trọng hơn: hình thành năng lực công dân số cho sinh viên ĐHQGHN – thế hệ trí thức trẻ không chỉ làm chủ công nghệ mà còn dẫn dắt đổi mới trong các lĩnh vực chuyên môn, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ban Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, chúng tôi không chỉ đào tạo ra những cử nhân hay kỹ sư giỏi về chuyên môn, mà còn là những công dân toàn cầu có tư duy số, năng lực sáng tạo và khả năng thích nghi với những thay đổi chưa từng có của thời đại.

Với việc thiết kế, xây dựng và triển khai học phần nền tảng về công nghệ số và trí tuệ nhân tạo từ năm học đầu tiên, ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị thế đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời tạo mẫu hình hiệu quả để các trường đại học khác tham khảo, học hỏi.

Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục, thực hiện các mục tiêu của Đề án “Phát triển đại học số” và các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

https%3A%2F%2Fvnu.edu.vn%2F-post38469.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article