Nhiều nhà phân tích trong giới công nghệ cho rằng, sự xuất hiện của DeepSeek năm 2024 giống như khoảnh khắc vệ tinh Sputnik của Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào thập niên 1950.
Hai sự kiện có điểm chung, là khiến các nhà khoa học Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới choáng váng, khi tin rằng mình đang ở thế dẫn đầu.
Sự xuất hiện của DeepSeek nhanh chóng tác động đến tâm lý thị trường và các hoạt động kinh tế. Lý do là ứng dụng này chứng minh một mô hình AI thông minh hơn, mạnh mẽ hơn nhưng có thể xây dựng trên phần cứng ít tốn kém hơn.

DeepSeek đã trở thành ứng dụng AI hàng đầu Trung Quốc, tương tự CATL trong lĩnh vực pin xe điện và BYD trong lĩnh vực xe điện.
Ông Joyce Chang, giám đốc nghiên cứu của JPMorgan nhận định: “DeepSeek xuất hiện ngay thời điểm then chốt của sự phát triển AI tại Trung Quốc. Môi trường công nghệ nước này (AI, robot, tự động hóa) đã bước vào giai đoạn đột phá sau nhiều thập kỷ nghiên cứu. Điều này tạo ra bởi đội ngũ nhân lực tài năng cộng với sự hỗ trợ không giới hạn của chính phủ.”
Tích hợp AI, được kỳ vọng mang lại sự chuyển đổi trong nền kinh tế. Theo Morgan Stanley, nhúng AI vào các nhà máy, sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất thông minh, như sử dụng xe tự hành và robot, bù đắp sự suy giảm năng suất và suy giảm dân số.
Nửa đầu năm 2025, Trí tuệ nhân tạo là động lực chính giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm. MSCI tăng tới 18,5%. Thị trường Trung Quốc là 1 trong 5 nơi có hiệu suất tốt nhất toàn cầu.
Theo giới phân tích, không khí tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc cuối tháng 3 khá ảm đạm, bởi dự báo về thuế quan Hoa Kỳ và thị trường tiêu dùng yếu. Tuy nhiên tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos ở Thiên Tân cuối tháng 6 vừa qua, không khí đã tích cực hơn, nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị với các tập đoàn công nghệ như Alibaba, Tencent, DeepSeek hay Didi.
Morgan Stanley nhận xét, trong lúc cạnh tranh địa chính trị phức tạp, khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang thu hẹp. DeepSeek đã phá vỡ sự thống trị của Hoa Kỳ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước đây Nhật Bản tự hào về năng lực phần cứng. Ấn Độ tự hào về cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hoặc gia công phần mềm. Chỉ có Mỹ tự hào trong mọi khía cạnh công nghệ. Giờ đây, Trung Quốc bắt đầu đứng chân vào vị trí đó.
Không chỉ AI, sự ra đời của DeepSeek vào lúc Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ về công nghệ sinh học, điện toán lượng tử, chất bán dẫn, xe tự hành và năng lượng tái tạo.
Nhiều lĩnh vực, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh cả dân sự lẫn quân sự. Ví dụ máy bay không người lái. Trong khi Hoa Kỳ giảm ngân sách cho sáng kiến về khí hậu, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra đột phá về phản ứng hạt nhân tổng hợp, như một phần trong sáng kiến sản xuất năng lượng sạch, qua đó giải quyết vấn đề xử lý chất thải phóng xạ một cách an toàn.
DeepSeek đang đóng vai trò như 1 phần quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc, được xây dựng dựa trên nhân tài đông đảo, năng lượng giá rẻ và dữ liệu phong phú.
Hiện nay có 535 trường đại học ở Trung Quốc đào tạo chuyên ngành về AI. Đất nước tỷ dân cũng đứng đầu thế giới về bằng sáng chế liên quan tới AI. Gần 1/3 các nhà nghiên cứu AI hàng đầu Trung Quốc làm việc ở 2 trung tâm đại học Hợp Phì và Trịnh Châu.
Nguồn nhân lực được cho là cốt lõi, quan trọng hơn tiền bạc. Bên ngoài Trung Quốc, một số luồng dư luận hoài nghi về việc DeepSeek được phát triển bằng vốn tư nhân. Có ý kiến cho rằng, DeepSeek ủ mình, được giới công nghệ cũng như nhà nước giúp ít nhất 2 năm.
Dù thế nào đi nữa, sự xuất hiện ngoạn mục của ứng dụng này trên thị trường, đã khiến 7 ông lớn công nghệ Hoa Kỳ mất đi tính độc tôn. Sự thay đổi được dự báo còn tiếp tục.
https%3A%2F%2Fvoh.com.vn%2Fcong-nghe%2Fdeepseek-mo-ra-buoc-ngoat-trong-linh-vuc-tri-tue-nhan-tao-toan-cau-604996.html