27.6 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025

Ứng dụng AI tại Việt Nam: Hầu hết doanh nghiệp chỉ mới dùng AI làm “công cụ hỗ trợ”, chưa đạt mức “chuyển đổi AI”

Must read

Trên toàn cầu, cuộc cách mạng AI không còn là dự báo mà đã trở thành hiện thực, với chỉ số chấp nhận AI của IBM năm 2023 cho thấy khoảng 42% doanh nghiệp đã tích cực triển khai AI vào hoạt động.

Tại Việt Nam, báo cáo của Research and Markets dự đoán thị trường AI tại Việt Nam sẽ tăng từ 2,15 tỷ USD năm 2023 lên 23,06 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 48,5% .

KHÁI NIỆM “CHUYỂN ĐỔI” ĐANG BỊ LẠM DỤNG TẠI VIỆT NAM

Mặc dù vậy, khoảng cách giữa việc sử dụng AI và Chuyển đổi AI vẫn còn rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc đầu tư, BK.Holdings, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tiếp cận AI chủ yếu dưới vai trò người dùng (user). Doanh nghiệp sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ các hoạt động như marketing, tạo nội dung, quản trị nhân sự, hoặc lập kế hoạch kinh doanh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI để thay đổi sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh vẫn còn rất hiếm. Trong khi đó, các startup AI cũng đang dần xuất hiện tại Việt Nam, đột phá và sáng tạo ra các giải pháp AI riêng, song số lượng các startup AI như vậy còn khá ít.

Theo ông Phan Văn Hòa, chuyên gia tư vấn quản trị công nghệ và hỗ trợ chuyển đổi AI, Việt Nam đang có một làn sóng quan tâm mạnh mẽ đến AI, tương tự như một “cuộc cách mạng” công nghệ. “Tuy nhiên, sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của các công nghệ AI thế hệ mới, cách chúng hoạt động và tiềm năng ứng dụng của chúng vẫn còn hạn chế”, ông Hòa cho biết.

 

Phần lớn cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ mới sử dụng AI ở mức độ công cụ hỗ trợ, tập trung vào các tác vụ cụ thể mang lại kết quả tức thì, chẳng hạn như tạo nội dung hoặc tự động hóa một phần công việc.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI một cách hệ thống, dẫn đến chuyển đổi toàn diện (transformation) hầu như chưa có.

Ông Hòa cho rằng phần lớn cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ mới sử dụng AI ở mức độ công cụ hỗ trợ, tập trung vào các tác vụ cụ thể mang lại kết quả tức thì, chẳng hạn như tạo nội dung hoặc tự động hóa một phần công việc. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI một cách hệ thống, dẫn đến chuyển đổi toàn diện (transformation) hầu như chưa có.

“Hiện nay, khái niệm “chuyển đổi” đang bị lạm dụng tại Việt Nam. Trước đây chúng ta nói chuyển đổi số và bây giờ là chuyển đổi AI, tuy nhiên, chuyển đổi không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ để tăng trưởng, mà phải thay đổi mô hình kinh doanh hoặc mô hình vận hành một cách gốc rễ”, ông Phan Văn Hòa cho biết.

Để làm rõ hơn, ông Hòa đã đưa ra ví dụ về startup công nghệ tài chính ở châu Âu có tên Klarna, nơi họ đã thay thế gần như toàn bộ bộ phận dịch vụ khách hàng (customer service) bằng chatbot AI. Việc này giúp công ty tiết kiệm khoảng 30 đến 40 triệu USD mỗi năm, đồng thời thay đổi triệt để mô hình vận hành đội ngũ chăm sóc khách hàng, từ việc sử dụng con người sang chatbot AI gần như toàn bộ.

“Đây là một ví dụ điển hình về chuyển đổi thực sự, khác với việc chỉ ứng dụng công nghệ để tăng trưởng mà không thay đổi mô hình kinh doanh cốt lõi”, chuyên gia cho biết.

NĂM CẤP ĐỘ TRƯỞNG THÀNH CỦA DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC ỨNG DỤNG AI

Với hơn 25 năm kinh nghiệm, từng là Giám đốc công nghệ của FPT Software và Phó Tổng Giám đốc CMC Software, chuyên gia về chiến lược công nghệ và dẫn dắt quản lý nhiều dự án phần mềm quy mô lớn thành công, theo ông Hòa, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi AI nói riêng, có ba cấp độ chính. Đầu tiên là số hóa dữ liệu (digitization), tức là chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý sang dạng số, ví dụ như chuyển bản đồ giấy thành bản đồ số hoặc tài liệu giấy thành tài liệu điện tử. 

Sau bước số hóa dữ liệu là bước số hóa quy trình (digitalization), nơi công nghệ thông tin được ứng dụng để tự động hóa các quy trình làm việc. Cấp độ thứ ba, cao nhất, là chuyển đổi (transformation), nghĩa là khi công nghệ tạo ra dòng doanh thu mới, cắt bỏ dòng doanh thu cũ, hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh và vận hành của doanh nghiệp.

Đối với việc ứng dụng AI, ông Phan Văn Hòa đã đưa ra mô hình năm cấp độ trưởng thành trong việc ứng dụng AI. 

Cấp độ 1 – Nền tảng: Tập trung vào mục tiêu tăng cường tri thức và nội dung. Ở cấp độ này, AI được sử dụng chủ yếu để phân tích dữ liệu, xử lý thông tin và tạo nội dung quy mô lớn, hỗ trợ công việc tri thức và phân tích kinh doanh mà chưa trực tiếp tham gia tự động hóa các quy trình công việc.

Cấp độ 2 – Cá nhân: Tập trung vào tự động hóa quy trình làm việc cá nhân. Ở cấp độ 2, AI Agents (tác tử) được triển khai ở mức độ cá nhân, nhằm tự động hóa các tác vụ lặp lại hàng ngày, tăng năng suất cá nhân và mở ra các phương thức làm việc mới.

Cấp độ 3 – Cộng tác: Tự động hóa quy trình làm việc nhóm. Các AI agents sẽ tham gia vào việc tự động hóa và điều phối các quy trình làm việc đa bước, liên chức năng ở cấp độ nhóm hoặc phòng ban, phối hợp công việc giữa con người và hệ thống.

Cấp độ 4 – Hệ thống: AI tích hợp và được quản trị ở cấp độ toàn doanh nghiệp. Với cấp độ này, AI được tích hợp một cách có hệ thống vào các quy trình kinh doanh cốt lõi, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng chuyên dụng, có cơ chế quản trị rõ ràng, được đầu tư liên chức năng và có những tác động kinh doanh đo lường được ở quy mô lớn.

Cấp độ 5 – Chuyển đổi: AI tạo ra những chuyển đổi chiến lược cho doanh nghiệp. AI lúc này trở thành động lực cơ bản cho đổi mới mô hình kinh doanh, kiến tạo khác biệt mức chiến lược và tạo giá trị cho doanh nghiệp. Tổ chức vận hành như một doanh nghiệp “AI-native”, liên tục thích ứng, sáng tạo, và tái tạo với AI. 

Hiện tại, những doanh nghiệp đạt được đến “cấp độ chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh (transformation) nhờ AI vẫn còn rất ít. Ảnh minh họa
Hiện tại, những doanh nghiệp đạt được đến “cấp độ chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh (transformation) nhờ AI vẫn còn rất ít. Ảnh minh họa

“Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang ứng dụng AI ở cấp độ một hoặc cấp độ 2  (tự động hóa các quy trình làm việc cá nhân), sử dụng các công cụ AI như một giải pháp hỗ trợ công việc cụ thể, chứ chưa đạt đến mức chuyển đổi cấp độ hệ thống hay chuyển đổi chiến lược, toàn diện”, ông Hòa nói.

LÃNH ĐẠO CÁC DOANH NGHIỆP CẦN ĐƯỢC ĐÀO TẠO ĐỂ NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ AI

Trao đổi về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuyển đổi AI, chuyên gia Phan Văn Hòa cho biết điều này phụ thuộc vào mục tiêu và tham vọng của từng doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp nhỏ thường tập trung vào các chức năng cụ thể như tạo  nội dung cho marketing hoặc nhằm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), nên mức độ sẵn sàng tương đối cao”, ông Hòa nói. “Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lớn, yêu cầu về hạ tầng dữ liệu và tham vọng phát triển các hệ thống AI chuyên dụng sẽ phức tạp hơn nhiều”.

Ông Hòa nhận định hạ tầng công nghệ tại Việt Nam hiện nay “đủ để triển khai các giải pháp AI tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT (OpenAI), Gemini (Google), Claude (Anthropic)… và các giải pháp AI Agents dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng về mặt lãnh đạo, sự hiểu biết sâu sắc về bản chất và tiềm năng của AI vẫn còn hạn chế”.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nhìn nhận AI như một công cụ hỗ trợ, chưa thấy được khả năng thay đổi mô hình kinh doanh. Do đó, theo chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp cần được đào tạo để nâng cao nhận thức về AI, giúp họ hiểu rõ bản chất và ứng dụng của công nghệ này.

Hiện tại, việc ứng dụng AI để tự động hóa quy trình (digitalization) tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, trong khi đó những doanh nghiệp đạt được đến “cấp độ chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh (transformation) vẫn còn rất hiếm”.

Dữ liệu thực tế về ứng dụng AI tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, do công nghệ này còn mới và đang ở giai đoạn đầu. Tuy vậy, từ góc nhìn cá nhân, ông Phan Văn Hòa dự đoán trong năm 2025, các SME tại Việt Nam sẽ bắt đầu đạt được những kết quả rõ rệt trong việc tự động hóa quy trình. Đến năm 2026, một số doanh nghiệp có thể đạt được mức chuyển đổi thực sự nhờ AI. 

Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc đầu tư, BK.Holdings, nhận định triển vọng ươm tạo startup AI tại Việt Nam “rất lớn”, đặc biệt ở tầng ứng dụng và dịch vụ, nơi Việt Nam có điểm xuất phát gần tương đương với thế giới nhờ sự nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ, cụ thể là về ứng dụng AI. 

“Việt Nam có lợi thế về đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin và AI, cùng với một thị trường 100 triệu dân và quy mô kinh tế khoảng 500 tỷ USD, tạo điều kiện thuận lợi cho các startup AI khởi đầu”, ông Phạm Tuấn Hiệp nói và dẫn chứng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đứng thứ 46 trên thế giới, xếp hàng đầu trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, cho thấy tiềm năng lớn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Hiện nay, các lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, y tế đang dẫn đầu trong việc ứng dụng AI, với nhiều công ty sử dụng AI để tạo nội dung, hỗ trợ đào tạo hoặc xử lý dữ liệu lớn. 

https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Fung-dung-ai-tai-viet-nam-hau-het-doanh-nghiep-chi-moi-dung-ai-lam-cong-cu-ho-tro-chua-dat-muc-chuyen-doi-ai.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article