(ĐTCK) Việt Nam đang là điểm sáng tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần một lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề cốt lõi trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc.
Tiềm năng phát triển công nghệ Việt Nam có thể vượt xa tưởng tượng
Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Các hoạt động này bao gồm việc hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh truyền thông, và tạo cơ chế hợp tác công – tư.
Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 14/06 đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho một ngành công nghiệp mới nổi. Đặc biệt, Luật còn góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời tạo nền tảng cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào xu thế công nghệ toàn cầu.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam (VIDE) nhận xét, luật này đã chuyển hóa các mục tiêu chiến lược thành quy định pháp lý, tạo ra một sân chơi minh bạch. Các điểm nổi bật như quản lý AI dựa trên rủi ro (tương tự EU), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) và chính sách ưu đãi cao nhất cho AI, sẽ tháo gỡ các rào cản pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Dưới góc nhìn một nhà đầu tư quốc tế, bên lề Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam (do nền tảng BossKOL, cộng đồng CTO Network, VDBG và FaceSEO đồng tổ chức) ngày 18/07, ông Cheng Xueli, Founder Quỹ đầu tư Hanfu và Công ty Công nghệ Zhiji đánh giá cao các động thái quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy công nghệ sáng tạo, ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực hoạt động.
“Hiện tại, Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực. Đồng thời, Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chính sách đổi mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Chúng tôi vẫn thường nói rằng, Việt Nam đang giữ vai trò như một “KOL” dẫn dắt xu hướng trong khu vực”, ông Cheng Xueli cho biết.
![]() |
Ông Cheng Xueli chia sẻ tại sự kiện ngày 18/07. |
Nhà đầu tư này cũng nói thêm rằng, trong việc thúc đẩy công nghệ, nếu hỏi rằng Việt Nam có thể phát triển đến mức nào, thì bản thân ông cũng khó có thể đưa ra một con số cụ thể, bởi tiềm năng hiện tại là rất lớn, thậm chí vượt xa những gì mọi người có thể tưởng tượng ngay lúc này.
Tuy nhiên, trên hành trình đưa AI vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, TS. Trần Quý, cho rằng vẫn còn “tứ giác thách thức” có thể kìm hãm sự phát triển, đặc biệt là với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Thứ nhất là “cơn khát” dữ liệu chất lượng cao. Đây là nút thắt cơ bản và cố hữu nhất. AI cần dữ liệu để “học”, nhưng phần lớn dữ liệu tại các doanh nghiệp Việt còn phân mảnh, chưa được số hóa và chuẩn hóa. Dữ liệu kém chất lượng sẽ tạo ra các mô hình AI sai lệch, dẫn đến quyết định kinh doanh thiếu chính xác và làm xói mòn lòng tin vào công nghệ.
Thứ hai là khủng hoảng nguồn nhân lực. Đây được xem là điểm nghẽn nghiêm trọng nhất hiện nay. Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự AI ở mọi cấp độ, từ chuyên gia nghiên cứu sâu đến kỹ sư triển khai ứng dụng. Dự báo cho thấy nhu cầu có thể lên đến hàng trăm nghìn kỹ sư trong vài năm tới, do việc chương trình đào tạo tại các trường đại học chưa theo kịp thực tiễn và tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhân tài bị thu hút bởi các tập đoàn nước ngoài với đãi ngộ tốt hơn.
Thứ ba là chi phí đầu tư và sự mơ hồ về chiến lược. Chi phí ban đầu để đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và nhân sự AI là rất lớn, trở thành rào cản tài chính đáng kể với các doanh nghiệp SME. Chi phí huấn luyện các mô hình lớn có thể lên tới hàng triệu USD. Quan trọng hơn, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không biết phải bắt đầu từ đâu, lựa chọn giải pháp nào cho phù hợp, dẫn đến tâm lý e dè, sợ lãng phí nguồn lực.
![]() |
TS. Trần Quý, Viện trưởng VIDE. |
Thứ tư là rào cản pháp lý, đạo đức và an ninh. Trước đây, sự thiếu vắng một hành lang pháp lý rõ ràng đã tạo ra tâm lý lo ngại cho doanh nghiệp về các vấn đề như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý khi có sự cố. Đây không chỉ là vấn đề tuân thủ pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của khách hàng.
“Bốn thách thức này tạo ra một vòng lặp tiêu cực: thiếu dữ liệu và nhân lực khiến doanh nghiệp khó xây dựng sản phẩm AI hiệu quả. Điều này làm cho việc chứng minh lợi tức đầu tư (ROI) trở nên khó khăn, dẫn đến nhà đầu tư ngần ngại rót vốn. Mức đầu tư thấp lại càng khiến bài toán nhân lực và dữ liệu thêm trầm trọng”, TS. Quý lưu ý.
Lộ trình “xây nền móng trước, tăng tốc sau”
TS. Quý nhìn nhận, Việt Nam cần có lộ trình phát triển AI với mục tiêu “xây nền móng trước, tăng tốc sau” đồng thời đưa ra một lộ trình gồm hai giai đoạn.
Trong giai đoạn hiện tại, việc quan trọng nhất là phải tập trung giải quyết dứt điểm 4 nút thắt phía trên. Trong đó, Chính sách nên ưu tiên hàng đầu là giải quyết khủng hoảng nhân lực và dữ liệu.
Về nhân lực, TS. Quý cho rằng cần một chiến lược “ba chân kiềng” đồng bộ. Một là, cải cách đào tạo trong các trường đại học, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để xây dựng chương trình học sát thực tế. Hai là, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn (như FPT, Viettel, VNPT, MetaDAP,…), hay các đơn vị như VIDE mở các chương trình đào tạo quy mô lớn và hỗ trợ các doanh nghiệp SME đào tạo lại nhân viên. Ba là, ban hành chính sách đột phá như thị thực, thuế,… để thu hút chuyên gia AI quốc tế và người Việt ở nước ngoài về làm việc.
Về dữ liệu, cần khởi động chương trình quốc gia về số hóa và chuẩn hóa dữ liệu trong các lĩnh vực công quan trọng, đồng thời ban hành khung pháp lý rõ ràng cho việc chia sẻ dữ liệu công – tư.
“Đặc biệt, Chính phủ cần hợp tác để phát triển các nền tảng “AI như một dịch vụ” (AIaaS) với chi phí hợp lý, cung cấp các công cụ dựng sẵn giúp các SME dễ dàng tiếp cận và ứng dụng”, ông khuyến nghị.
Đến giai đoạn 2 (2026 – 2030) mới bắt đầu tăng tốc và chuyên môn hóa. Ở giai đoạn này, thay vì dàn trải, Việt Nam nên dồn lực để phát triển các ứng dụng AI đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực có lợi thế như: nông nghiệp thông minh, tự động hóa sản xuất và đặc biệt là xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt.
Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp AI tiềm năng nhất, giúp họ trở thành các thương hiệu uy tín trong khu vực, hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược 127. Ngoài ra, cũng cần thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên biệt cho AI do nhà nước và tư nhân đồng tài trợ, nâng cấp các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để trở thành cầu nối giữa nghiên cứu và thị trường.
“Lộ trình này đảm bảo sự phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề gốc rễ trước, tạo ra một môi trường an toàn và hấp dẫn để thu hút các khoản đầu tư lớn, từ đó giúp công nghệ AI thực sự lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, TS. Trần Quý khẳng định.
Về phía doanh nghiệp, ông Cheng Xueli khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng học hỏi, duy trì tinh thần đổi mới sáng tạo và đặc biệt là mở rộng tầm nhìn ra thị trường quốc tế. Theo ông, khi tư duy theo chuẩn toàn cầu, doanh nghiệp sẽ có động lực vươn lên, không chỉ dừng lại ở việc làm tốt trong nước mà còn hướng tới các chuẩn mực cao hơn. Khi đó, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đi trước mới có thể được thu hẹp.
https%3A%2F%2Fwww.tinnhanhchungkhoan.vn%2F4-nut-that-phat-trien-cong-nghe-va-lo-trinh-de-viet-nam-but-toc-trong-ky-nguyen-ai-post373378.html