Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong công nghệ kết nối não bộ
Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ giao tiếp giữa não bộ và máy tính (Brain-Computer Interface – BCI), với con chip mang tên Beinao-1 được cho là đang bắt kịp – và thậm chí có thể vượt qua – những nỗ lực nổi bật từ Mỹ như Neuralink của Elon Musk.
Trong một thử nghiệm lâm sàng gần đây, một phụ nữ 67 tuổi mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) đã có thể giao tiếp bằng cách truyền tải suy nghĩ thành văn bản tiếng Trung, nhờ con chip được cấy ghép vào não.

Con chip của Beinao-1 có kích thước bằng một đồng xu. (Nguồn: CNN)
Theo Viện Nghiên cứu Não bộ Trung Quốc (CIBR), Beinao-1 được cấy vào cơ thể của 5 bệnh nhân – số lượng tương đương với Neuralink – và hiện nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch mở rộng thử nghiệm sang 50 – 100 người trong thời gian tới. Đáng chú ý, Beinao-1 sử dụng phương pháp “bán xâm lấn” giúp ghi lại tín hiệu não bộ mà không cần đến các cuộc phẫu thuật phức tạp như một số công ty Mỹ đang thực hiện.
Một trong những người tham gia thử nghiệm – trước đây không thể nói – đã lần đầu tiên nói được những câu đơn giản nhờ công nghệ này, khiến các chuyên gia nhận định Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn có thể dẫn đầu trong một số khía cạnh của công nghệ não bộ. Động lực chính đến từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và nguồn đầu tư ngày càng tăng cho nghiên cứu khoa học.
Diễn đàn về TMĐT và công nghệ số sẽ diễn ra tại TP.HCM
Diễn đàn “Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam năm 2025” do Bộ Công thương tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 4 – 6/9 tại TP.HCM. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm và Sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế Vietnam International Sourcing 2025.

Diễn đàn “Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam năm 2025” sẽ diễn ra từ ngày 4/9 – 6/9 tại TP.HCM. (Nguồn: Bộ Công thương)
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là cầu nối quan trọng, tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT), công nghệ số từ nhiều quốc gia để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và định hướng các giải pháp đột phá cho sự phát triển của TMĐT và kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào 4 lĩnh vực chính bao gồm: Thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới, vận hành TMĐT; Logistics; Giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp; Giải pháp tài chính số.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công thương, Diễn đàn Ứng dụng TMĐT và Công nghệ số 2025 tới đây, không chỉ là nơi cập nhật công nghệ, để các doanh nghiệp đối thoại với chuyên gia còn là diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp kết nối hợp tác kinh doanh, phát triển giải pháp cũng như là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Israel tăng gấp đôi tuyển dụng AI trong nửa đầu năm 2025
Thị trường công nghệ cao của Israel đang bùng nổ với làn sóng tuyển dụng trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI). Để thu hút ứng viên trong thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Israel khôi phục chính sách “thưởng ký hợp đồng” cho các vị trí mang tính “chiến lược”, với mức thưởng tương đương từ một đến sáu tháng lương.
Theo báo cáo nửa năm của GotFriends – công ty tuyển dụng công nghệ lớn nhất nước này – số lượng vị trí việc làm AI trong sáu tháng đầu năm 2025 gấp đôi tổng số cả năm 2024. Nguyên nhân được cho là nhờ sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh trong các sản phẩm và chiến dịch marketing, cùng với sự trỗi dậy của các startup tập trung vào AI tác tử và hạ tầng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
6 vị trí dẫn đầu trong cuộc đua nhân tài AI gồm: nhà nghiên cứu AI, chuyên gia LLM, chuyên gia bảo mật AI, lập trình viên AI tạo sinh, kỹ sư dữ liệu chuyên AI, và quản lý sản phẩm AI. Mức lương trung bình tại các công ty chuyên AI hiện đạt khoảng 43,085 shekel/tháng (tương đương khoảng 11,500 USD) – cao nhất trong ngành công nghệ Israel.
https%3A%2F%2Fvtcnews.vn%2Fcong-nghe-21-7-trung-quoc-bat-kip-my-trong-cong-nghe-ket-noi-nao-bo-ar952222.html