Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ trên thế giới đang “xâm lấn” khắp thị trường và các trang mạng xã hội ở nước ta, làm gia tăng sức ép trong việc cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu của nước ngoài.
Người tiêu dùng cần cân nhắc khi đặt mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử giá rẻ.
Thời gian gần đây, một số sàn thương mại điện tử như Temu, Shein với nhiều ưu đãi như miễn phí vận chuyển, giao hàng nhanh chóng, giảm sâu giá thành sản phẩm, tặng tiền cho khách hàng mở tài khoản lần đầu… đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng trong nước.
Mặc dù mới chính thức hiện diện trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ cuối tháng 9/2024 nhưng Temu – Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới từ Trung Quốc đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường với những ưu đãi mà không phải nền tảng thương mại điện tử nào cũng có được.
Mặc dù nền tảng này xuất hiện sẽ mang lại lợi ích nhất định cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho thị trường, cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.
Anh Trần Quang Hải, phường Xuân Hòa (Phúc Yên) đã trải nghiệm dịch vụ và giới thiệu được một số khách hàng tạo tài khoản Temu cho biết: Mô hình kinh doanh Temu cũng tương tự như các nền tảng Shopee hay Lazada, tuy nhiên điều khác biệt là Temu thu hút người dùng nhờ vào chiến lược bán hàng giá rẻ, giúp khách hàng có thể mua sắm với giá hợp lý.
Ngoài ra, các mặt hàng trên Temu rất đa dạng, từ quần áo, đồ điện tử đến các sản phẩm nội thất, tất cả đều được vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất, giúp giảm giá thành đến mức thấp nhất, đặc biệt là miễn phí ship hàng.
Sàn này còn triển khai hàng loạt chiến dịch khuyến mãi, kết hợp với chương trình tiếp thị liên kết để mở rộng mạng lưới người dùng. Việc giới thiệu thêm khách hàng mở tài khoản và nhận hoa hồng từ 10 – 30% giá trị đơn hàng cùng nhiều phần thưởng tiền mặt đã giúp Temu thu hút hàng chục nghìn người dùng chỉ trong vài ngày ra mắt.
Tuy nhiên, người giới thiệu chỉ dùng được tiền hoa hồng khi mua lại hàng trên Temu hoặc có tài khoản để rút qua một ví điện tử trung gian (một dịch vụ trung gian dùng để thanh toán và chuyển tiền quốc tế). Và không phải người dân nào cũng có ví điện tử này, bởi tạo tài khoản cần nhiều điều kiện như thẻ visa, trên 18 tuổi, từng mua sắm hoặc thanh toán quốc tế…
Mặt khác, nếu bất kỳ người dùng ứng dụng mới nào không thực hiện giao dịch mua đủ hàng trên ứng dụng này thì tiền thưởng sẽ bị hủy bỏ và đó là lý do không dễ lấy được lợi nhuận.
Nếu xét khía cạnh người tiêu dùng thì giá hàng hóa rẻ, thời gian giao hàng nhanh chóng thì rõ ràng là có lợi.
Anh Triệu Văn Giáp, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: Tôi đã đặt thử hàng hóa của Temu mấy lần. Nói chung, các đồ gia dụng bình thường thì tốt, giá rẻ, có những loại hàng hóa chỉ bằng 1/3 hay 1/5 hàng sản xuất trong nước. Khi hàng được chuyển đến, nếu không ưng, khách hàng chỉ cần in tờ vận đơn có tên tuổi của mình mà họ đã chuẩn bị trước mang ra bưu điện gửi trả lại, không mất cước phí vận chuyển cho cả hai chiều. Chỉ mấy hôm sau là tiền được trả về tài khoản của khách hàng.
Điều băn khoăn lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay là Temu chưa có các gian hàng chính hãng như những sàn thương mại điện tử khác. Các sản phẩm trên Temu hiện không có gì đảm bảo về chất lượng, chắc chắn không thể tạo được nhiều niềm tin của khách hàng trước khi đặt mua, đặc biệt khi các sản phẩm đều xuất phát từ các nhà bán hàng Trung Quốc. Nếu muốn thử, người dùng sẽ phải tìm hiểu, xem xét các đánh giá kỹ hơn từ người dùng trước đó.
Là khách hàng đã từng “nếm vị đắng” do mua hàng trên Temu, chị Nguyễn Thị Dung, phường Đồng Xuân (Phúc Yên) bức xúc: Tôi đã đặt thử 1 lệnh trên Temu thì thấy có mặt hàng giá rẻ thật, chỉ tính riêng chi phí vận chuyển cũng cao hơn giá của sản phẩm đó. Tôi mua mấy món đồ với tổng giá trị có 135 nghìn đồng mà được miễn phí ship từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng hóa có chất lượng thấp, theo cách gọi dân gian là “hàng chợ” – chủ yếu là hàng không có thương hiệu. Nói chung, họ tư duy bán hàng toàn cầu nên sản xuất quy mô lớn, qua đó giảm giá thành và lấy lợi nhuận nhờ số lượng…
Thực tế thời gian qua, Temu không phải là sàn thương mại điện tử duy nhất của Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó, Taobao, 1688, Shein… đã đổ bộ vào Việt Nam mang đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử và gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Để có thể tồn tại và phát triển trong chuỗi cung ứng, mỗi doanh nghiệp sản xuất phải tự thích nghi, cơ cấu lại hoạt động để có mức giá sản phẩm hợp lý hơn, chất lượng cao hơn; các kênh phân phối, bán lẻ cũng buộc phải tìm kiếm mô hình phù hợp mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Bài, ảnh: Thành An
https%3A%2F%2Fbaovinhphuc.com.vn%2Ftin-tuc%2FId%2F119594%2FSuc-ep-doi-voi-san-thuong-mai-dien-tu-va-doanh-nghiep-san-xuat
Địa chỉ Mua hàng Iphone, Macbook, Ipad, Apple Watch chính hãng Uy tín nhất, dẫn đầu, được số đông khách hàng chọn lựa: Thế Giới Di Động 127 Trần Hưng Đạo (đối diện Bến xe TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình