Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 3.891 vụ việc, xử lý 3.114 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử lý hơn 63 tỷ đồng.
Trong đó, lực lượng chức năng chuyển cơ quan điều tra 26 vụ việc có dấu hiệu hình sự (tăng 50% so cùng thời điểm năm trước), phổ biến là các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là hành vi sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Một trong những vụ việc điển hình là ngày 13/6, lực lượng QLTT TP Hà Nội phối hợp kiểm tra điểm tập kết hàng tại số 62, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), phát hiện hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa… mang nhãn hiệu Altapharma, Hipp, Aptamil, Alete, Nivea (sản xuất tại Đức) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo lực lượng chức năng, thủ đoạn làm hàng giả hiện nay có thể chia thành ba nhóm chính: Làm giả hoàn toàn, làm nhái sản phẩm và nguy hiểm nhất là làm giả về chất lượng – tức sản phẩm có đăng ký tiêu chuẩn nhưng khi kiểm nghiệm lại không đạt yêu cầu.
Vi phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các mặt hàng thiết yếu. Các đối tượng thường nhắm vào những thương hiệu nổi tiếng, sử dụng nhiều phương thức tinh vi, liên tục thay đổi thủ đoạn để tránh bị phát hiện. Các hành vi này không chỉ diễn ra tại kho bãi, cửa hàng truyền thống mà còn phổ biến trên sàn TMĐT, mạng xã hội và các nền tảng giao dịch xuyên biên giới – khiến việc giám sát, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng kẽ hở pháp lý, chia nhỏ lô hàng để né tránh trách nhiệm và che giấu danh tính thật. Đáng lo ngại, nhiều sản phẩm giả còn được quảng bá rầm rộ, thậm chí thuê người nổi tiếng làm đại diện, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa và khó phân biệt thật – giả.
Theo đại diện Chi cục QLTT TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện 72 hành vi vi phạm trên các nền tảng TMĐT, riêng tháng 6 có tới 33 vụ. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm, phụ kiện không rõ nguồn gốc, đòi hỏi phương pháp nghiệp vụ và sự phối hợp liên ngành để xử lý hiệu quả.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục đã phối hợp với các sàn TMĐT xử lý hơn 11.000 gian hàng vi phạm và gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT.
“Đây là con số rất lớn, phản ánh rõ mức độ phức tạp của vi phạm trong TMĐT hiện nay”, ông Ninh nhấn mạnh và cho biết Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang tích cực triển khai các công nghệ mới như AI, blockchain và mã QR trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời xây dựng các hệ thống tự động nhằm phát hiện hàng giả, hàng nhái với độ chính xác và tốc độ xử lý cao.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT theo Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ. Lực lượng QLTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh chia sẻ và trao đổi thông tin để kiểm tra không chỉ trên không gian mạng mà cả tại các điểm kinh doanh thực tế có dấu hiệu buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Trọng tâm trước mắt là áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm hàng do Bộ Công Thương quản lý như dệt may, da giày, điện tử…
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các sàn TMĐT đóng vai trò hỗ trợ tích cực trong phòng, chống hàng giả thông qua việc cung cấp dữ liệu và thông tin đầu vào. Giải pháp cốt lõi là phải định danh rõ ràng người bán và nhà sản xuất – xác định danh tính, địa chỉ và tư cách pháp lý để có thể truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát dữ liệu giao dịch, hành vi của người bán trên sàn để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Thực tế, nhiều trường hợp người bán trộn lẫn hàng thật với hàng giả, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Do đó, việc theo dõi đơn hàng cụ thể, kết hợp với thông tin định danh sẽ là công cụ hữu hiệu để làm rõ trách nhiệm trong từng vụ việc.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đang phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và sàn giao dịch nhằm xác minh nguồn gốc hàng hóa, hạn chế tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái. Sau đợt cao điểm, lực lượng QLTT tiếp tục triển khai các kế hoạch kiểm tra đối với nhóm hàng dễ bị làm giả như mỹ phẩm, thực phẩm…, đồng thời phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo hiệu ứng răn đe và bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian số.
https%3A%2F%2Fcand.com.vn%2FThi-truong%2Fai-blockchain-truy-vet-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-i773778%2F