Từ phân tích hình ảnh y tế, chẩn đoán bệnh lý, cho đến “bác sĩ ảo” mô phỏng, các công ty công nghệ đang nỗ lực đưa AI vào bệnh viện. Trong đó, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực thu hút sự chú ý đặc biệt, theo KrAsia.
Hiện nay, AI được xem như “người bạn đồng hành” về tâm lý với chi phí thấp. Cốt lõi của liệu pháp tâm lý là khả năng lắng nghe và thấu cảm – những kỹ năng mà AI tạo sinh mô phỏng khá tốt. AI không mệt mỏi, luôn sẵn sàng 24/7 với đủ dữ liệu, đôi khi còn cho kết quả tốt hơn một số nhà tư vấn.
Chính tiềm năng này đang thu hút giới đầu tư. Tháng 2 vừa qua, Haoxinqing – một trong những nền tảng chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tuyến hàng đầu Trung Quốc – đã thành công huy động hàng chục triệu NDT, đồng thời công bố định hướng phát triển dòng robot trị liệu tâm lý ứng dụng AI. Một số startup như Scietrain và Mirror Ego cũng đang khai thác thị trường ngách, phát triển AI cảm xúc hoặc công cụ trị liệu chuyên sâu.
Nhưng liệu AI đã thực sự sẵn sàng tiếp nhận và xử lý cảm xúc con người? Liệu công cụ có thể đảm nhiệm những quyết định quan trọng liên quan đến đánh giá rủi ro tâm thần hay không?
ỨNG DỤNG HỨA HẸN NHẤT CỦA MÔ HÌNH AI TRONG Y TẾ
Hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn rất giỏi giải quyết vấn đề thông qua trò chuyện, biến AI trở thành giải pháp phù hợp cho công việc trị liệu. Trên thực tế, nỗ lực sử dụng công nghệ trong tư vấn tâm lý đã xuất hiện từ hàng chục năm trước, nhưng hạn chế thời kỳ đầu khiến phản hồi của máy tính trở nên máy móc và thiếu cảm xúc.
Giờ đây, nhờ bước tiến trong lĩnh vực AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mọi chuyện đã khác. Mô hình được huấn luyện trên vô số văn bản tâm lý học và bản ghi từ phiên trị liệu thực tế, về lý thuyết, tính sâu sắc và độ thấu hiểu sẽ tăng lên.
Nhiều công ty công nghệ lớn đang tích cực thử nghiệm ý tưởng này. JD Health vừa giới thiệu ứng dụng đồng hành được vận hành bởi mô hình Jingyi Qianxun do hãng tự phát triển. Tongyi Xingchen của Alibaba Cloud cũng hướng tới ứng dụng thiên về đồng hành và trò chuyện.
Một số công ty khác chọn đầu tư thay vì tự xây dựng. Năm 2023, Baidu đầu tư vào Scietrain — đơn vị phát triển mô hình đa dụng được tích hợp trong nhiều công cụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo công ty, dịch vụ đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng.
Đa số nền tảng đều tập trung đến trí tuệ cảm xúc; mục tiêu là hướng dẫn người dùng vượt qua khủng hoảng tâm lý, phản ánh xu hướng chung trong trị liệu dựa trên trò chuyện bằng AI.
Ngoài ra, nhu cầu trị liệu tâm lý cũng gia tăng. Áp lực xã hội và công việc, đi kèm với nhận thức cộng đồng ngày càng cao khiến các vấn đề như lo âu, trầm cảm và mất ngủ ngày càng được chú ý. Tuy nhiên, nguồn lực chuyên môn lại hạn chế. Nhiều bệnh viện đầu tư ít vào khoa tâm thần, và ở khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, dịch vụ sức khỏe tâm thần có thể hoàn toàn không tồn tại. Bên ngoài hệ thống bệnh viện, trị liệu lại tốn kém và chất lượng không đồng đều.
Bác sĩ tâm thần Lu Wei, Phó Giám đốc Bệnh viện Wenzhou Kangning, cho biết trước đây, hầu hết bệnh nhân đến phòng khám vì mắc rối loạn nặng như loạn thần. Nhưng hiện nay, nhiều người đến khám khi gặp vấn đề như căng thẳng tâm lý nhẹ. “Họ đang chịu áp lực cảm xúc và không biết chia sẻ với ai, nên cuối cùng tìm đến chúng tôi”, ông Wei bộc bạch.
Trong những trường hợp như vậy, AI có thể là lựa chọn tiếp cận ban đầu hoặc trở thành lựa chọn thay thế cho việc điều trị.
Tháng 3 vừa rồi, The New England Journal of Medicine đã công bố nghiên cứu do Đại học Dartmouth thực hiện, đánh giá hiệu quả của TheraBot – công cụ can thiệp tâm lý ứng dụng AI. Trong thử nghiệm ngẫu nhiên, 210 bệnh nhân mắc trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu toàn thể, tiến hành sử dụng TheraBot tổng cộng 6 giờ trong 4 tuần cho thấy mức giảm triệu chứng trầm cảm trung bình 51%, lo âu giảm 31%, tương đương khoảng 8 buổi trị liệu truyền thống. Khảo sát sau đó chỉ rõ người dùng tin tưởng TheraBot “ở mức tương đương với chuyên gia trị liệu con người”.
Nhóm nhà nghiên cứu nhấn mạnh: TheraBot không nhằm thay thế bác sĩ, mà để lấp khoảng trống dịch vụ và mở rộng khả năng tiếp cận.

AI HỢP ĐỂ TRÚT BẦU TÂM SỰ HƠN LÀ ĐIỀU TRỊ?
Dù vậy, lĩnh vực trị liệu bằng AI vẫn còn khá mới mẻ. Ngay cả ứng dụng tiên tiến đôi khi vẫn bị đánh giá là rập khuôn. Người dùng dễ dàng nhận thấy mô típ lặp đi lặp lại: AI an ủi, thể hiện sự đồng cảm, rồi trình bày giải pháp theo cách điềm tĩnh.
Điều này phản ánh rõ ở dữ liệu huấn luyện. Phiên trị liệu truyền thống do chuyên gia dẫn dắt thường không theo cấu trúc nhất định. Trong khi đó, trò chuyện với AI do người dùng đào tạo có thể phá vỡ nhịp điệu vốn có. Nếu mô hình chỉ được huấn luyện qua những phiên trị liệu kịch bản hóa, công cụ sẽ khó thích ứng với hội thoại tự do.
Thêm vào đó là lo ngại về vấn đề an toàn. Một nhà tư vấn đã cảnh báo về trường hợp AI không nhận ra dấu hiệu ý định tự tử trong tin nhắn của người dùng, thậm chí còn khuyến khích họ “can đảm làm theo cảm xúc”.
Trong môi trường lâm sàng, chuyên gia trị liệu có thể chuyển bệnh nhân đến nơi hỗ trợ chuyên sâu, chỉ định khám tâm thần hoặc kê đơn thuốc. AI thì không thể làm điều đó.
“Nên xem AI như ‘van xả áp’”, nhà tư vấn giấu tên nói. “Công cụ không phải để chẩn đoán hay chữa trị. Công cụ là nơi để người ta nói ra những điều cần nói, và đôi khi, vậy là đủ”.

HỮU ÍCH CHO SÀNG LỌC, HỖ TRỢ VÀ PHỤC HỒI
Tính khả thi về mặt kinh doanh cũng là một trở ngại khác. Nhiều công cụ trị liệu AI nhắm trực tiếp tới người tiêu dùng, nhưng chuyển đổi người dùng thông thường thành khách hàng trả phí là điều không dễ, ngay cả khi có nhu cầu.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tuyến từng trải qua nhiều đợt tăng trưởng mạnh. Trong thời kỳ đại dịch, một số nền tảng như MyTherapist, Yidianling, Easy Psychology và “bệnh viện internet” như Haoxinqing và Zhaoyang Doctor ghi nhận lượng sử dụng tăng vọt.
Tuy nhiên, hầu hết nền tảng đều gặp khó khăn trong việc biến trị liệu trực tuyến thành mô hình kinh doanh độc lập. Doanh thu thường phụ thuộc vào hợp tác với công ty dược hoặc bệnh viện, chứ không đến từ buổi trị liệu.
Mặt khác, các công ty đang tập trung vào những vai trò hẹp hơn trong chuỗi chăm sóc, nơi AI có thể tự động hóa công việc lặp lại.
Một startup phát triển công cụ kỹ thuật số cho chứng rối loạn não bộ đã tạo ra AI hỗ trợ huấn luyện nhận thức cho người suy giảm chức năng. “Các bài tập đơn giản và có cấu trúc”, thành viên nhóm chia sẻ. “Trước đây phải làm thủ công, nhưng giờ AI có thể thực hiện nhất quán”.
Một chiến lược khác là nhắm vào khách hàng doanh nghiệp. Chẳng hạn, Mirror Ego cung cấp loạt dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần như sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp. Khách hàng của hãng bao gồm trường học, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2024, công ty đã hợp tác với hơn 200 trường học tại Trung Quốc.
Một số nền tảng lớn cũng tích hợp công cụ trị liệu AI vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe. JD Health, công ty có doanh thu chủ yếu từ bán dược phẩm, đã tích hợp công cụ sức khỏe tâm thần vào dịch vụ của hãng. Theo trang tin HealthInsight, dù công cụ AI của JD Health miễn phí, nhưng khoảng 1% người dùng được giới thiệu sang dịch vụ có trả phí như trị liệu hoặc thuốc. Tỷ lệ chuyển đổi này khá nhỏ, nhưng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, ngay cả lợi nhuận biên nhỏ cũng mang lại giá trị.
Tất nhiên, so với nền tảng trị liệu vật lý lâu đời, các công ty tập trung vào giải pháp sức khỏe tâm thần thuần AI vẫn ở giai đoạn đầu. Giới chuyên gia nhận định: “Mọi thứ đang phát triển nhanh chóng, còn quá sớm để biết đích đến là gì”.
https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Fai-co-the-lang-nghe-nhung-chua-the-chua-lanh.htm