Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có hàng nghìn vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng, rất nhiều trong số đó dẫn đến thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Nguyên nhân thường xuất phát từ việc không tuân thủ quy định an toàn, thiếu trang thiết bị bảo hộ, hoặc đơn giản là do áp lực tiến độ khiến người lao động phải “liều mạng” để hoàn thành công việc.
Thực tế, tình trạng đáng báo động của an toàn lao động trong ngành xây dựng không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào.
Tại Mỹ, mỗi năm cũng có cả ngàn người tử vong vì tai nạn trên các công trường xây dựng; còn trên phạm vi toàn cầu, ngành xây dựng vẫn là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất.
Nhưng giờ đây trên thế giới, một làn sóng công nghệ mới đang nổi lên với triển vọng có thể cứu sống hàng nghìn sinh mạng: Trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên về giám sát an toàn tại các công trường xây dựng.
Ông Philip Lorenzo, một doanh nhân công nghệ ở Mỹ, khi phát biểu tại Hội nghị Đổi mới Xây dựng 2025 ở Đại học California, Berkeley đã thẳng thắn nêu rõ: “Mọi người đều nói “an toàn là ưu tiên số một”, nhưng thực tế có thể không phải vậy.

Trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên về giám sát an toàn tại các công trường xây dựng đang được nhiều quốc gia áp dụng (Ảnh minh hoạ: Mạnh Quân).
Người ta thường tìm cách “đi tắt” trên công trường và luôn có một cuộc “kéo co” giữa an toàn lao động và năng suất.
Safety AI – Đôi mắt thông minh trên công trường
Lorenzo và nhóm của ông tại DroneDeploy, một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) chuyên về phần mềm tạo mô hình số hóa công trình, đã phát triển một công cụ mang tên Safety AI.
Hệ thống này phân tích hình ảnh thu được hàng ngày từ công trường và tự động phát hiện các vi phạm quy định an toàn của Cơ quan An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA), với độ chính xác được công bố là 95%.
Điều đặc biệt ở Safety AI là nó không chỉ đơn thuần nhận diện các vật thể như thang, mũ bảo hộ hay dây an toàn…
Thay vào đó, hệ thống này sử dụng một dạng AI tiên tiến gọi là Mô hình ngôn ngữ thị giác (Visual Language Model – VLM), cho phép nó “suy luận” về những gì đang diễn ra trong hình ảnh và đưa ra kết luận về việc có vi phạm an toàn hay không.
Ví dụ khi phân tích việc sử dụng thang để trèo, một công cụ lao động không thể thiếu trong ngành xây dựng nhưng lại bị coi là nguyên nhân của 24% các ca tử vong do ngã trong xây dựng; Safety AI không chỉ tìm ra vị trí của thang và người đang leo, nó còn đặt ra hàng loạt câu hỏi phức tạp: Người leo thang có giữ ba điểm tiếp xúc không?
Hoặc họ có đứng trên bậc cao nhất không? Thang có được đặt ở góc an toàn không? Từ đó, hệ thống đưa ra đánh giá toàn diện về mức độ an toàn của hoạt động đang diễn ra.
Công nghệ cũ vẫn có chỗ đứng?
Trong khi Safety AI đại diện cho làn sóng AI thế hệ mới, nhiều công ty khác trong ngành xây dựng vẫn tin tưởng vào các phương pháp truyền thống.
Izhak Paz, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Safeguard AI có trụ sở tại Jerusalem cho rằng: “Thị giác máy tính cũ” vẫn đáng tin cậy hơn vì nó kết hợp giữa khả năng của máy móc và sự can thiệp của con người khi xử lý các trường hợp bất thường.

AI có thể cảnh báo những nguy hiểm trên công trường, đảm bảo an toàn cho các công nhân (Ảnh: Dreamstime).
Hệ thống của Safeguard AI hoạt động bằng cách truy cập vào các camera kết nối Internet tại công trường, thực hiện đánh giá rủi ro theo thời gian thực và gửi cảnh báo trực tiếp đến Điện thoại của quản lý công trường.
Buildots, một công ty khác từ Tel Aviv, tập trung vào việc tạo báo cáo tiến độ trực quan hàng tuần cho công trường. CEO Roy Danon của Buildots lại nhấn mạnh: “Hệ thống của chúng tôi cần đạt độ chính xác 99% – chúng tôi không thể có bất kỳ ảo giác nào”.
Công ty này đã triển khai công nghệ cho hơn 300 dự án với khoảng 50 nhà thầu lớn có doanh thu trên 250 triệu USD.
Thách thức và hạn chế của AI trong an toàn xây dựng
Mặc dù đầy hứa hẹn, AI trong giám sát an toàn xây dựng vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Giáo sư Chen Feng, người đứng đầu phòng thí nghiệm AI4CE tại Đại học New York, chỉ ra rằng mặc dù 95% độ chính xác là đáng khích lệ, nhưng 5% còn lại mới là vấn đề quan trọng cần giải quyết.
Một nghiên cứu năm 2024 với tựa đề “Eyes Wide Shut?” do Shengbang Tong và Yann LeCun thực hiện đã phát hiện ra những “thiếu sót có hệ thống” trong các mô hình ngôn ngữ thị giác.
Theo đó, chúng gặp khó khăn trong việc diễn giải cấu trúc 3D từ hình ảnh 2D, thiếu nhận thức tình huống khi suy luận về mối quan hệ không gian và thường thiếu “lẽ thường” khi phân tích các cảnh trực quan.
Ông Lorenzo cũng đã thừa nhận những hạn chế này và cho biết Safety AI cũng sử dụng các phương pháp cũ hơn để tạo mô hình không gian của công trường bao gồm phân đoạn hình ảnh và kỹ thuật đo ảnh (photogrammetry) – một phương pháp đã được thiết lập để tạo mô hình 3D từ hình ảnh 2D.
Con người là yếu tố không thể thay thế
Aaron Tan, một nhà quản lý Dự án bê tông tại khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ) nhìn nhận, các công cụ như Safety AI có thể hữu ích cho các nhà quản lý an toàn lao động đang phải giám sát quá nhiều công trường cùng lúc – đôi khi lên đến 15 địa điểm.
Thay vì phải lái xe nhiều giờ để kiểm tra trực tiếp, họ có thể thường xuyên nhận được cảnh báo qua hộp thư điện tử email về các vi phạm tiềm ẩn.

Tuy nhiên, ông Tan cũng lưu ý về mối lo ngại của người lao động rằng những công cụ này có thể trở thành “phần mềm giám sát” được sử dụng để “bắt lỗi” họ.
“Ở công ty cũ của tôi, khi chúng tôi lắp đặt camera an ninh, anh em không thích điều đó. Họ nói: Ôi, Big Brother (anh trai cả) đấy. Các anh luôn theo dõi tôi – tôi không còn có chút riêng tư nào”, Tan bày tỏ.
Ryan Calo, chuyên gia về Luật Robot và AI tại Đại học Washington, tuy ủng hộ ý tưởng sử dụng AI cho an toàn xây dựng, nhưng vẫn lo ngại rằng các nhà thầu có thể bị cám dỗ để tự động hóa hoàn toàn, loại bỏ con người khỏi quy trình giám sát an toàn.
“Tôi nghĩ AI và các thiết bị bay không người lái (drone) dùng để phát hiện các vấn đề an toàn có thể gây chết người là cực kỳ thông minh, miễn là nó được xác minh bởi con người”, Calo chia sẻ quan điểm.
AI và tương lai của an toàn trong ngành xây dựng
Sự xuất hiện của AI trong giám sát an toàn xây dựng mở ra một kỷ nguyên mới, nơi công nghệ có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sinh mạng người lao động.
Tuy nhiên, cũng như với bất kỳ công nghệ đột phá nào, việc triển khai AI để nâng cao an toàn lao động trong ngành xây dựng cũng cần được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Đối với Việt Nam, nơi ngành xây dựng đang phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn công trình lớn nhỏ mọc lên khắp nơi, việc áp dụng AI trong giám sát an toàn lao động có thể mang lại những lợi ích to lớn.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi không chỉ những khoản đầu tư về công nghệ mà còn cần phải thay đổi tư duy về an toàn lao động – từ việc coi đó là gánh nặng chi phí sang xem đó là khoản đầu tư cần thiết cho sự phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp xây dựng cần sớm nhận thức rằng AI không phải để thay thế con người mà là để hỗ trợ họ làm việc hiệu quả và an toàn hơn (Ảnh: BigRentz).
Các doanh nghiệp xây dựng cần sớm nhận thức rằng AI không phải để thay thế con người mà là để hỗ trợ họ làm việc hiệu quả và an toàn hơn.
Các nhà quản lý về an toàn lao động vẫn cần có mặt để đánh giá, ra quyết định và xử lý các tình huống phức tạp mà AI chưa thể nhận diện. Đồng thời, người lao động cần được đào tạo để làm quen với việc sẽ phải làm việc cùng các hệ thống giám sát thông minh, hiểu rằng đây là công cụ bảo vệ họ chứ không phải để “bắt lỗi” như nhiều người vẫn nghĩ.
Quan trọng hơn, việc triển khai AI cần đi kèm với việc nâng cao nhận thức về an toàn lao động trong toàn ngành xây dựng.
Công nghệ chỉ có thể phát huy tác dụng tối đa khi được kết hợp với thói quen đề cao an toàn lao động ở mọi nơi và với mọi người.
AI có thể là một phần của giải pháp, nhưng cuối cùng, sự cam kết của con người với con người mới là yếu tố quyết định.
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fcong-nghe%2Fai-giam-sat-an-toan-xay-dung-lan-song-cong-nghe-cuu-song-hang-nghin-nguoi-20250713220542792.htm