24.8 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 4 29, 2025

AI không thay thế được nhưng báo chí phải biết ‘sống chung’ với công nghệ này

Must read

Trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các ngành nghề, trong đó báo chí không phải là ngoại lệ. Công nghệ và AI ngày càng dần lấn át các phương thức truyền thống, khiến cho chức năng của báo chí trong việc thu thập và đưa thông tin ban đầu dần chuyển sang các tác vụ chuyên sâu hơn. Một số ý kiến cho rằng nếu nhà báo chỉ đơn thuần đảm nhiệm vai trò “đưa tin” thì họ có nguy cơ bị “thay thế” bởi các hệ thống tự động dựa trên AI.

Theo TS. Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC): “Bối cảnh hiện nay đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho người làm báo. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc lấy tin, chép lại thông tin, thì rõ ràng ở thời đại này, nơi mà AI có khả năng can thiệp sâu, công việc đó có thể sẽ không còn cần thiết. Thay vì lo sợ bị thay thế, nhà báo cần chủ động tự thay đổi, đào tạo bản thân để làm chủ công nghệ, qua đó khai thác tối đa những giá trị độc đáo của nghề báo”.

bao chi AI 1TS. Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Một trong những vấn đề then chốt được các chuyên gia tranh luận không ngừng là: liệu AI có thực sự thay thế được nhà báo hay không? TS. Phan Văn Kiền cho rằng: “AI chỉ có thể thay thế một phần công việc như những nhiệm vụ thu thập số liệu, biên tập cơ bản, hay xử lý thông tin ban đầu nhưng việc cảm nhận, thấu hiểu và truyền tải cảm xúc qua bài viết vẫn là thế mạnh duy nhất của con người. Chúng ta không thể so sánh một con người có tâm với một cỗ máy chỉ biết theo lập trình. Bản chất của công việc làm báo luôn vận động và thay đổi. Nhà báo hiện nay đã khác hoàn toàn so với người làm báo của thời kỳ trước. Nếu cứ theo mô thức cũ, ai làm nghề theo cách cũ sẽ không thể tồn tại được, tự đào thải chính mình, chứ không phải là AI đào thải.”

Qua đó, các nhà báo tập trung vào việc khai thác khả năng phân tích, đánh giá và cảm nhận để sáng tạo ra những bài báo có chiều sâu và giá trị nhân văn.

Cùng với sự phát triển của AI, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung đang trở thành một mối bận tâm lớn của các tòa soạn và doanh nghiệp truyền thông. Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện IPS chia sẻ: “Nếu nội dung báo chí mà chúng ta sản xuất không được bảo vệ chặt chẽ, các công ty công nghệ có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng thông tin đó để tạo ra sản phẩm của riêng họ mà không cần trả công cho người tạo ra thông tin.”

Theo đó, trong mô hình kinh doanh báo chí hiện nay, các chiến lược như áp dụng Paywall để bảo vệ nội dung chất lượng càng trở nên cần thiết. Nếu không có sự bảo vệ hợp lý, giá trị kinh tế của sản phẩm báo chí sẽ bị giảm sút, dẫn đến khủng hoảng về tập giả – một vấn đề được coi là cốt lõi đối với ngành báo chí hiện nay. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các tổ chức truyền thông cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc ứng dụng công nghệ và bảo tồn giá trị cốt lõi của thông tin.

Ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ thêm, trong thời đại AI hỗ trợ, việc hiểu rõ độc giả và tạo ra các nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn của họ càng trở nên cần thiết. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch từ một mô hình báo chí truyền thống sang một mô hình dựa trên dữ liệu và phân tích độc giả. Nếu chỉ có khoảng 30% phóng viên sử dụng các công cụ phân tích như Google Analytics để hiểu rõ độc giả của mình thì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tập giả – một vấn đề then chốt của ngành báo chí hiện nay.

Một khía cạnh đáng chú ý khác là việc các tòa soạn đang phải đối mặt với sự biến đổi liên tục của mô hình kinh doanh. Trong thời đại mà sản phẩm báo chí “nhanh – ngắn – số lượng lớn” được AI hỗ trợ tạo ra, thì làm sao để duy trì được chiều sâu và giá trị của thông tin lại trở thành một thách thức thực sự. Các chuyên gia đồng ý rằng, dù AI có thể tăng tốc quá trình sản xuất và xử lý tin tức, thì “bài báo chậm” – những tác phẩm có chiều sâu, được trau chuốt cẩn thận vẫn sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng độc giả trung thành.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khác được đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số chính là cách thức duy trì sự cân bằng giữa tính khách quan và cảm xúc trong bài báo. GS. TS Nguyễn Đức An – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Sức khỏe và Truyền thông Dữ liệu, Giảng viên Trường Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh nhấn mạnh: “Khách quan và cảm xúc là hai khía cạnh song song nhưng không nên mâu thuẫn. Khách quan là phương pháp – đảm bảo rằng thông tin được kiểm chứng và truyền tải một cách trung thực, trong khi cảm xúc là yếu tố giúp tạo ra sự kết nối, sự đồng cảm với người đọc.”

Theo GS. TS Nguyễn Đức An, nhà báo không nên cởi mở cảm xúc một cách bừa bãi trong bài báo, nhưng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn yếu tố tình cảm – thứ tạo nên sức sống cho tác phẩm. “Nếu chỉ tập trung vào khách quan mà quên mất việc thể hiện cảm xúc, bài báo sẽ trở nên khô khan, thiếu sức hút. Ngược lại, nếu để cảm xúc chi phối quá mức mà không có cơ sở kiểm chứng, thông tin sẽ bị thiên vị.” Qua đó, ông kêu gọi các nhà báo cần phải xây dựng quy tắc làm việc, để đảm bảo rằng bài báo vừa có độ chính xác, vừa mang đậm dấu ấn nhân văn.

bao chi 3Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Do đó, thay vì lo sợ AI sẽ “thay thế” con người, các chuyên gia khuyến khích hướng tới việc “sống chung” cùng công nghệ này. TS. Phan Văn Kiền nhấn mạnh: “Thay vì đấu tranh với AI, chúng ta hãy tìm cách sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao giá trị thông tin, cải tiến quá trình làm báo và phát huy những phẩm chất độc đáo của con người mà máy móc không thể sánh kịp.”

Điều này đòi hỏi các tòa soạn và doanh nghiệp truyền thông phải chủ động thay đổi mô hình hoạt động, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao. Trên thực tế, nếu biết khai thác hiệu quả các ứng dụng của AI trong sản xuất tin tức, quá trình xử lý và phân tích thông tin sẽ trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó giúp nhà báo tập trung hơn vào những nhiệm vụ mang tính sáng tạo và phát triển chiều sâu cho bài viết.

Từ những chia sẻ của các chuyên gia, có thể thấy rằng ngành báo chí Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Các vấn đề từ việc tích hợp AI vào quá trình sản xuất, đảm bảo sự cân bằng giữa thông tin khách quan và cảm xúc, đến việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, đều đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của nghề báo.

Trong kỷ nguyên số và sự bùng nổ của AI, báo chí Việt Nam không đang đứng trước nguy cơ “bị thay thế” mà đang được khuyến khích “sống chung” với công nghệ. Việc tích hợp công nghệ AI không nhằm mục đích cắt giảm bớt vai trò của nhà báo, mà để tái cấu trúc, nâng cao giá trị của mỗi sản phẩm báo chí. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự khác biệt chính giữa con người và máy móc nằm ở khả năng cảm nhận, đồng cảm và sáng tạo – những giá trị không thể sao chép được.

Để vượt qua những thách thức này, ngành báo chí cần tiếp tục đổi mới trong cả quy trình sản xuất nội dung lẫn đào tạo nguồn nhân lực. Các tòa soạn, doanh nghiệp truyền thông và các trung tâm đào tạo cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo rằng, dù công nghệ có thay đổi đến đâu, yếu tố “con người” cái tâm, cái cảm vẫn luôn là động lực dẫn dắt nghề báo phát triển bền vững trong thời đại số.

Duy Trinh



https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fbao-chi-trong-ky-nguyen-ai—thach-thuc-cua-su-chuyen-doi-va-co-hoi-vuot-qua-d232174.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article