Khoa học và công nghệ: “Gió đông” thực thi ESG
Khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam năm nay có các thành viên đã đồng hành cùng Ban tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất và thêm một số thành viên mới (Ảnh: Thành Đông).
Đây là quan điểm chung của nhiều chuyên gia trong phiên họp Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững”. Phiên họp được diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại báo Dân trí vào chiều 24/7.
Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí, Nghị quyết 57 đã xác định rõ khoa học công nghệ sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí (Ảnh: Thành Đông).
“Chúng ta hướng tới một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính bền vững.
Điều đó đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa các yếu tố của ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp). Khoa học công nghệ chính là công cụ, là “lực đẩy” giúp hiện thực hóa các yếu tố này một cách hiệu quả và bền vững”, Tổng Biên tập báo Dân trí nhấn mạnh.
Theo TS Lê Thái Hà – Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh, thực tế tại các doanh nghiệp, với mỗi trụ cột của ESG đều có vai trò rất lớn của công nghệ.
TS Hà dẫn chứng với môi trường (E), nhiều đơn vị đã sử dụng IoT, big data trong giám sát khí thải.

TS Lê Thái Hà – Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture, Quỹ Vì tương lai xanh (Ảnh: Thành Đông).
Với trụ cột xã hội (S) nổi bật với AI, IoT để đo lường các chỉ số xã hội như: sự hài lòng của nhân viên, phát hiện hành vi quấy rối qua email hoặc nền tảng chat nội bộ.
Trong trụ cột quản trị (G) có thể kể đến việc ứng dụng blockchain để truy xuất chuỗi cung ứng.
Ông Bùi Minh Tiến, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam nhận định, để xây dựng báo cáo ESG, doanh nghiệp cần nguồn dữ liệu rất lớn và có tính kế thừa qua từng năm. Do đó, công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực này.

Ông Bùi Minh Tiến, Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (Ảnh: Thành Đông).
Ông Tiến dẫn chứng thực tế, một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam đã xây dựng báo cáo ESG đạt chuẩn và được kiểm toán độc lập. Trong đó, công nghệ đã hỗ trợ rất hiệu quả.
Nêu bật vai trò của AI trong quản trị ESG, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phân tích: “ESG có rất nhiều tham số, dữ liệu. Do đó, AI sẽ có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này”.
Từ thực tế này, các thành viên trong Hội đồng cấp cao đánh giá Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 chọn chủ đề Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững là rất phù hợp và đúng thời điểm.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Ảnh: Thành Đông).
Hỗ trợ các doanh nghiệp biết tới, tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, công cụ AI trong phát triển bền vững, được hội đồng nhấn mạnh cần là một trong các mục tiêu hướng tới tại các chương trình tọa đàm.
“Có rất nhiều ứng dụng AI hỗ trợ tốt cho phát triển bền vững. Chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp biết tới các công cụ này để giám sát môi trường, giám sát xã hội và quản trị bền vững”, PGS Thọ phân tích.
Ông cũng đề xuất trong chương trình tọa đàm cần mời các doanh nghiệp kiểm toán hoặc công nghệ để chia sẻ về tích hợp AI để doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng báo cáo ESG một cách dễ dàng.
“Chúng ta phải làm sao để ESG không trở thành gánh nặng mà là công cụ hỗ trợ”, PGS Thọ nói.
Không nắm rõ AI, doanh nghiệp dễ rơi vào “bẫy công nghệ”

Không nắm rõ AI, doanh nghiệp dễ rơi vào “bẫy công nghệ” (Ảnh: Getty).
Cùng với “đòn bẩy” cho phát triển bền vững, các thành viên trong Hội đồng cấp cao nhấn mạnh một vấn đề cần được truyền tải và làm rõ trong Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 là những rủi ro khi doanh nghiệp ứng dụng AI vào thực hiện ESG. Qua đó, giúp doanh nghiệp có hướng đi đúng.
Theo TS Lê Thái Hà, một chủ đề đáng quan tâm là rào cản pháp lý trong ứng dụng AI vào ESG, khi nhiều doanh nghiệp hiện gặp khó khăn về đạo đức, quyền sở hữu trí tuệ và dễ rơi vào bẫy công nghệ khi sử dụng AI thực thi ESG.

ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT MK Group (Ảnh: Thành Đông).
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT MK Group nhận định, AI là một công cụ cực kỳ mạnh nhưng cũng rất dễ gây tranh cãi, tiềm ẩn rủi ro.
“Các vấn đề đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI trong ESG cần được phân tích kỹ lưỡng. Nếu không cẩn trọng, doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Đây là chủ đề mới, cần được làm rõ tại diễn đàn”, ông Khang đề xuất.
“Diễn đàn ESG Việt Nam 2025: Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững” đặt mục tiêu tập trung vào một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới là khoa học và công nghệ. Hướng đi này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực phát triển.
Diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, và nhà hoạch định chính sách, chủ đề của diễn đàn năm nay tập trung vào việc khai thác sức mạnh công nghệ để giải quyết các thách thức lớn.
Điểm nhấn của sự kiện tiếp tục là Vietnam ESG Awards 2025, vinh danh và ghi nhận dấu ấn của những doanh nghiệp có thành tựu xuất sắc trong việc thực thi ESG, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để hướng tới phát triển bền vững.
Với thành công của Vietnam ESG Awards 2024, Vietnam ESG Awards 2025 sẽ không chỉ là bước ghi nhận những nỗ lực mà còn góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh dài hạn.
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fkhoa-hoc%2Fai-la-gio-dong-nhung-doanh-nghiep-de-sap-bay-cong-nghe-neu-khong-nam-chac-20250724181939324.htm