28.2 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025

AI tạo cơ hội mới: 5 nghề “hái ra tiền”, mở lối thoát cho làn sóng mất việc

Must read

Bùng nổ việc làm AI: không cần bằng cấp, chỉ cần kỹ năng thực chiến

Sự bùng nổ đột ngột của AI tạo sinh không chỉ thúc đẩy tuyển dụng trong các ông lớn công nghệ như Meta, Netflix hay Amazon với những vị trí được trả lương cực cao cho những chuyên gia hàng đầu, mà còn kích thích làn sóng đầu tư vào nhân lực AI ở nhiều ngành nghề tưởng chừng không liên quan.

Bà Julia Pollak, Kinh tế trưởng của ZipRecruiter, chia sẻ rằng các ngành phi công nghệ như bán lẻ, tài chính, chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang ráo riết tìm kiếm nhân tài AI.

AI đang được ứng dụng để cải thiện trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa trong bán lẻ, phát hiện gian lận và đánh giá rủi ro trong tài chính, hỗ trợ chẩn đoán và tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe hay cá nhân hóa lộ trình học tập cho học sinh trong giáo dục.

Điều này mở ra cánh cửa cho nhiều người không có nền tảng công nghệ truyền thống nhưng lại có kiến thức chuyên môn sâu về các ngành này, kết hợp với kỹ năng AI cơ bản hoặc trung cấp.

AI tạo cơ hội mới: 5 nghề hái ra tiền, mở lối thoát cho làn sóng mất việc - 1

Bên cạnh nguy cơ mất việc, AI tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới với mức lương hàng tỷ đồng mỗi năm, nhiều vị trí còn không yêu cầu bằng đại học (Minh họa: GTIM).

AI tạo sinh cũng đặt ra những thách thức mới về đạo đức, an toàn và chất lượng nội dung. Điều này dẫn đến sự ra đời của nhiều công việc mới, không quá tập trung vào khía cạnh kỹ thuật sâu mà thiên về quản lý nội dung và tuân thủ.

Một điểm đáng chú ý trong thị trường việc làm AI hiện tại là sự dịch chuyển từ việc quá chú trọng bằng cấp sang đề cao kỹ năng thực tế. Mặc dù một số vị trí như kỹ sư AI vẫn thường yêu cầu bằng cử nhân, nhưng ngày càng nhiều công ty sẵn sàng tuyển dụng dựa trên khả năng kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc cụ thể.

Theo ZipRecruiter, các kỹ năng phổ biến nhất được liệt kê trong yêu cầu công việc AI bao gồm: lập trình (programming), phát triển phần mềm (software development), và viết lách (writing) – đặc biệt quan trọng cho huấn luyện viên AI và những người làm việc với mô hình ngôn ngữ lớn.

Ông Ryan Sutton, giám đốc điều hành mảng công nghệ tại công ty tuyển dụng Robert Half, nhận định: “Tuyển dụng dựa trên kỹ năng là một xu hướng có sức bền trong thị trường việc làm AI”.

Ông giải thích thêm: “Đặc biệt trong một lĩnh vực phát triển nhanh như AI, có rất nhiều nhà đổi mới rời bỏ đại học sớm hoặc quyết định không học đại học để làm việc tại các startup hoặc dấn thân toàn thời gian vào lĩnh vực này. Các công ty muốn đảm bảo họ đang tuyển dụng những chuyên gia công nghệ giỏi nhất và rằng các vị trí của họ mở cửa cho những người đó”.

Quan điểm trên mở ra một con đường đầy triển vọng cho những người đam mê AI nhưng không theo đuổi con đường học thuật truyền thống. Việc tự học thông qua các khóa học trực tuyến, tham gia các dự án mã nguồn mở, xây dựng portfolio cá nhân có thể là yếu tố quyết định để “chen chân” vào thị trường đầy tiềm năng này.

Những “ngôi sao sáng giá” trong thị trường việc làm AI

Bức tranh việc làm đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của AI tạo sinh và các công nghệ tự động hóa. Trong bối cảnh đó, ZipRecruiter và Indeed đã phân tích hàng nghìn tin tuyển dụng để xác định 5 công việc AI có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất – những nghề không chỉ “khát” nhân sự mà còn hứa hẹn mức lương hấp dẫn và cơ hội làm việc linh hoạt từ xa.

Kỹ sư AI (AI Engineer) – Người kiến tạo hệ thống

Kỹ sư AI là những người đứng sau việc thiết kế các hệ thống, mô hình và thuật toán AI. Công việc này đòi hỏi kiến thức vững chắc về lập trình, thành thạo các framework AI như TensorFlow, PyTorch, và khả năng chuyển hóa ý tưởng trừu tượng thành sản phẩm thực tế.

Mức lương trung bình: 106.386 USD/năm (khoảng 2,6 tỷ đồng).

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng AI, từ tự động hóa quy trình nội bộ đến phát triển sản phẩm mới, kỹ sư AI đang trở thành một trong những vị trí “nóng” nhất thị trường.

Tư vấn AI (AI Consultant) – Người định hướng chiến lược

Không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tận dụng sức mạnh AI. Tư vấn AI đóng vai trò như “người dẫn đường”, đánh giá tiềm năng ứng dụng, xây dựng chiến lược và lựa chọn công nghệ phù hợp với từng mô hình kinh doanh.

Mức lương trung bình: 113.566 USD/năm (khoảng 2,8 tỷ đồng).

Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc sở hữu chiến lược AI đúng đắn có thể quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp. Vì thế, nhu cầu tìm kiếm tư vấn AI đang tăng mạnh trong nhiều ngành.

Nhà nghiên cứu AI (AI Researcher) – Người khám phá giới hạn mới

Nhà nghiên cứu AI không đơn thuần chỉ áp dụng công nghệ sẵn có, họ sáng tạo ra các thuật toán và mô hình tiên tiến, đẩy lùi giới hạn hiện tại.

Mức lương trung bình: 113.102 USD/năm (khoảng 2,8 tỷ đồng).

Đây là công việc lý tưởng cho những ai đam mê giải những bài toán khó và mong muốn ghi dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ tiên phong. Tuy nhiên, vị trí này thường yêu cầu trình độ tiến sĩ hoặc ít nhất là kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu.

Huấn luyện viên AI (AI Trainer) – Người dạy AI “suy nghĩ”

AI Trainer đóng vai trò huấn luyện mô hình, giúp chúng nhận diện, phân tích và xử lý thông tin chính xác hơn. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khả năng viết lách tốt và hiểu cách vận hành của các hệ thống AI.

Mức lương trung bình: 64.984 USD/năm (khoảng 1,6 tỷ đồng).

Điểm đặc biệt hấp dẫn là huấn luyện viên AI không nhất thiết phải có nền tảng kỹ thuật sâu, chỉ cần có kỹ năng giao tiếp, phân tích và tư duy hệ thống vững vàng.

Quản lý sản phẩm AI (AI Product Manager) – Người biến công nghệ thành giá trị

AI Product Manager giữ vai trò chiến lược, định hướng phát triển sản phẩm AI, làm việc chặt chẽ với các kỹ sư, nhà thiết kế và bộ phận kinh doanh để đưa sản phẩm từ ý tưởng ra thị trường.

Mức lương trung bình: 103.178 USD/năm (khoảng 2,5 tỷ đồng).

Trong bối cảnh AI đang được tích hợp vào mọi sản phẩm, từ phần mềm tới thiết bị gia dụng, vai trò này càng trở nên quan trọng.

Khi AI lan rộng, nỗi lo mất việc là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng mặt khác, những ai biết chuẩn bị kỹ năng và chủ động thích nghi sẽ tìm thấy vô số cơ hội mới.

Đầu tư vào việc học lập trình, phân tích dữ liệu, hiểu cơ chế vận hành của AI, kết hợp với phát triển tư duy phản biện và sáng tạo sẽ là “vũ khí” giúp bạn không chỉ tồn tại, mà còn tỏa sáng trong kỷ nguyên AI.

Thời điểm để chuẩn bị chính là bây giờ.

Những kỹ năng cần học để bắt kịp kỷ nguyên AI

Lập trình cơ bản: Python, SQL – ngôn ngữ “xương sống” của các hệ thống AI.

Phân tích dữ liệu: Biết sử dụng Excel nâng cao, Power BI hoặc các công cụ trực quan hóa dữ liệu.

Sử dụng AI tạo sinh: Thành thạo ChatGPT, Midjourney, Copilot… để làm việc nhanh hơn, sáng tạo hơn.

Kỹ năng viết và giao tiếp: Quan trọng cho vai trò huấn luyện AI và kiểm duyệt nội dung.

Tư duy phản biện: Biết đánh giá, kiểm chứng và đặt câu hỏi về kết quả AI đưa ra.

Hiểu luật và đạo đức AI: Nắm được những nguyên tắc cơ bản về quyền riêng tư, bản quyền và các quy định mới liên quan đến AI.

Làm việc từ xa: Biết cách quản lý công việc, giao tiếp nhóm hiệu quả trong môi trường làm việc số hóa.

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fkinh-doanh%2Fai-tao-co-hoi-moi-5-nghe-hai-ra-tien-mo-loi-thoat-cho-lan-song-mat-viec-20250428125018537.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article