Từ thụ động tiếp nhận đến chủ động định hình tương lai số
Báo cáo Đánh giá Khu vực năm 2024 của Viện AI châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra rằng, việc áp dụng AI tại Thái Bình Dương đang gặp phải nhiều rào cản đáng kể; các quốc đảo Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ trở thành những người tiêu dùng thụ động của các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI) do bên ngoài phát triển – những giải pháp có thể không phù hợp với nhu cầu và điều kiện đặc thù của khu vực.
Các chuyên gia nhận định, hạ tầng kỹ thuật số yếu kém là một thách thức lớn đối với phần lớn các quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, nhiều nước vẫn chưa thể xây dựng được chiến lược AI toàn diện hay các khuôn khổ pháp lý cần thiết. Trong bối cảnh này, việc hình thành các cấu trúc quản trị thống nhất trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhằm bảo đảm quá trình triển khai AI diễn ra một cách liền mạch và hiệu quả. Như kinh nghiệm của ASEAN cho thấy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung có thể giúp giảm thiểu rào cản trong ứng dụng AI, đồng thời tạo điều kiện cho từng quốc gia điều chỉnh giải pháp sao cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Một vấn đề khác là mức độ nhận thức của công chúng về tiềm năng cũng như rủi ro của AI vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều sáng kiến liên quan đến AI đang bị lu mờ bởi các dự án quy mô lớn hơn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực kỹ thuật số. Để tránh tình trạng người dân địa phương bị tụt hậu hay thậm chí bị tước quyền tiếp cận với những tiến bộ công nghệ mới, các quốc đảo Thái Bình Dương cần đầu tư mạnh hơn vào giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết kỹ thuật số – yếu tố then chốt giúp xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ và hiểu rõ tác động xã hội của AI.
Giới quan sát nhận định, việc thúc đẩy giáo dục về AI cho người dân không chỉ giúp họ chủ động trong việc định hình tương lai công nghệ của khu vực, mà còn tạo điều kiện để AI trở thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu mang tính địa phương. AI có thể thúc đẩy việc thu thập và phân tích dữ liệu trong nhiều lĩnh vực như khoa học khí hậu, y tế công cộng, ngôn ngữ học hay văn hóa, từ đó mở ra những cơ hội mới trong nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, phối hợp khu vực là một thách thức lớn khác. Sự phân tán về mặt địa lý và tính đa dạng về đặc điểm xã hội – văn hóa giữa các đảo quốc khiến cho việc áp dụng một mô hình AI chung cho toàn khu vực trở nên khó khăn.
Hiện nay, các hoạt động hợp tác khu vực phần lớn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, sự liên kết và định hướng chung. Do đó, cần thiết phải xây dựng các thể chế khu vực mạnh mẽ hơn, có năng lực tập trung vào các công nghệ kỹ thuật số mới nổi, để hỗ trợ các quốc đảo phát triển khuôn khổ AI riêng phù hợp với điều kiện trong nước. Nếu một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật được đặt ngay trong khu vực, chuyên về phát triển AI cho các quốc đảo, sẽ là nền tảng quan trọng để cung cấp chuyên môn, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế nhằm xây dựng và triển khai các chiến lược AI phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Để bảo đảm AI mang lại lợi ích một cách toàn diện, các chiến lược quốc gia và khu vực cần được xây dựng trên cơ sở lấy cộng đồng làm trung tâm. Các giải pháp công nghệ phải gắn liền với giá trị văn hóa, phản ánh tiếng nói và nhu cầu của người dân bản địa. AI có thể góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Thái Bình Dương, bằng cách hỗ trợ ghi chép, phục hồi và phổ biến các ngôn ngữ, tập quán truyền thống đang có nguy cơ bị mai một.
Các công nghệ như nhận dạng giọng nói, dịch máy và ứng dụng học ngôn ngữ có thể trở thành công cụ hữu hiệu để bảo tồn những ngôn ngữ đang dần biến mất, đồng thời hỗ trợ số hóa hiện vật, lịch sử truyền khẩu và các câu chuyện dân gian, góp phần duy trì bản sắc văn hóa độc đáo của khu vực trong kỷ nguyên số.
Fiji – hình mẫu phát triển AI trong khu vực
Nhận thức rõ tiềm năng chuyển đổi sâu rộng của AI, Fiji đang nổi lên như quốc gia đi đầu trong khu vực Thái Bình Dương về phát triển và ứng dụng công nghệ này. Thủ đô Suva đã đưa AI trở thành một trong những trụ cột trong Kế hoạch Phát triển Quốc gia giai đoạn 2024 – 2029, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới, tăng cường nghiên cứu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cả khu vực công và tư nhân.
Một bước đi nổi bật là việc thành lập Trung tâm AI Quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Sự hỗ trợ quốc tế dành cho chiến lược AI của Fiji cũng ngày càng gia tăng. Điển hình là Trung tâm xây dựng AI của KPMG tại Suva – nơi đang đào tạo các chuyên gia địa phương và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ AI phục vụ các lĩnh vực thiết yếu như y tế và tài chính, đồng thời tạo thêm 40 việc làm mới, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của chính phủ.
Không chỉ các công ty phương Tây, Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng tại Fiji. Thành phố Quảng Châu đã tài trợ một phòng thí nghiệm AI cho Trường Trung học Yat Sen, cung cấp cho học sinh cơ hội tiếp cận thực tế với máy học, robot và các công nghệ tiên tiến, chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số. Fiji cũng đang hợp tác với Quỹ Phát triển Vốn của Liên Hợp Quốc (UNCDF) và công ty AI Tractable của Anh để triển khai một ứng dụng hỗ trợ AI nhằm cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai. Ứng dụng này giúp đẩy nhanh tiến trình xác minh yêu cầu bồi thường bảo hiểm sau thiên tai, từ đó giúp người dân phục hồi sinh kế một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn sau các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mặc dù các quan hệ đối tác quốc tế đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ, Fiji vẫn cần củng cố năng lực bên trong, từ đội ngũ chuyên môn đến hạ tầng kỹ thuật số địa phương, để bảo đảm quyền tự chủ, tính bền vững và sự tương thích lâu dài của các giải pháp AI với điều kiện và nhu cầu địa phương.
AI đang dần đặt nền móng tại khu vực Thái Bình Dương, song chính các quốc đảo nơi đây phải là lực lượng chủ động định hình tương lai kỹ thuật số của mình. Mặc dù Fiji đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng việc xây dựng một hệ sinh thái AI toàn diện trên quy mô khu vực vẫn là một thách thức lớn. Các quốc đảo Thái Bình Dương cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh giáo dục và thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phát triển chuyên môn nội địa và giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống ngoại nhập. Bằng cách cân bằng giữa hợp tác toàn cầu và năng lực lãnh đạo khu vực, AI mới có thể được triển khai một cách phù hợp, phục vụ cho lợi ích thiết thực của người dân Thái Bình Dương, trên cơ sở những ưu tiên và giá trị riêng của từng quốc gia.
https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fai-va-co-hoi-cho-cac-quoc-dao-thai-binh-duong-10380245.html