27.2 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 7 12, 2025

AI và cuộc cách mạng của sự tin cậy – Công nghệ đang chuyển đổi kết nối con người như thế nào – Biên Khảo

Must read

Ai onlineAi online

Các hệ thống AI hiện có thể lý luận tinh vi, hoạt động như tác nhân, làm nhiệm vụ phức tạp tự động. Ảnh: Istockphoto.

  

Khi các chuyên gia quan ngại về mối quan hệ của giới trẻ với thông tin trực tuyến, họ thường cho rằng giới trẻ tuổi không hiểu biết về phương tiện truyền thông như những người lớn tuổi hơn. Nhưng công trình nghiên cứu dân tộc học do Jigsaw – cơ sở công nghệ của Google – thực hiện lại tiết lộ một thực tế phức tạp và tinh tế hơn: Thế hệ Z, thường được hiểu là những người sinh sau năm 1997 và trước năm 2012, đã phát triển các chiến lược khác biệt rõ rệt để đánh giá thông tin trực tuyến, những chiến lược sẽ khiến bất kỳ ai trên 30 tuổi trở nên bối rối. Họ không tiếp thu thông tin như những người lớn tuổi hơn bằng cách đầu tiên đọc tiêu đề và sau đó là nội dung. Họ cũng đọc tiêu đề trước, nhưng sau đó họ chuyển sang các bình luận trực tuyến liên quan đến bài viết và chỉ sau đó mới đi sâu vào nội dung của bản tin. Xu hướng kỳ lạ đó rất đáng chú ý. Giới trẻ không tin rằng một câu chuyện đăng trên mạng là đáng tin cậy chỉ vì một chuyên gia, một biên tập viên hoặc một nhân vật có thẩm quyền khác công nhận và thực chứng nó; họ thích tham khảo ý kiến của đám đông người đọc để đánh giá mức độ tin cậy trong bản tin. Giới trẻ không còn tin tưởng vào các cơ cấu thể chế và nhân vật có thẩm quyền nữa, kỷ nguyên của mạng xã hội cho phép họ đặt niềm tin vào đám đông ẩn danh.

 

Một nghiên cứu của nhóm Jigsaw tiếp theo sau đó vào mùa hè 2023, sau khi phát hành chương trình Trí tuệ nhân tạo ChatGPT, đã tìm hiểu giới trẻ Thế hệ Z ở Ấn Độ và Hoa Kỳ sử dụng chatbot AI như thế nào. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi tham khảo chatbot để được tư vấn y tế, tư vấn mối quan hệ và mưu mẹo mua bán chứng khoán, vì họ nghĩ rằng AI dễ truy cập, sẽ không phán xét họ, phản hồi trung thực nhu cầu cá nhân của họ – và , trong nhiều khía cạnh, cố vấn của AI tốt hơn con người. Trong một nghiên cứu khác, công ty tư vấn Oliver Wyman đã trưng ra một mô hình tương tự: có tới 39 phần trăm Thế hệ Z trên toàn thế giới muốn có một đồng nghiệp hoặc giám đốc là AI thay vì một người bằng xương bằng thịt; đối với những công nhân viên Thế hệ Z tại Hoa Kỳ thì con số đó là 36 phần trăm. Một phần tư tổng số nhân viên tại Hoa Kỳ cũng cảm thấy như vậy, cho thấy những thái độ này không chỉ dành riêng cho giới trẻ.

 

Những phát hiện như vậy thách thức các quan niệm thông thường về tầm quan trọng và tính thiêng liêng của tương tác giữa các cá nhân. Nhiều nhà quan sát lớn tuổi than thở về sự gia tăng của chatbot, xem công nghệ mới mẻ này là có sai lầm khi làm con người trở nên nguyên tử hóa và khiến họ xa lánh khỏi xã hội lớn hơn, nó làm tăng khoảng cách ngày càng tăng giữa các cá nhân và mất đi sự tôn trọng đối với giới có thẩm quyền. Nhưng nhìn theo cách khác, hành vi và sở thích của Thế hệ Z cũng chỉ ra một điều khác: sự tái cấu trúc lòng tin cậy và kèm theo đó là một số hạt giống hy vọng.

 

Các nhà phân tích đang suy nghĩ sai lạc về lòng tin. Quan điểm phổ biến cho rằng lòng tin vào các thể chế xã hội đang sụp đổ ở các nước phương Tây ngày nay, bởi vì chỉ có hai phần trăm người Mỹ nói rằng họ tin tưởng Quốc hội, chẳng hạn, so với 77 phần trăm sáu thập kỷ trước; mặc dù 55 phần trăm người Mỹ tin tưởng phương tiện truyền thông vào năm 1999, nhưng ngày nay chỉ còn 32 phần trăm. Thật vậy, đầu năm nay, nhà thăm dò ý kiến Kristen Soltis Anderson đã kết luận rằng “điều đoàn kết chúng ta [người Mỹ], ngày càng tăng, là những gì chúng ta không tin tưởng”.

Nhưng dữ liệu như vậy chỉ nói lên một nửa câu chuyện. Bức tranh có vẻ ảm đạm nếu nhìn qua lăng kính của cuộc thăm dò truyền thống thế kỷ XX, hỏi mọi người cảm thấy thế nào về các thể chế và nhân vật có thẩm quyền. Nhưng hãy nhìn qua lăng kính nhân học hoặc dân tộc học – theo dõi những gì người ta làm thay vì những gì họ trả lời người thăm dò – và một bức tranh rất khác hiện ra. Niềm tin không nhất thiết phải biến mất trong thế giới hiện đại, mà nó đang xê dịch sang chỗ khác. Với mỗi cải tiến trong công nghệ mới, mọi người đang quay lưng lại với các cơ cấu thẩm quyền truyền thống và hướng tới đám đông, thế giới vô định hình nhưng rất thực của con người và thông tin chỉ cách đó vài cái chạm ngón tay.

 

Sự chuyển đổi này đặt ra những mối nguy cơ mà không ai nên coi nhẹ. Rủi ro phụ thuộc quá mức và bóp méo thực tế từ những người đồng hành trên không gian AI đã rõ ràng: các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chúng nhiều có liên quan đến việc giảm thiểu hạnh phúc và sự phụ thuộc về mặt cảm xúc ở những người bị cô lập về mặt xã hội. Nhưng sự chuyển đổi cũng có thể mang lại lợi ích. Mặc dù những người không quen thuộc với công nghệ kỹ thuật số có thể xem việc tin tưởng vào “bot” là chuốc lấy sự rủi ro, nhưng thực tế nhiều người thuộc Thế hệ Z hình như nghĩ rằng việc tin tưởng vào những người có thẩm quyền cũng rủi ro (nếu không muốn nói là rủi ro hơn). Nếu các công cụ AI được thiết kế cẩn thận, chúng có khả năng giúp ích chứ không gây hại cho mối tương tác giữa các cá nhân: chúng có thể đóng vai trò là người trung gian, giúp các nhóm phân cực giao tiếp tốt hơn với nhau; chúng có khả năng chống lại các thuyết âm mưu hiệu quả hơn những người có thẩm quyền là con người; chúng cũng có thể cung cấp cảm giác về tác nhân cho những người nghi ngờ các chuyên gia con người. Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, công dân và các công ty công nghệ là nhận ra bản chất của sự tin cậy đang phát triển như thế nào và sau đó thiết kế các công cụ và chính sách AI để ứng phó với sự chuyển đổi này. Các thế hệ trẻ hơn sẽ không hành động như những người lớn tuổi và thật không khôn ngoan khi bỏ qua sự thay đổi to lớn mà chúng đang đem lại.

 

NIỀM TIN RƠI RỤNG

 

Niềm tin là nhu cầu cơ bản của con người: nó gắn kết mọi người và các nhóm lại với nhau và là nền tảng cho nền dân chủ, thị trường và hầu hết các khía cạnh của đời sống xã hội ngày nay. Niềm tin thể hiện dưới nhiều hình thức. Loại niềm tin đầu tiên và đơn giản nhất là giữa các cá nhân, kiến thức trực tiếp thường gắn kết các nhóm nhỏ lại với nhau thông qua các liên kết cá nhân trực tiếp. Hãy gọi đây là “niềm tin giao tiếp bằng mắt”. Nó được tìm thấy trong hầu hết các bối cảnh phi công nghiệp hóa (loại thường được các nhà nhân chủng học nghiên cứu) và cũng có trong thế giới công nghiệp hóa (giữa các nhóm bạn bè, đồng nghiệp, bạn học và thành viên gia đình).

 

Tuy nhiên, khi các nhóm phát triển rộng lớn hơn, các tương tác trực tiếp trở nên không đủ. Như Robin Dunbar, một nhà sinh học tiến hóa, đã lưu ý, số lượng nhân vật mà một bộ não con người có thể thực sự ghi nhớ và nhận biết là có hạn, ông ước tính con số đó vào khoảng 150. “Niềm tin theo chiều dọc từ trên xuống dưới” là phát kiến lớn trong vài thiên niên kỷ qua, qua đó nó cho phép các xã hội lớn hoạt động thông qua các thể chế như chính phủ, thị trường tư bản, học viện và tổ chức tôn giáo. Các hệ thống dựa trên quy tắc, tập thể, thực thi chuẩn mực, phân bổ nguồn lực này định hình cách thức và nơi chốn mọi người hướng niềm tin của mình đến.

 

Quá trình số hóa xã hội trong hai thập kỷ qua đã tạo ra sự chuyển đổi hệ hình mới vượt ra ngoài “giao tiếp bằng mắt” và sự “tin tưởng theo chiều dọc từ trên xuống dưới”, và hướng đến cái mà nhà khoa học xã hội Rachel Botsman gọi là “sự tin tưởng phân tán”, hoặc có thể xem đó như tương tác ngang hàng trong một quy mô lớn. Bởi vì Internet cho phép tương tác giữa các nhóm mà không cần “giao tiếp bằng mắt”. Lần đầu tiên, những người hoàn toàn xa lạ có thể phối hợp với nhau để đi du lịch thông qua một ứng dụng như Airbnb, giao dịch mua bán qua eBay, giải trí cho nhau bằng cách chơi trò chơi điện tử nhiều người chơi như Fortnite và thậm chí tìm thấy tình yêu thông qua các trang web như Match.com.

 

Với một số người, những kết nối này có vẻ không đáng tin cậy, vì dễ tạo ra những “con người” kỹ thuật số giả mạo và không có một cơ quan nào có thẩm quyền áp đặt và thực thi các quy tắc trực tuyến. Nhưng nhiều người vẫn hành động như thể họ tin tưởng đám đông, một phần là do các cơ chế đã xuất hiện để củng cố lòng tin, chẳng hạn như hồ sơ truyền thông xã hội, sự “kết bạn”, các công cụ khẳng định đám đông và những phê phán có thể hạn chế được những quá lố bất cập. Hãy xem ứng dụng Uber. Hai thập kỷ trước, không thể tưởng tượng được là có một dịch vụ taxi để những người lạ chui vào xe riêng của nhau; chẳng ai tin người lạ theo cách đó. Nhưng ngày nay, hàng triệu người làm như vậy, không chỉ vì mọi người tin tưởng Uber, như một cơ chế, mà còn vì hệ thống xếp hạng hàng ngang – giám sát của đám đông – trấn an cả hành khách lẫn tài xế. Theo thời gian và với động lực của công nghệ mới, các mô hình của sự tin tưởng và tin cậy có thể thay đổi.

 

KHÔNG PHÁN XÉT

 

AI mang đến một bước ngoặt mới, một bước ngoặt có thể được hiểu là một hình thức tin tưởng mới lạ. Công nghệ này từ lâu đã được cài đặt một cách lặng lẽ vào cuộc sống hằng ngày, trong các công cụ như kiểm tra lỗi chính tả và bộ lọc thư rác. Nhưng sự xuất hiện gần đây của AI tạo dựng (generative AI) đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt. Các hệ thống AI hiện nay thể hiện khả năng lý luận tinh vi và có thể hoạt động như các tác nhân, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp một cách tự động. Điều này nghe có vẻ đáng sợ đối với một số người; thực tế, một cuộc thăm dò ý kiến từ cơ quan Pew cho thấy chỉ có 24 phần trăm người Mỹ nghĩ rằng AI sẽ có lợi cho họ và 43 phần trăm cho là nó chỉ “gây hại” mà thôi.

 

Nhưng thái độ của người Mỹ đối với AI không được chia sẻ rộng rãi. Một cuộc thăm dò của cơ quan Ipsos năm 2024 cho thấy mặc dù khoảng hai phần ba người lớn ở Úc, Canada, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đồng ý rằng AI “khiến họ lo lắng”, chỉ có 29 phần trăm người lớn ở Nhật Bản chia sẻ quan điểm đó; ở Indonesia, Ba Lan và Hàn Quốc con số này là 40 phần trăm. Có khoảng một phần ba người dân ở Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đồng ý rằng họ hào hứng với AI, nhưng gần một nửa số dân ở Nhật Bản và ba phần tư ở Hàn Quốc, Indonesia đã có thái độ như vậy.

 

Trong khi đó, mặc dù người dân ở Châu Âu và Bắc Mỹ nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ e ngại AI, nhưng họ liên tục sử dụng nó cho các nhiệm vụ phức tạp trong cuộc sống, chẳng hạn như chỉ đường bằng bản đồ, xác định các mặt hàng khi mua sắm và chỉnh sửa chữ nghĩa cho tinh xác trong các văn kiện. Sự tiện lợi là một lý do: tìm được một bác sĩ bằng xương bằng thịt chữa bệnh cho mình có thể mất nhiều thời gian, nhưng các “bot” AI thì luôn có sẵn. Tùy chỉnh theo yêu cầu cá nhân là một lý do khác. Ở các thế hệ trước, người tiêu dùng có xu hướng chấp nhận các dịch vụ “one size fits all/ một kích thước phù hợp với tất cả”. Nhưng trong thế kỷ 21, sự số hóa đã cho phép mọi người đưa ra nhiều lựa chọn cá nhân hơn trong thế giới người tiêu dùng, cho dù là âm nhạc, phương tiện truyền thông hay thực phẩm. Các “bot” AI phản hồi và do đó khuyến khích sự tùy chỉnh ngày càng tăng này.

 

Một yếu tố khác, không mấy hiển nhiên, là quyền riêng tư và tính trung lập. Trong những năm gần đây, có mối lo ngại rộng rãi ở phương Tây rằng các công cụ AI sẽ “đánh cắp” dữ liệu cá nhân hoặc hoạt động thiên vị. Điều này đôi khi có thể được biện minh. Tuy nhiên, nghiên cứu dân tộc học cho thấy rằng một nhóm người tiêu dùng ưa thích các công cụ AI vì chúng có vẻ “trung lập” hơn, ít kiểm soát hơn và ít xâm phạm hơn là con người. Một trong những người thuộc Thế hệ Z được Jigsaw phỏng vấn đã giải thích sở thích của cô khi nói chuyện với AI một cách thẳng thắn: “Chatbot không thể ‘cancel’ tôi!”

 

Một nghiên cứu gần đây khác về những người tin vào thuyết âm mưu cho thấy họ sẵn sàng thảo luận về niềm tin của mình với “bot” hơn là với các thành viên gia đình hoặc những người có thẩm quyền truyền thống, ngay cả khi “bot” thách thức ý tưởng của họ, điều này cho thấy tương tác giữa người và máy có thể vượt qua giao tiếp bằng mắt và cơ chế tin cậy theo chiều dọc. Như một người đã nói với các nhà thăm dò: “Đây là lần đầu tiên tôi nhận được phản hồi thực sự, hợp lý và có ý nghĩa”. Đối với những người cảm thấy bị thiệt thòi, bất lực hoặc bị cắt đứt khỏi giới tinh hoa – giống như phần lớn Thế hệ Z – “bot” có vẻ ít phán xét hơn con người và do đó trao cho người tiêu dùng nhiều quyền tự quyết hơn. Có lẽ khá kỳ quặc, điều đó lại khiến họ dễ tin tưởng và tin cậy hơn.

 

TỪ HAL ĐẾN HABERMAS

 

Mô hình này có thể chuyển đổi một lần nữa, nếu xét đến tốc độ thay đổi công nghệ và sự trỗi dậy của “trí thông minh tác nhân”, đó là các công cụ AI tinh vi và có khả năng tự suy luận hơn trong tương lai. Các tập đoàn công nghệ AI chính, bao gồm Anthropic, Google và OpenAI, đều đang ráo riết xúc tiến để chế tác một nền tảng mà họ gọi là “universal assistant/ trợ lý phổ quát” mới có khả năng nhìn, nghe, trò chuyện, phân tích, lý luận, ghi nhớ và thực hiện hành động trên nhiều thiết bị khác nhau. Điều này có nghĩa là các công cụ AI sẽ có thể đưa ra các quyết định phức tạp mà không cần sự giám sát trực tiếp của con người, điều này sẽ cho phép chúng tăng cường hỗ trợ khách hàng (với các chatbot có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng) và thảo chương (với các tác nhân có thể trợ giúp kỹ sư thực hiện các nhiệm vụ chế tác nhu liệu).

Các thế hệ công cụ AI mới cũng đang có được khả năng thuyết phục mạnh mẽ hơn và trong một số bối cảnh, chúng có tính năng thuyết phục như con người. Điều này dẫn đến những nguy cơ hiển nhiên nếu những công cụ này được tạo ra và sử dụng với chủ đích thao túng con người – hoặc nếu chúng chỉ đơn giản bị trục trặc hoặc mù mờ trong quyết định. Không ai nên coi nhẹ những rủi ro đó. Tuy nhiên, thiết kế chu đáo có khả năng giảm thiểu điều này: ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Google đã chỉ ra rằng có thể chế tác các công cụ và lời nhắc để đào tạo AI nhận biết  và tránh loại ngôn ngữ thao túng. Và giống như các ứng dụng và công cụ kỹ thuật số hiện có, AI cho phép người tiêu dùng thực hiện quyền kiểm soát của mình. Hãy xem xét công nghệ đeo tay, chẳng hạn như Fitbit hoặc Apple Watch, có thể theo dõi các dấu hiệu sinh học quan trọng, phát hiện các mô hình đáng lo ngại, đề xuất các thay đổi về hành vi và thậm chí cảnh báo dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu cần. Trong tất cả các trường hợp này, chính người tiêu dùng, chứ không phải “bot”, là phần tử quyết định có phản hồi các lời nhắc như vậy hay không và dữ liệu nào sẽ được sử dụng trong các chương trình AI; Fitbit của bạn không thể buộc bạn phải chạy bộ. Tương tự như vậy, với các “bot” lập kế hoạch tài chính hoặc các “bot” dùng để hẹn hò: công nghệ không hoạt động như một nhà độc tài mà giống như thành viên của một nhóm bạn trực tuyến, đưa ra những lời khuyên có thể bị từ chối hoặc chấp nhận.

 

Việc có một công cụ AI hoạt động theo cách này rõ ràng có thể giúp con người sắp xếp cuộc sống cho hiệu quả và tốt đẹp hơn. Nhưng điều ít hiển nhiên hơn là những công cụ này cũng có khả năng cải thiện tương tác hàng ngang trong và giữa các nhóm. Một khi niềm tin vào những người có thẩm quyền đã phai nhạt và mọi người cố gắng tùy chỉnh các nguồn thông tin và “đám đông” trực tuyến theo sở thích cá nhân, các xã hội trở nên phân cực hơn, bị mắc kẹt trong các phòng phản âm không tương tác, không thông hiểu nhau. Những người có thẩm quyền không dễ gì khắc phục được điều đó, vì sự ngờ vực lan rộng. Nhưng cũng giống như các công cụ AI dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ nọ, chúng cũng bắt đầu có tiềm năng “dịch” giữa các “ngôn ngữ xã hội”: nghĩa là giữa các thế giới quan. Một “bot” có thể rà quét các cuộc trò chuyện trực tuyến giữa các nhóm khác nhau và tìm ra các mô hình và điểm chung để chuyển thành lời nhắc có khả năng cho phép một “đám đông” người “nghe” và thậm chí “hiểu” thế giới quan của nhóm khác. Ví dụ, các nhà nghiên cứu từ Google DeepMind và Đại học Oxford đã chế tác một công cụ AI có tên là “Habermas Machine” (một sự tôn vinh dành cho triết gia người Đức Jürgen Habermas) với mục đích hòa giải các tranh chấp giữa các nhóm có quan điểm chính trị đối lập. Nó tạo ra các tuyên bố phản ánh cả quan điểm của đa số và thiểu số trong một nhóm liên quan đến một vấn đề chính trị và sau đó đề xuất các lĩnh vực có chung quan điểm. Trong các nghiên cứu có sự tham gia của hơn 5.000 người tham gia, các tuyên bố do AI tạo ra được ưa chuộng hơn so với các tuyên bố do người hòa giải tạo ra và việc sử dụng chúng dẫn đến sự đồng thuận lớn hơn về các con đường phía trước đối với các vấn đề gây chia rẽ.

 

Đối với những người cảm thấy bị thiệt thòi, “bot” có vẻ ít phán xét hơn con người.

 

Vậy làm thế nào các xã hội có thể gặt hái được lợi ích từ AI mà không trở thành nạn nhân của những nguy cơ của nó? Đầu tiên, họ cần nhận ra rằng lòng tin là một hiện tượng đa diện đã thay đổi (và sẽ tiếp tục thay đổi) và rằng sự thay đổi công nghệ đang diễn ra trong bối cảnh (và làm trầm trọng thêm) các biến động xã hội. Điều đó có nghĩa là các nhà chế tác AI cần phải tiến hành rất thận trọng và khiêm tốn, cần phải thảo luận nghiêm chỉnh và rốt ráo để giảm thiểu rủi ro của các công cụ mà họ chế tác. Google đã cố gắng thực hiện điều này bằng cách công bố một tập tài liệu kỹ lưỡng dầy 300 trang về các khuyến nghị cho mê cung đạo đức của các trợ lý AI tiên tiến, khám phá cách duy trì các biện pháp bảo vệ và ngăn chặn không cho AI thao túng cảm xúc của người tiêu dùng cũng như ý nghĩa của việc đo lường hạnh phúc của con người. Các công ty khác, chẳng hạn như Anthropic, cũng đang làm như vậy. Nhưng cần có nhiều chú ý hơn nữa từ khu vực tư nhân để giải quyết những điều không chắc chắn này.

 

Người tiêu dùng cũng cần có lựa chọn thực sự giữa các nhà chế tác, để họ có thể chọn nền tảng cung cấp nhiều quyền riêng tư, sự minh bạch và quyền kiểm soát của người tiêu dùng nhất. Chính phủ có thể khuyến khích điều này bằng cách sử dụng chính sách công để thúc đẩy chế tác AI có trách nhiệm, cũng như khoa học mở và phần mềm mở. Phương án này có thể tạo ra một số rủi ro về an toàn. Nhưng nó cũng giúp kiểm tra và cân bằng tốt hơn bằng cách đưa vào sự cạnh tranh giữa các hệ thống khác nhau. Cũng giống như khách hàng có thể “ngắm hàng trước khi mua”, họ có thể chuyển đổi giữa các tác nhân AI để xác định nền tảng nào cung cấp cho họ quyền kiểm soát nhiều nhất.

 

Tăng cường khả năng tác động của con người nên là mục tiêu khi nghĩ về cách mọi người tương tác với các nền tảng AI. Thay vì xem AI như một lãnh chúa rô-bô chuyên chế, các nhà chế tác cần trình bày nó nhiều hơn như một thành viên siêu thông minh của đám đông trực tuyến hiện có của mọi người. Điều đó không có nghĩa là mọi người đặt niềm tin mù quáng vào AI hoặc sử dụng nó để thay thế các tương tác giữa người với người; điều đó sẽ là thảm họa. Nhưng cũng thật ngu ngốc khi từ chối AI chỉ vì nó có vẻ xa lạ. AI, giống như con người, có khả năng làm điều tốt và điều xấu, và hành động theo những cách đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Nếu muốn mở khóa toàn bộ lợi ích của AI, chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà niềm tin vào các nhà lãnh đạo đang sụp đổ, ngay cả khi chúng ta đặt nhiều niềm tin hơn vào trí tuệ của đám đông — và chính chúng ta. Do đó, thách thức lớn chính là sử dụng sự thúc đẩy kỹ thuật số này đối với trí tuệ của đám đông để khiến tất cả chúng ta trở nên khôn ngoan hơn.

 

(Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch)

 

Nguồn: Foreign Affairs

https%3A%2F%2Fwww.vietbao.com%2Fa322664%2Fai-va-cuoc-cach-mang-cua-su-tin-cay-cong-nghe-dang-chuyen-doi-ket-noi-con-nguoi-nhu-the-nao

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article