Sáng 09/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin chuyên cho cán bộ chủ chốt về khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Đồng chí Nguyễn Thị Hương – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Việt Oanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tỉnh ủy viên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS;… Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) tại 204 điểm cầu, với hơn 8.125 đại biểu tham dự.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thành Phúc truyền đạt nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Nghị quyết số 57-NQ/TW được coi như một cú hích quan trọng để tạo động lực đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra 5 quan điểm trong thực hiện phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia với những điểm chủ yếu: KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. KHCN, ĐMST và CĐS là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cần có những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và động lực chính. Nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Tạo ra liên kết của bộ 3: Nhà nước – Viện/trường – Doanh nghiệp.
Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Thể chế là điều kiện tiên quyết, đi trước một bước, theo kịp và kiến tạo phát triển, khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm“. Đảm bảo nhân lực trình độ cao, có cơ chế, chính sách đặc biệt cho nhân tài. Phát triển hạ tầng số, công nghệ số (CNS) hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí. Dữ liệu là tư liệu sản xuất chính, phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn, kinh tế dữ liệu. Tập trung vào các công nghệ chiến lược để giải quyết các bài toán chiến lược, tạo ra nền tảng và sự phát triển đột phá cho các ngành khác.
Từng bước làm chủ, cạnh tranh công nghệ về một số lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. Tập trung vào các công nghệ chiến lược. Phát huy tối đa trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản để phục vụ làm chủ các công nghệ chiến lược. Ưu tiên nguồn lực quốc gia để làm chủ công nghệ. Đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Về mục tiêu, Nghị quyết đề ra 2 nhóm mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có một số mục tiêu cốt lõi, cụ thể: Tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử;… Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST đạt 12 người trên một vạn dân. Phủ sóng 5G toàn quốc… Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết đề ra tầm nhìn trong đó xác định KHCN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, CĐS.
Tiếp đó, các đại biểu được nghe thông tin một số vấn đề về CNS, CĐS, Trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp cơ sở, nhất là tác động của CĐS – Chuyển đổi AI.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thanh Bình triển khai Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 23/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, KHCN, ĐMST và CĐS, đưa Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững, dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. KHCN, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS và duy trì thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số ĐMST cấp địa phương (Chỉ số PII). Đến năm 2045, là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Theo đó, về phát triển hạ tầng năm 2025, phấn đấu có tỷ lệ phủ sóng 5G trên địa bàn ≥ 60%. Có ≥ 60% người sử dụng có khả năng truy cập băng rộng cố định với tốc độ trên 01 Gb/s. Tiếp tục thuê dịch vụ giám sát an toàn thông tin, ứng cứu sự cố cho toàn hệ thống.
Về phát triển nguồn lực, gồm 6 chỉ tiêu, trong đó 3 chỉ tiêu chính, đó là: có ≥ 1, 0% tổng chi ngân sách địa phương chi cho KHCN, ĐMST và CĐS đạt 2% GRDP. Có ≥ 80% CBCC cấp xã được bồi dưỡng kỹ năng số căn bản, phấn đấu đạt 100% trong năm nay. 100% CBCC cấp tỉnh được bồi dưỡng kỹ năng số căn bản.
Về phát triển KHCN, gồm có 11 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu chính là: Có ≥ 30 DN KHCN trên địa bàn. Có ≥ 4 tổ chức KHCN công lập trực thuộc tỉnh. Có ≥ 10 công trình KHCN cấp tỉnh được nghiệm thu. Có ≥ 19 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh triển khai. Có ≥ 15 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích).
Về phát triển hệ sinh thái ĐMST, gồm 10 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có 4 chỉ tiêu chính: Có ≥ 50 DN ĐMST. Có ≥ 15% DN có hoạt động đổi mới quy trình, mô hình kinh doanh. Mỗi năm có ≥ 5 sáng chế, giải pháp hữu ích có địa chỉ tại tỉnh. Mỗi năm có ≥ 30 sáng kiến trong khu vực công được công nhận.
Về phát triển CĐS, gồm 15 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có 6 chỉ tiêu chính, đó là: Chỉ số CĐS cấp tỉnh ≥ 0,7. Có ≥ 70% thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết phi địa giới hành chính giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền. Có 100% TTHC liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh phải được thực hiện trực tuyến. Có ≥ 90% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Có 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện. Quy mô kinh tế số đạt > 30% GRDP.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch số 187-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ) trong khu vực công thành thạo kỹ năng số, sử dụng hiệu quả các nền tảng số để nâng cao chất lượng công việc. 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức số, biết sáng tạo, học tập và đảm bảo an toàn trong môi trường số. 100% người dân trưởng thành nắm vững kiến thức cơ bản về CĐS, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh và tham gia an toàn trên không gian mạng. Tối thiểu 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành đạt chuẩn kỹ năng số, được công nhận qua nền tảng VNeID. 100% người lao động trong các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ số để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Để đạt được những mục tiêu này, phong trào sẽ được triển khai với tinh thần “Đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”, theo phương châm “Kết nối thông minh – Hành động nhanh chóng – Lan tỏa mạnh mẽ”, với nhiều giải pháp như: Tổ chức các lớp học kỹ năng số tại mọi thôn, bản, tổ dân phố, từ việc sử dụng Điện thoại thông minh, truy cập internet đến các kỹ năng chuyên sâu như lập trình, thương mại điện tử, phù hợp với mọi lứa tuổi và trình độ. Đầu tư hạ tầng số hiện đại, đảm bảo internet tốc độ cao phủ sóng 100% địa bàn tỉnh; hỗ trợ thiết bị số cho các hộ gia đình khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển các nền tảng học tập trực tuyến như thư viện số, khóa học mở, tích hợp với VNeID để theo dõi và cấp chứng nhận kỹ năng số. Đẩy mạnh truyền thông qua mọi kênh, từ đài phát thanh, truyền hình đến mạng xã hội, để khơi dậy nhận thức về tầm quan trọng của CĐS trong mỗi người dân. Kêu gọi sự chung tay của DN, tổ chức xã hội, đặc biệt là các công ty công nghệ, để hỗ trợ tài chính, thiết bị và đào tạo kỹ năng số.
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, CCVC, NLĐ và Nhân dân trong tỉnh biến phong trào “Bình dân học vụ số” thành ngọn lửa hành động, thành khát vọng chinh phục tri thức và làm chủ tương lai. Đồng chí nhấn mạnh mỗi người, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân đều là một chiến sĩ trên mặt trận số hóa. Hãy để việc học số trở thành niềm vui, thói quen và động lực để mỗi ngày tiến gần hơn đến một Bắc Giang hiện đại, thịnh vượng. Tinh thần của chúng ta là “Chuyển đổi số là cơ hội của tất cả, không ai đứng ngoài, không ai bị bỏ lại!”
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đồng chí tin tưởng phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ trở thành dấu ấn lịch sử, đánh thức tiềm năng, khơi nguồn sáng tạo, đưa Bắc Giang vươn xa trên bản đồ số hóa toàn cầu./.
Dương Thuỷ
https%3A%2F%2Fatgt.bacgiang.gov.vn%2Fchi-tiet-tin-tuc%2F-%2Fasset_publisher%2F9DJTiagaQTlH%2Fcontent%2Fbac-giang-thong-tin-chuyen-e-cho-can-bo-chu-chot-6-thang-au-nam-2025-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-oi-moi-sang-tao-va-chuyen-oi-so-tren-ia-ban-tinh%2F20181