Thursday, 07:32 17/07/2025
Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Trí tuệ nhân tạo với mục tiêu đưa đất nước trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu. Trong hơn một thập kỷ qua, quốc gia này đã thực hiện một chiến lược phát triển bài bản, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như xe điện, năng lượng mặt trời và hiện nay là trí tuệ nhân tạo.
Cách tiếp cận này đã từng giúp quốc gia tỷ dân trở thành nhà sản xuất một phần ba hàng hóa công nghiệp toàn cầu và hiện đang được áp dụng để mở rộng năng lực trong lĩnh vực AI.
Thay vì để các doanh nghiệp tự xoay sở, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực và hỗ trợ tài chính. Các trung tâm dữ liệu, máy chủ dung lượng cao và mạng lưới phòng thí nghiệm được triển khai trên khắp cả nước. Nhiều cơ sở trong số này được phát triển cùng với các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Huawei và ByteDance.
Chính phủ vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 8,5 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp AI vào tháng 4.

Một robot hình người tạo dáng tại triển lãm thường trực ở Trung tâm triển lãm Zhongguancun, Bắc Kinh vào tháng 3/2025. Ảnh: Xinhua
Để thu hút nhân tài và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, chính quyền địa phương tại các TP như Hàng Châu đã thành lập những khu công nghệ như Dream Town. Nơi đây hiện là trung tâm của hàng loạt công ty AI non trẻ, bao gồm cả Deep Principle, một doanh nghiệp phát triển ứng dụng AI trong lĩnh vực hóa học.
Người sáng lập công ty cho biết chỉ cần được hỗ trợ 10% đến 15% chi phí nghiên cứu cũng đã là một lợi thế lớn. Deep Principle từng nhận khoản trợ cấp 2,5 triệu USD từ một quận ở Hàng Châu, cùng với sự hỗ trợ về văn phòng và nhà ở cho nhân viên.
Về tài nguyên dữ liệu, các công ty công nghệ Trung Quốc có trong tay kho dữ liệu hành vi người dùng khổng lồ nhờ vào nền tảng internet nội địa phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng phát triển các kho dữ liệu đã được kiểm duyệt để phục vụ huấn luyện AI, trong đó nổi bật là các bộ dữ liệu lấy từ truyền thông nhà nước. Việc kiểm soát nguồn dữ liệu đầu vào vừa giúp đảm bảo tính nhất quán, vừa tuân thủ các quy định kiểm soát thông tin.
Khi bị cắt quyền truy cập vào một số nền tảng AI tiên tiến từ nước ngoài vào giữa năm 2023, các công ty Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang khai thác mô hình mã nguồn mở. Từ chỗ phụ thuộc, họ đã nhanh chóng vươn lên xây dựng các hệ thống cạnh tranh toàn cầu chỉ trong vòng một năm.
DeepSeek, ra mắt vào tháng 7 năm ngoái, đã giới thiệu chatbot DeepSeek-R1 vào tháng 1/2025. Mô hình này được huấn luyện với chi phí khoảng 6 triệu USD nhưng có hiệu năng gần tương đương các hệ thống tiên tiến nhất thế giới. Được phát hành theo giấy phép MIT, DeepSeek-R1 hiện là một trong những ứng dụng AI phổ biến nhất trên App Store tại Mỹ.
Đọc thêm: Các ngân hàng trung ương chạy đua gom vàng nội địa giữa bão kinh tế
Không chỉ DeepSeek, các tập đoàn lớn như Alibaba, ByteDance, Huawei và Baidu cũng đẩy mạnh mã nguồn mở. Alibaba đã phát hành hơn 100 mô hình AI mã nguồn mở, với hơn 40 triệu lượt tải. Phiên bản Qwen-2.5-Max mới nhất của họ được đánh giá là vượt trội so với GPT-4o trong một số bài kiểm tra chuyên biệt. Huawei phát hành hệ thống PanGu 5.0 với các mô hình lên đến 1.000 tỷ tham số. Baidu, trước đây từng tập trung vào AI thương mại khép kín, cũng đã công bố mã nguồn mở cho nhiều hệ thống của mình.
Trong khi đó, ByteDance đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD vào trung tâm dữ liệu và hạ tầng AI trong năm 2024. Họ cũng công khai cách xây dựng mô hình AI để cộng đồng kỹ thuật có thể tiếp cận và mở rộng. Gần đây, Moonshot AI, một công ty khác của Trung Quốc, phát hành hệ thống Kimi K2, được đánh giá là vượt DeepSeek-V3 trong các tác vụ lập trình.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh sản xuất phần cứng AI trong nước nhằm giảm phụ thuộc. Huawei và SMIC hiện đang hợp tác phát triển chip AI thay thế sản phẩm của các nhà cung cấp nước ngoài.
Mặc dù chưa thể đạt hiệu suất cao nhất, những con chip do Huawei thiết kế và SMIC sản xuất đủ sức đảm nhiệm các tác vụ AI cơ bản. Doanh thu của SMIC đạt 8 tỷ USD trong năm 2024, trong khi Huawei chi khoảng 25 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu phát triển chip. Gần đây, Huawei công bố chip PanGu-910C, dự kiến được sản xuất hàng loạt từ tháng 5/2025.
https%3A%2F%2Fkinhtedothi.vn%2Fben-trong-chien-luoc-giup-trung-quoc-but-pha-ve-ai.773158.html