Xoay quanh chủ đề internet công nghiệp và mối liên hệ giữa việc chuyển đổi hoàn toàn internet sang Ipv6 với việc phát triển internet công nghiệp, ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) nhấn mạnh: “Chuyển đổi IPv6 là xu thế tất yếu, vì IPv6 tạo ra một không gian địa chỉ gần như không giới hạn và tạo ra cơ hội để vạn vật kết nối với nhau”.
Theo phân tích của ông Thắng, khi chúng ta chuyển sang môi trường internet vạn vật, các vật đều có địa chỉ, định danh trên không gian mạng kết nối với nhau end – to – end, an toàn và độ trễ thấp. Đấy là những yếu tố cơ bản để tạo ra một nền internet công nghiệp.

Chuyển đổi sang IPv6 không chỉ là bước chuyển đổi mạng internet hiện tại sang một thế hệ địa chỉ, giao thức internet mới mà còn tạo ra hạ tầng số mới, không gian số mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn theo định hướng của Nghị quyết 57, phát triển hạ tầng số hiện đại, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
Theo ông Thắng, trong giai đoạn 2026 – 2030, Việt Nam sẽ tập trung tăng tốc thúc đẩy chuyển đổi IPv6 với mục tiêu là chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 only và tiến tới loại bỏ IPv6 trên mạng internet theo xu thế chung.
“Chúng tôi đang xây dựng các chương trình dự thảo lộ trình chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam, chia sẻ, lấy ý kiến các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức và trong thời gian tới cũng sẽ sớm đề xuất với lãnh đạo Bộ KH-CN ban hành công bố lộ trình này để chúng ta có một lộ trình quốc gia chung”, Giám đốc VNNIC chia sẻ.
Có thể thấy điều này giúp các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức, các chuyên gia, nhà cung cấp dịch vụ có một hướng đi, tầm nhìn thống nhất với nhau, chung sức xây dựng mạng internet Việt Nam.
Theo tìm hiểu, VNNIC có phương châm hành động “Internet For All” với các mục tiêu và chương trình triển khai cụ thể. Theo đó, ông Thắng cho biết để xây dựng nguồn lực người dùng internet, các chuyên gia trong lĩnh vực internet cùng nhau thảo luận nguyên tắc hoạt động internet, giá trị cho công việc và cuộc sống mà internet đem lại; đồng thời xác định cơ hội mới cho thời gian tới.
Hằng năm, VNNIC đều có các hoạt động về hội nghị, hội thảo để gắn kết cộng đồng chia sẻ kiến thức, định hướng những thông tin, công nghệ dịch vụ mới nhất về internet.
Điển hình như Hội thảo VNIX-NOG đã được tổ chức thường niên 10 năm nay, là hội thảo quốc tế chuyên về kết nối internet, peering internet và kết nối trạm trung chuyển internet quốc gia – VNIX, quy tụ được nhiều chuyên gia internet trong nước và khu vực cũng như quốc tế đến tham dự để chia sẻ.

Đến năm 2022, VNNIC tổ chức chương trình chuỗi sự kiện mới về internet quy mô lớn hơn là VNNIC Internet Conference với những phạm vi trao đổi rộng hơn. Không chỉ là kết nối internet, mà tất cả các lĩnh vực về công nghệ dịch vụ, giao thức, xu thế, quản trị internet, mang tới thật nhiều tri thức cho cộng đồng internet Việt Nam.
Tất cả điều này nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng nắm bắt thật nhanh các công nghệ mới, xây dựng mạng internet Việt Nam an toàn, bền vững, thông minh.
Tại hội nghị VNNIC Internet Conference 2025 với chủ đề “Kỷ nguyên bứt phá với internet công nghiệp”, ông Nguyễn Trường Giang – Phó giám đốc VNNIC cũng cho rằng IPv6 only chính là giải pháp cho internet công nghiệp Việt Nam.
Theo VNNIC, IPv6, IPv6 only ứng dụng cho internet công nghiệp và internet vạn vật là bước đi đầu tiên mở ra bước phát triển đột phá cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Việt Nam đã đi trước về triển khai IPv6 và hiện đang tiếp tục đón đầu xu thế công nghệ, thúc đẩy triển khai IPv6 only cho giai đoạn 2026 – 2030.
Về lộ trình IPv6 only, Phó giám đốc VNNIC cho biết từ 2025 – 2030, VNNIC sẽ thí điểm nhân rộng và tăng tốc chuyển đổi IPv6 only. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 – 2032 chuyển đổi toàn diện sang IPv6 only, từng bước không sử dụng IPv4.
Theo các chuyên gia, IPv6 only không chỉ là công nghệ, chuyển đổi, mà là đổi mới sáng tạo, tạo giá trị mới, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn và tiết kiệm hơn.
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fviet-nam-tang-toc-chuyen-doi-ipv6-buoc-di-chien-luoc-trong-hanh-trinh-so-hoa-quoc-gia-235380.html