Thời gian qua, trong các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội đều khá giống nhau, đó là đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất hấp dẫn. Cụm từ “đáo hạn ngân hàng” như miếng mồi nhử, đánh vào lòng tham của rất nhiều người.
Điển hình như Lương Thị Hồng Châu (sinh năm: 1983, trú tại: Khu phố 9, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã tạo lòng tin với nhiều người dân có khả năng tài chính tại địa phương bằng cách tự giới thiệu Châu đang làm hồ sơ để đáo hạn ngân hàng (cho các hộ dân, các doanh nghiệp tại địa phương vay để trả nợ ngân hàng khi đã đến hạn nhưng không có tiền trả, sau đó sẽ làm thủ tục vay vốn lại của Ngân hàng, khi Ngân hàng giải ngân thì Châu sẽ nhận và trả tiền lại cho những người cho vay và kèm theo 01 khoản tiền lãi như thỏa thuận) nên 22 người cho vay đã tin tưởng cho Châu vay nhiều lần với tổng số tiền gần 250 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình vay mượn đều nói mục đích là đáo hạn ngân hàng, tuy nhiên số tiền bà Châu vay, mượn thì bà Châu đã sử dụng vào các mục đích như: mua đất, trả tiền gốc, tiền lãi cho những người đã vay …, vì mua đất bị thua lỗ, trả tiền lãi cho nhiều người cao … nên dẫn đến mất khả năng trả nợ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thực hiện lệnh bắt bị can Châu
Tương tự ở một vụ khác, Đồng Thị Kim Chi (SN: 1986, trú tại: thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ UBND xã Hàm Trí. Do là người có học thức, quen biết nhiều người có tiền nên Chi có nhận thêm công việc làm thủ tục vay vốn và “đáo hạn ngân hàng” hoặc “bỏ sổ” cho các hộ dân để kiếm thêm thu nhập. Bằng phương thức trên, Chi mượn tiền của 10 người với lý do là để “đáo hạn ngân hàng” hoặc “bỏ sổ” với tổng số tiền là 6.269.000.000đ, để chứng minh lời nói của mình thì trong một số trường hợp khi mượn tiền Chi có đưa cho những người cho vay xem các sổ vay vốn của các hộ dân để họ tin là thật và cho Chi vay tiền nhưng thực tế Chi sử dụng rất ít tiền vay này (khoảng 500 triệu đồng) để “đáo hạn ngân hàng”, tuy nhiên khi Ngân hàng giải ngân thì Chi đã nhận lại nhưng không trả cho những người Chi vay mà Chi đã sử dụng trả các khoản nợ cá nhân và tiêu xài cá nhân, đây cũng là mục đích Chi đã sử dụng phần lớn số tiền vay được.
Ngoài ra, vì lợi nhuận cho vay đáo hạn quá hấp dẫn nên không ít trường hợp nhân viên ngân hàng cũng tham gia. Là nhân viên giao dịch ngân hàng nên những người này thường có mối quan hệ xã hội rộng, trong đó quản lý được những khách hàng đang có tiền gửi hoặc đang vay tiền tại ngân hàng. Từ đó, họ tìm cách làm quen, tiếp cận với những khách hàng này để đặt vấn đề về việc vay tiền làm dịch vụ đáo hạn cho những khách đến kỳ trả nợ dù biết như vậy là vi phạm quy định của ngân hàng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Đáo hạn ngân hàng là hình thức trả tiền cho khoản vay cũ đã đến hạn phải trả để sau đó vay lại một khoản mới. Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không cho phép người vay tiền vay của ngân hàng để đáo hạn khoản vay hay đảo nợ.
Vì thế, khi kinh doanh thua lỗ hay nguồn thu bị gián đoạn, không ít người phải vay bên ngoài để trả cho ngân hàng. Có nhiều trường hợp chấp nhận vay lãi nặng để trả ngân hàng nhằm tránh bị chuyển sang khoản nợ quá hạn, tránh lịch sử tín dụng xấu. Trong khi đó, nhiều người cho vay đáo hạn vì muốn có lãi suất cao, thu hồi vốn nhanh trong vài ngày nên cho vay mà không có biện pháp bảo đảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thường trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên có rất nhiều nạn nhân vì thời gian diễn ra hành vi gian dối này kéo dài, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tinh vi. Đáng nói là nguồn tiền để bị hại cho vay không phải sẵn có mà phần lớn phải cắm nhà đất hoặc đi vay mượn, huy động từ người thân, bạn bè để cho các đối tượng vay nhằm hưởng chênh lệch. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đối tượng lừa đảo bị bắt giữ, các bị hại ai nấy đều hy vọng sẽ được lấy lại được số tiền đã mất.
Mặc dù các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, bản án tòa tuyên đúng người, đúng tội nhưng cơ hội để bị hại lấy được tài sản đã mất rất khó. Từ thực tế xét xử các vụ án cho thấy, số tiền lừa đảo hầu hết được các bị cáo ném vào nhu cầu tiêu xài cá nhân, cờ bạc hoặc dùng tiền vay của người sau để trả nợ cho người trước. Nhiều nạn nhân khi đến dự phiên tòa xét xử biết được tình cảnh đó như rơi vào bước đường cùng, có người hoặc trút cơn giận dữ vào bị cáo, hoặc khóc ngất giữa tòa vì biết rằng số tiền của mình khó để lấy lại được khi bị cáo cũng rơi vào cảnh “trắng tay”.
Nhằm giúp cho người dân tránh rơi vào bẫy “cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng”, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản…
Đội Tham mưu cảnh sát, Phòng Tham mưu
https%3A%2F%2Fcongan.binhthuan.gov.vn%2Fcanh-bao-chieu-tro-lua-dao-thong-qua-hinh-thuc-dao-han-ngan-hang-voi-lai-suat-cao-tren-dia-ban-tinh-binh-thuan-N3601.aspx