26.7 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 7 13, 2025

Cấp thiết chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào KH-CN

Must read

Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ dần bộc lộ những giới hạn, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình mạnh mẽ.

Tại một diễn đàn vừa diễn ra, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam xác định muốn tăng trưởng nhanh và bền vững thì phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới; thực hiện những cải cách mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao nhất.

Ông Dũng nhấn mạnh cần tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử… cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính… gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.

“Xác định đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến về chất trong giai đoạn phát triển mới”, Phó thủ tướng Dũng nói.

Thực tế ở Việt Nam, vấn đề đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng không mới và nhiều giải pháp đã được triển khai, phần nào mở đường cho những hy vọng trong thời gian tới, tuy nhiên đến nay dù có một số cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng.

dinh-trong-thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và gia công không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

“Để tiến lên nấc thang cao hơn, việc đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng mới (KH-CN, ĐMST, kinh tế số, kinh tế xanh…) rất cần thiết, song song đó là chú trọng thúc đẩy các động lực truyền thống (đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng)”, ông Thịnh nói.

Trước mắt, ông Thịnh khuyến nghị phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực đổi mới trong nền kinh tế số như giao dịch điện tử, tài sản số, dữ liệu hay cơ chế thử nghiệm sáng tạo (sandbox)…

“Chúng ta không còn thời gian để trì hoãn việc số hóa, xanh hóa nền kinh tế, bởi nước không chỉ tới chân, mà đã tới cổ”, ông Thịnh nói.

TS Đặng Thị Thu Hoài (Viện Nghiên cứu chính sách – chiến lược) cho rằng bộ máy tinh gọn cùng việc sát nhập tỉnh, xã sẽ tháo bỏ rào cản về chia cắt nguồn lực, vướng mắc trong thúc đẩy liên kết vùng, giúp phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh.

“Đặc biệt, tư duy mới trong phát triển kinh tế tư nhân sẽ khơi dậy và phát huy được tinh thần kinh doanh năng động, sáng tạo của khu vực này, thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng suất”, bà Hoài nói.

Bà Hoài đề nghị tập trung nâng cao năng suất của khu vực tư nhân, bởi đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn về lao động và đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế.

“Không những có khoảng cách lớn của năng suất lao động khu vực tư nhân với các khu vực khác mà tốc độ tăng năng suất lao động cũng thấp hơn, đặc biệt những năm gần đây”, bà Hoài nêu.

nghien-cuu-khoa-hoc.jpg
Chuyên gia khuyến nghị Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công cho nghiên cứu và phát triển

Theo bà Hoài, cũng cần chú trọng đến việc nâng cao năng suất trong từng ngành cụ thể. Điều này đòi hỏi sự chọn lọc đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng lan tỏa cao như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ số, hay kinh tế xanh.

Một vấn đề cũng khá quan trọng là cải cách hệ thống luật pháp, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, dựa trên ĐMST. Các chuyên gia nhấn mạnh cần hoàn thiện các luật liên quan đến tiếp cận các nguồn lực đầu vào như vốn, đất đai; cơ hội kinh doanh phải minh bạch, dựa trên năng lực ĐMST; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn cấm hàng giả, hàng nhái…

Bà Hoài khuyến nghị cần kiến tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ và ĐMST, tập trung vào ngành trọng điểm và vùng có lợi thế, phát triển nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, dữ liệu và hỗ trợ xây dựng năng lực phân tích và quản trị số…

Không chỉ vậy, Nhà nước cần tăng đầu tư công cho hoạt động R&D, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…; xây dựng các trung tâm ĐMST, vườn ươm công nghệ theo chủ đề đóng vai trò hạt nhân cho hệ sinh thái sáng tạo vùng.

Theo đó, các trung tâm này không chỉ cung cấp không gian nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mà còn đóng vai trò kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ.

Đặc biệt, bà Hoài đề nghị khuyến khích sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, từ đó hình thành các cụm liên kết ngành ĐMST.

“Những cụm này sẽ giúp lan tỏa công nghệ, chia sẻ tri thức và tạo ra các giá trị gia tăng mới, đóng góp vào năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, bà Hoài nêu.

42-45-1.png
Cần liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học

Ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược (IPS) cho rằng mặc dù có động lực để tăng trưởng 2 con số, nhưng để đảm bảo quá trình này diễn ra trong dài hạn chứ không phải là “ngôi sao một mùa”, Nhà nước cần đảm bảo quá trình tăng trưởng đi liền với chuyển đổi mô hình phát triển. Theo đó, tránh việc dựa quá nhiều vào tăng trưởng vốn trong khi các yếu tố khác như năng suất, khả năng ĐMST bị lãng quên.

“Môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cần phải được duy trì trong một thời gian dài, đặc biệt là đảm bảo những điều kiện như điện năng cũng như yếu tố cạnh tranh công bằng giữa các mô hình doanh nghiệp”, ông Đức Anh nói.

Ngoài ra, ông Đức Anh cũng lưu ý đi liền với yếu tố tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải chú ý đến bình đẳng xã hội, đảm bảo vấn đề về môi trường.

“Việt Nam không thể tăng trưởng bằng mọi giá, dựa trên tận dụng tài nguyên và công nghệ lạc hậu, gây ra hệ lụy kinh tế lớn cho những giai đoạn sau”, ông Đức Anh nêu.

https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fcap-thiet-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-dua-vao-kh-cn-doi-moi-sang-tao-234857.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article