Làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI) đang lan rộng tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các start-up trong lĩnh vực AI “vươn mình”, phát triển bứt phá.
![]() |
Với nền tảng tìm kiếm và nghiên cứu tri thức dựa trên AI, start-up AI Hay vừa gọi vốn thành công 10 triệu USD (vòng Series A). |
Bùng nổ start-up AI
Báo cáo Vietnam AI Economy 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Boston Consulting Group (BCG) công bố vào tháng 6/2025 dự báo, đến năm 2040, AI có thể đóng góp tới 120 – 130 tỷ USD vào GDP Việt Nam, tương đương khoảng 25% quy mô nền kinh tế hiện tại.
Quy mô thị trường AI của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 750 triệu USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 15 – 18%, cao hơn mức trung bình toàn cầu (khoảng 12%). Trong đó, lĩnh vực có mức tăng trưởng ứng dụng AI nhanh nhất là tài chính – ngân hàng, tiếp đến là giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử.
Trong làn sóng đó, các start-up về AI của Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn. Theo dữ liệu của PitchBook Data Inc., Việt Nam hiện có 765 start-up trong lĩnh vực AI và học máy (ML), đứng thứ hai về số lượng start-up AI ở Đông Nam Á (sau Singapore). Số start-up này chiếm khoảng 25% tổng số start-up trong các ngành công nghệ tại Việt Nam.
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư vào start-up AI đang khởi sắc. Mới nhất, AI Hay (nền tảng tìm kiếm và nghiên cứu tri thức dựa trên AI) công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series A trị giá 10 triệu USD, nâng tổng vốn huy động lên trên 18 triệu USD.
Trước đó, Filum AI (start-up phát triển các giải pháp AI cho tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và lực lượng lao động ảo) huy động được 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư khu vực; KMS Technology (start-up chuyên về dữ liệu và AI) nhận được khoản đầu tư chiến lược của Quỹ Sunstone Partners (Mỹ)… Xa hơn, 5 start-up, gồm OKXE, MFast, Teky, InfoPlus và JobHopin, nhận được nhiều vốn với quy mô gây quỹ 8 – 15 triệu USD cho mỗi dự án. Đáng chú ý nhất là thương vụ Nvidia mua lại VinBrain.
Các nhà đầu tư Singapore đang dẫn đầu làn sóng đầu tư vào AI tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang quay trở lại thị trường sau một thời gian tạm lắng, cho thấy sự tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của AI Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư trong nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
![]() |
Nguồn: Statista, TechSci, Ken Research, OpenGov Asia. |
Giải “bài toán” gọi vốn
Dòng vốn đầu tư vào start-up AI tại Việt Nam đang khởi sắc, nhưng số start-up AI nhận được vốn đầu tư còn khiêm tốn. Các start-up AI non trẻ gặp nhiều khó khăn khi chưa có nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường, thiếu đầu ra cho sản phẩm, vì tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng giải pháp AI còn thấp… Trong khi đó, họ lại phải cạnh tranh với các đối thủ đã thành danh. Nhiều start-up AI thiếu vốn, nhưng không thể gọi vốn, phần vì khó tiếp cận các quỹ đầu tư, phần vì không được nhà đầu tư “săn đón”.
Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNG Group chia sẻ, một trong những vấn đề lớn của các start-up “đầu tiên là tiền đâu?”. Bởi vậy, thay vì chọn cách làm thông thường là có sản phẩm rồi mới gặp doanh nghiệp để bán hàng, thì làm ngược lại, start-up AI hãy tìm đến doanh nghiệp hỏi họ cần gì và làm theo đơn đặt hàng.
Theo ông Minh, start-up AI có thể làm sản phẩm với giá thấp hơn, nhưng kiến thức, quyền sở hữu trí tuệ có được thông qua quá trình hợp tác với doanh nghiệp sẽ đi theo và thuộc sở hữu của start-up đó. Đây là “món lời” trực tiếp, cụ thể và rõ ràng. Thị trường AI thay đổi rất nhanh, vì vậy, các start-up cần không ngừng nâng cao năng lực.
“Chúng ta có khoảng 100 doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng/năm là sẽ có một thị trường 500 tỷ đồng. Thị trường sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư AI”, ông Minh phân tích.
Với cách làm mà ông Minh chia sẻ, start-up LovinBot đã bán được hơn 10 giải pháp, với giá lên đến 9.000 USD/giải pháp mỗi năm. Theo ông Đặng Hữu Sơn, Nhà sáng lập LovinBot, start-up nên trực tiếp làm chung với doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề thực tế mà họ đang gặp phải. Trước đó, start-up cần tìm hiểu kỹ, doanh nghiệp đang gặp vấn đề gì, cần giải bài toán nào bằng AI…
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Sơn gợi ý, start-up nên dùng các mã nguồn mở để làm sản phẩm khả dụng (Minimum Viable Product – MVP) trong 1 – 3 tháng, thậm chí có thể dùng công cụ “no-code” (không cần lập trình), quan trọng là đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt để có chỉ số, sau đó mới bắt đầu tìm kiếm các nhà đồng sáng lập có chuyên môn.
Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn cho start-up AI “thuần Việt”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc vận hành AI Hay nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong hành trình gọi vốn là tìm những người hiểu được tầm nhìn dài hạn. Họ phải tin rằng, sản phẩm của start-up không phải phiên bản địa phương của sản phẩm nào đó, mà là một hướng đi hoàn toàn khác, phục vụ một tệp khách hàng rất lớn, chính là người Việt.
“Mọi chuyện không dễ, vẫn là bài toán ‘con gà và quả trứng’, phải có người dùng, thì start-up mới hiểu nhu cầu để cải tiến sản phẩm. Nếu không có nhà đầu tư tin vào tầm nhìn đó, sẽ không bao giờ có được những người dùng đầu tiên. Vậy nên, start-up phải rất kiên trì”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông, gọi vốn cũng như bán hàng, start-up phải có chiến lược riêng để thuyết phục. Nói cách khác, trải nghiệm của nhà đầu tư, khách hàng là yếu tố quan trọng nhất cần tối ưu.
“Nhà đầu tư muốn thấy bức tranh lớn: Tầm nhìn của bạn là gì? Lợi thế của bạn ở đâu? Mô hình kinh doanh có khả năng tạo doanh thu hay không, dù hiện tại chưa có doanh thu? Đây mới là những câu hỏi cần được trả lời. Các chi tiết kỹ thuật hãy để dành nói sau”, Giám đốc vận hành AI Hay chia sẻ kinh nghiệm.
Có thể thấy, AI đang trở thành công nghệ giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Trong xu thế đó, start-up AI đứng trước cơ hội rất lớn, song thách thức cũng không nhỏ. Start-up cần có khát vọng lớn, giải quyết những “bài toán” của quốc gia, của thế giới, nhưng cần bắt đầu bằng các “bài toán” của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thị trường AI Việt Nam được dự báo đạt doanh thu 932 triệu USD vào năm 2025 và 3,78 tỷ USD vào năm 2031. CAGR giai đoạn 2025 – 2031 đạt khoảng 26,3%.
Số lượng người dùng công cụ AI ở Việt Nam dự kiến đạt 1,85 triệu người vào năm 2025 và con số này sẽ tăng gấp hơn 3 lần vào năm 2031.
https%3A%2F%2Fbaodautu.vn%2Fco-hoi-vuon-minh-cua-start-up-ai-viet-nam-d340135.html