28.4 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 7 3, 2025

Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chủ động thúc đẩy

Must read

Tóm tắt:
– Khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS) và AI là động lực then chốt giúp Việt Nam nâng cao cạnh tranh và phát triển bền vững trong Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
– Cú huých chính sách: Nghị quyết 57 và 68 của Bộ Chính trị thúc đẩy KHCN, ĐMST, CĐS, tạo môi trường minh bạch, hỗ trợ tài chính và chấp nhận rủi ro công nghệ.
– Vai trò khu vực tư nhân: Nghị quyết 68 xác định doanh nghiệp (DN) tư nhân là lực lượng tiên phong trong ĐMST và làm chủ công nghệ.
– Môi trường kinh doanh: Chính sách cải thiện tương tác Nhà nước – DN, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ toàn diện từ hộ kinh doanh đến DN lớn.
– Chuyển đổi số đòi hỏi tư duy lãnh đạo, khai thác dữ liệu, xây dựng văn hóa số, khuyến khích nhân viên đổi mới và học hỏi.
– Hỗ trợ DN nhỏ, hộ kinh doanh: Nghị quyết 68 cung cấp công cụ số miễn phí, phần mềm kế toán, tư vấn để hỗ trợ CĐS cho 5 triệu hộ kinh doanh.
– Giải pháp CĐS cụ thể: MISA cung cấp phần mềm eShop cho hộ kinh doanh nhỏ, tích hợp bán hàng, thu tiền, khai thuế; giải pháp cao cấp cho DN lớn hơn.
– Xu hướng sản xuất xanh: Ứng dụng công nghệ số tối ưu hóa sản xuất, giảm lãng phí, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn qua ưu đãi thuế và tài chính.
– Chiến lược AI quốc gia: Đến 2030, Việt Nam hướng tới điểm sáng AI khu vực, phổ cập AI toàn dân, toàn diện, ứng dụng trong mọi lĩnh vực.
– Phát triển nhân lực AI: Đưa giáo dục AI vào trường học, đào tạo 1.000 chuyên gia, 50.000 kỹ sư AI trong 5 năm, thu hút nhân tài quốc tế.
– Hỗ trợ tài chính AI: 5% Quỹ KHCN quốc gia, 30% quỹ đầu tư mạo hiểm, 20% Quỹ ĐMST quốc gia dành cho nghiên cứu và ứng dụng AI.
– Kêu gọi hợp tác: Chính phủ khuyến khích DN đầu tư AI, viện nghiên cứu đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế để phát triển hệ sinh thái AI.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và CMCN 4.0, việc ứng dụng KHCN, CĐS và Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành yếu tố then chốt giúp DN, tổ chức tại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tại Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – châu Á (Asia – Vietnam DX Summit) 2025 vừa diễn ra, các chuyên gia lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS đã bàn thảo những nội dung góp phần thúc đẩy các lĩnh vực.

khcn.png

“Cú huých chính sách” thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) – Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, KHCN và CĐS lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia. Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia là một bước khởi đầu quan trọng, hay có thể gọi là “bà đỡ”, cho sự phát triển của DN KHCN và ĐMST. “Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, nơi KHCN trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Từ sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua thời kỳ đổi mới, chúng tôi – những người đi trước – đã lựa chọn con đường phát triển KHCN trong thời đại mới. Đó là một lựa chọn đầy khó khăn nhưng cũng rất quyết đoán”, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết Nghị quyết 57 và tiếp đó là Nghị quyết 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem là “cú huých chính sách” mạnh mẽ, khuyến khích ĐMST và làm chủ công nghệ. Các nghị quyết này không chỉ hỗ trợ về thuế và vốn mà còn tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và thuận lợi. Điều này thúc đẩy các DN, từ startup đến các tập đoàn lớn, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Nghị quyết 68 đã khẳng định khu vực tư nhân là lực lượng tiên phong trong ĐMST và thúc đẩy phát triển.

Đồng thời, một điểm quan trọng khác là cách thức chi ngân sách sẽ thay đổi, không chỉ tập trung thu hút nguồn lực mà còn áp dụng cơ chế thị trường linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong phát triển công nghệ – một cách tiếp cận mới, thúc đẩy các sáng kiến từ startup, DN vừa và nhỏ đến các DN dẫn đầu.

Theo ông Võ Trí Thành, Nghị quyết 68 gồm ba nhóm chính sách cốt lõi: Thứ nhất là tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và thuận lợi nhất; Thứ hai là cải thiện tương tác giữa Nhà nước và DN, hướng đến phục vụ DN, giảm thiểu can thiệp hành chính và chi phí giao dịch; Thứ ba là thiết kế các chính sách hỗ trợ toàn diện, từ hộ kinh doanh, startup, DN vừa và nhỏ cho đến các DN tiên phong trong nhiều lĩnh vực.

ba-thuy.png

Nhấn mạnh ý nghĩa lớn của Nghị quyết 57 và 68, bà Đinh Thị Thúy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa cho biết DN công nghệ và DN tư nhân như Misa cảm thấy đây là thời cơ, cơ hội rất lớn khi Nhà nước quan tâm và có kế hoạch đầu tư cho KHCN, ĐMST và CĐS để DN có thể mở rộng thị trường hơn. Nghị quyết 57 có 3 nội dung mà trong đó đã nêu rõ mong muốn DN công nghệ Việt làm chủ công nghệ của người Việt, làm các sản phẩm Make in Viet Nam, của người Việt Nam, làm chủ công nghệ lõi để không bị phụ thuộc, làm chủ cuộc chơi, tự tin phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam có khoảng 50.000 DN trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên, phần lớn vẫn là DN vừa và nhỏ. Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT, theo dự báo, trong 10 năm tới toàn cầu cần thêm khoảng nửa triệu kỹ sư CNTT, thì đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam phát huy lợi thế dân số trẻ, đam mê công nghệ, sẵn sàng trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho thế giới.

Chuyển đổi số: Từ chiến lược đến hành động

Các chuyên gia đã nhận định CĐS không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới mà còn là một chiến lược phát triển dài hạn. Theo ông Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội, sự thành công của CĐS phụ thuộc vào tư duy lãnh đạo, khả năng khai thác dữ liệu và xây dựng văn hóa số trong DN. Đặc biệt, việc phát triển “con người số” với nhận thức và năng lực số là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy quá trình này.

Ông Lê Quang Minh cho rằng lãnh đạo DN cần xác định rõ, CĐS không phải một dự án công nghệ, mà là một chiến lược phát triển dài hạn. Việc này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ ban điều hành, từ định hướng chiến lược cho đến tổ chức lại mô hình vận hành, văn hóa nội bộ và trải nghiệm khách hàng. “Nếu lãnh đạo không thực sự hiểu và dẫn dắt, CĐS sẽ mãi chỉ là những mảnh ghép rời rạc với việc mua phần mềm nhưng không dùng, lập kế hoạch nhưng không triển khai được”. Bên cạnh yếu tố lãnh đạo, năng lực khai thác dữ liệu là yếu tố sống còn. “DN nào biến dữ liệu thành quyết định kinh doanh thông minh, DN đó chiếm ưu thế. Nhưng muốn vậy, họ phải đầu tư cho nhân sự, kỹ năng phân tích, và hệ thống tích hợp linh hoạt”, ông Lê Quang Minh nhận định.

CĐS cũng không thể thành công nếu nhân viên không sẵn sàng đổi mới, thử nghiệm và học cái mới. “Không có đổi mới, không có CĐS. Vì vậy, các DN cần xây dựng một văn hóa số, tại đây người lao động được khuyến khích sáng tạo, được đào tạo và có cơ hội chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc”, ông Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Hỗ trợ DN nhỏ và hộ kinh doanh CĐS

Các DN nhỏ và hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nghị quyết 68 được ban hành nhằm hỗ trợ DN nhỏ, hộ kinh doanh trong quá trình CĐS, bao gồm cung cấp miễn phí các công cụ số hóa như phần mềm kế toán, nền tảng số và dịch vụ tư vấn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, bên cạnh gần 1 triệu DN chính thức. Mục tiêu đến năm 2030 được đề ra trong Nghị quyết 68 là phát triển 2 triệu DN. Để đạt được điều đó, cần tạo điều kiện để các hộ kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô và chuyển đổi thành DN.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu này cần phân loại DN nhỏ, hộ kinh doanh thành các nhóm để có những cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, một số DN chỉ cần cung cấp phần mềm kế toán đơn giản để giúp họ dễ dàng kê khai, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ để họ có thể dễ dàng nhập dữ liệu liên quan đến doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra… Hay các DN nhỏ và vừa cần CĐS, chuyển đổi kép thì cần có các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức và hỗ trợ xây dựng kế hoạch CĐS xanh. Trong khi đó, một số DN khác lại không cần những hỗ trợ này mà họ cần có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Thông tin thêm về giải pháp CĐS toàn diện hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa cho biết đối với hộ kinh doanh nhỏ, MISA phát triển phần mềm MISA eShop giúp số hóa toàn diện hoạt động chỉ bằng smartphone. Với 3 bước đơn giản: Bán hàng – thu tiền – xuất hóa đơn và khai thuế, hộ kinh doanh dễ dàng thực hiện quy trình bán hàng.

Ngoài ra, phần mềm còn tự động tổng hợp số liệu và gửi tờ khai thuế mẫu lên cơ quan thuế ngay trên Điện thoại. Đối với các hộ kinh doanh có quy mô lớn hơn, MISA cung cấp bộ giải pháp cao cấp hơn bao gồm phần mềm và phần cứng, kết nối trực tiếp với các chuyên gia kế toán – thuế trên Nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP. Tuy nhiên, theo đề xuất ông Nguyễn Xuân Hoàng, thay vì cung cấp phần mềm miễn phí, Nhà nước nên đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để các DN công nghệ phát triển sản phẩm phù hợp, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Việc kết hợp CĐS với sản xuất xanh đang trở thành xu hướng tất yếu. Ông Quách Quang Đông, Phó Cục trưởng Cục ĐMST, Chuyển đổi xanh và Khuyến công – Bộ Công Thương, nhấn mạnh rằng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất giúp tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí và nâng cao hiệu suất. Các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế và tài chính đã thúc đẩy DN chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, thông minh, góp phần vào phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững. Việt Nam không thể chậm trễ về ứng dụng AI và chính sách đột phá

Chia sẻ câu chuyện thực tế về ứng dụng AI tại Cục CĐS Quốc gia, Bộ KH&CN, ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng cho biết: “So với các công nghệ khác như IoT, chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) hay đám mây (cloud) vốn chỉ dừng lại ở mức khái niệm với nhiều cơ quan thì AI đã thực sự trở thành công cụ hữu ích trong công việc hàng ngày. AI đã trở thành đồng nghiệp của chúng ta”. Từ câu chuyện thực tế đó, ông Hồ Đức Thắng cho rằng đây chính là cơ hội để Việt Nam “Làm chủ công nghệ – Đột phá, vươn mình. Nếu không nắm bắt ngay, chúng ta có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ toàn cầu”.

ong-ho-duc-thang.jpg
Ông Hồ Đức Thắng: AI đã trở thành đồng nghiệp của chúng ta.

Với tầm quan trọng này, lãnh đạo Cục CĐS Quốc gia cho biết Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030. “Đây không chỉ là văn bản chính sách, mà là lộ trình hành động cụ thể để Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong lĩnh vực AI, biến AI thành động lực thực sự cho sự phát triển thịnh vượng của hệ sinh thái số quốc gia. Chiến lược về AI không chỉ là văn bản chính sách, mà là lộ trình hành động cụ thể để Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong lĩnh vực AI”.

Chiến lược được hoàn thiện sẽ có tầm nhìn đến năm 2030 là: Việt Nam trở thành một điểm sáng về ĐMST AI trong khu vực, nơi công nghệ AI thấm sâu vào từng ngõ ngách của đời sống kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo ra những ngành công nghiệp mới có giá trị cao, và đóng góp quan trọng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Theo đó, AI sẽ được phổ cập “toàn dân”, “toàn diện” – đưa AI vào cuộc sống. “Toàn dân” là từ học sinh ở vùng cao đến doanh nhân ở thành phố, ai cũng được tiếp cận và hưởng lợi từ AI. Không ai bị bỏ lại phía sau. “Toàn diện” là AI sẽ có mặt khắp nơi, trong bệnh viện giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn, trong trường học hỗ trợ giáo viên dạy tốt hơn, trong nông trại giúp nông dân dự báo thời tiết chính xác hơn. Cách làm cụ thể là tất cả các bộ, ngành, địa phương sẽ phải có kế hoạch đưa AI vào công việc. Các địa phương sẽ tập trung vào dịch vụ công trực tuyến và đô thị thông minh. Các Bộ ngành sẽ ứng dụng AI theo từng lĩnh vực chuyên môn.

Đối với DN, đây là cơ hội bởi đây sẽ là thị trường rất lớn. “Một đất nước 100 triệu dân, không có DN nào đủ sức phục vụ hết. Đó chính là cơ hội cho tất cả – từ startup nhỏ đến công ty lớn. Nó sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho tất cả các DN – đây chính là tinh thần “Mở rộng thị trường – Thúc đẩy hợp tác” mà chúng ta hướng tới”.

Về nguồn nhân lực, chiến lược đặc biệt coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, “giáo dục AI vào tất cả các cấp học từ tiểu học trở lên. Đồng thời đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để họ thành thạo và sử dụng hiệu quả công cụ AI”. Song song với đó, có chính sách thu hút nhân tài, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi về AI và giao các bài toán lớn cho các chuyên gia này để tư vấn hỗ trợ. Dự kiến sẽ hình thành được mạng lưới khoảng 1.000 chuyên gia giỏi và khoảng 50.000 kỹ sư về AI trong 5 năm tới.

Về tài chính, chiến lược chủ trương đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính cho cộng đồng nghiên cứu và DN. Bên cạnh các quỹ nhà nước phục vụ nghiên cứu phát triển, sẽ thiết lập các KPI để ưu tiên đầu tư cho AI – như 5% Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, 30% quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Đặc biệt, chiến lược dành khoảng 20% Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ DN ứng dụng AI, tức là bên cạnh hỗ trợ ra sản phẩm, nhà nước còn thúc đẩy phát triển thị trường AI – nghĩa là việc sử dụng, ứng dụng AI cũng được hỗ trợ.

Ông Hồ Đức Thắng nhấn mạnh AI sẽ chỉ thực sự phát triển nếu toàn hệ sinh thái – từ cơ quan nhà nước, DN đến trường đại học, người dân – cùng vào cuộc, cùng học hỏi, thử nghiệm và chia sẻ.

Đối với cộng đồng DN, cần mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng AI. Hãy là những người tiên phong tạo ra các sản phẩm AI “Make in Viet Nam” chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách. Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học, hãy là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực AI xuất sắc, là trung tâm của những ý tưởng ĐMST đột phá. Đối với các đối tác quốc tế, Việt Nam chào đón và sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển, cùng nhau chia sẻ lợi ích từ AI, trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2025)

https%3A%2F%2Fictvietnam.vn%2Fkhoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-va-ai-co-quan-nha-nuoc-doanh-nghiep-chu-dong-thuc-day-70078.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article