Chúng ta không cần bàn về vấn đề kỹ thuật, chỉ xét từ khía cạnh xã hội, công nghệ AI có thể được xem như một bộ não thứ hai, một cánh tay nối dài của con người, thúc đẩy tư duy mở (con người có thể biết rộng và nghĩ nhanh hơn rất nhiều), giúp mở rộng tầm hạn chế của con người (con người có thể làm được những việc mà trước đây không thể do các giới hạn về thể chất và tốc độ); góp phần gia tăng sự tự do của con người, cả về tinh thần và vật chất, có thêm dữ liệu và thời gian để ra quyết định (con người có thể bỏ sang một bên một số loại việc nhất định để tập trung vào một số ưu tiên).
Mỗi AI thường có các tính năng đặc trưng, Tuy nhiên, Cơ bản vẫn phải có 02 yếu tố được xem là quan trọng nhất trong sử dụng AI sao cho hiệu quả. Đó là:
1. Cách thức đặt câu lệnh, câu hỏi hoặc nội dung đầu vào mà con người đưa vào hệ thống AI (được gọi là prompt).
Trong hoạt động công vụ nói chung, AI có thể xem như một người thư ký cần mẫn: Các hoạt động chính của công chức như soạn thảo văn bản, phân tích dữ liệu, soạn đề cương, lập kế hoạch, chuẩn bị slide – tóm tắt ý trong phát biểu, điều hành hội nghị… đều có thể xử lý tốt nếu như người công chức đó sự nhạy bén, có kỹ năng lựa chọn, sử dụng AI phù hợp và đặt các prompt rõ ràng, cụ thể, đủ thông tin và mục tiêu để AI cho ra sản phẩm theo đúng yêu cầu.
Ví dụ: Yêu cầu: “Viết cho tôi một văn bản yêu cầu phối hợp” sẽ khác với “Viết cho tôi một văn bản yêu cầu phối hợp chặn phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm, gửi cho bên Cảnh sát giao thông”.
2. Nguồn dữ liệu đầu vào cho AI
Tuy nhiên, để sản phẩm của AI có độ chính xác cao thì dữ liệu đầu vào cần phải được chuẩn hóa, việc này được thực hiện qua sự tương tác, cải thiện cho AI sau mỗi lần “tiếp xúc”. AI ban đầu có thể sẽ như một người học việc, trên cơ sở các thông tin sẵn có trong dữ liệu, nó sẽ đưa ra các “sản phẩm” mang tính tương đối có độ chính xác không cao, nhưng nhờ tính năng biết “học”, AI sẽ dần cải thiện mình qua thời gian cho phù hợp với ý của người tương tác.
Ví dụ: Yêu cầu:“Viết cho tôi một văn bản yêu cầu phối hợp chặn phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm, gửi cho bên Cảnh sát giao thông”, AI sẽ cho ra một văn bản, nhưng sẽ có một số lỗi về thể thức hoặc một số nội dung chưa phù hợp, ta chỉ cần “hướng dẫn” cho AI sửa lại các lỗi đó, sản phẩm từ AI ở các lần tiếp theo sẽ không còn các lỗi đó nữa, tương tự như thế, qua mỗi lần tương tác, chúng ta sẽ chỉnh sửa dần đến khi hoàn thiện..
Kết hợp 02 yếu tố, dữ liệu đầu vào (tương tác, chỉnh sửa) và prompt phù hợp, chúng ta sẽ có những “sản phẩm” chuẩn, đến khi cần, chúng ta chỉ cần đặt các prompt phù hợp sẽ ra ngay các sản phẩm sát với yêu cầu của chúng ta nhất, chỉ cần chỉnh sửa thêm một ít để hoàn thiện, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức…
Tất nhiên việc ứng dụng AI như thế nào, vào công việc gì là vô hạn, nó phụ thuộc vào độ sáng tạo và kỹ năng của mỗi con người, chỉ cần khi có phát sinh một công việc, hoạt động, nhiệm vụ gì đó mới, chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi trong đầu: “Liệu AI có giúp được gì không ?” thì chúng ta sẽ tìm ra phương pháp tương tác với AI dựa trên 02 yếu tố cốt lõi như đã nêu trên.
Vậy, ngoài việc ứng dụng AI vào các công việc thông thường của công chức như đã kể trên, đối với chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường, về lâu dài thì AI có thể giúp được gì?
Đối với việc thiết lập hồ sơ vụ việc
– Quá trình thiết lập hồ sơ vụ việc đối với lực lượng Quản lý thị trường mất tương đối nhiều thời gian, vì vậy, ứng dụng AI vào hỗ trợ thiết lập hồ sơ vụ việc là việc rất cần thiết. Tất nhiên, như phân tích ban đầu, khi chưa có dữ liệu đầu vào chuẩn, AI sẽ cho ra các sản phẩm chỉ mang tính chất tương đối, độ chuẩn xác không cao, chúng ta sẽ phải “hướng dẫn” cho AI chỉnh sửa lại, xác định cho AI biết đâu là dữ liệu cố định, đâu là dữ liệu biến thiên, thể thức như thế nào là chuẩn, với khả năng “học”, AI sẽ tích lũy và chỉnh sửa dần cho đúng với yêu cầu của người tương tác. Như vậy, sau một quá trình, chỉ cần chúng ta nhập các dữ liệu cần thiết (ví dụ: Đối tượng [cá nhân hay tổ chức], mô tả hành vi, tang vật, các tình tiết khác…) thì AI có thể cho ra một sản phẩm trong hồ sơ tương đối gần với yêu cầu của chúng ta, khi đó chỉ cần rà soát lại, chỉnh sửa cho phù hợp mà không phải tốn nhiều thời gian, công sức để thao tác. Ngoài ra, với khả năng phân tích, AI có thể sẽ gợi ý các hành vi, văn bản áp dụng, gợi ý cho chúng ta những tình tiết chưa phù hợp, còn thiếu (Ví dụ như: Trong chế tài có quy định về “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”, tuy nhiên, trong hồ sơ chưa thể hiện thì AI sẽ gợi ý đưa vào trong mô tả hành vi, hoặc nếu chưa làm rõ được thì sẽ đưa vào trong xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính…). Nói tóm lại, thông qua quá trình huấn luyện, AI sẽ hố trợ cho chúng ta trong việc soạn thảo, chuẩn hóa các tài liệu có trong hồ sơ, từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực trong việc thiết lập hồ sơ vụ việc.
Đối với công tác quản lý theo địa bàn
– AI có thể phân tích hình ảnh, trích xuất thông tin từ các giấy tờ thủ tục, như: giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh.., chỉ cần upload lên hệ thống, AI sẽ phân tích và tạo thông tin về cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ vào dữ liệu mà không phải nhập thủ công.
– Hiện nay, việc xử lý hình ảnh của AI đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc, Nếu có điều kiện sử dụng các phần mềm AI trả phí thì các công nghệ nhận diện các đặt điểm của đối tượng để phân tích, đối chiếu đưa ra kết luận khá chính xác. Ví dụ như: có thể kết hợp giữa AI YOLOv8, Google Vision AI.. đưa dữ liệu đầu vào, đối chiếu để nhận diện hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, phân tích thành phần của nhãn hàng hóa, nhận diện các hàng hóa thuộc diện thu hồi, không được phép lưu hành, truy xuất dữ liệu từ mã số, mã vạch… Kết hợp OpenCV, CCTV (Dahua, Hikvision) trong các camera giám sát, nhận diện các hoạt động bất thường, các đối tượng đang thuộc diện giám sát để cảnh báo quá thiết bị di động, hỗ trợ cho việc quản lý địa bàn, giám sát các đối tượng vi phạm hành chính..
Đối với hoạt động Thương mại điện tử
– Nếu có đủ sự đầu tư, AI có thể kết hợp với kỹ thuật Crawl để quét và phân tích dữ liệu trong các sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội, các website bán hàng, kết hợp với các công cụ AI để so sánh đối chiếu, phát hiện ra hàng hóa vi phạm hoặc nghi vấn vi phạm dựa trên phân tích hình ảnh, các thông tin dữ liệu đính kèm để gửi cảnh báo đến các đơn vị Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, có thể giám sát các hành vi bất thường như (Lặp lại quá nhiều thông tin về Số Điện thoại, tên tài khoản, địa chỉ IP, Tần suất đăng bán, thời điểm hoạt động, Kết nối giữa các tài khoản khác nhau có dấu hiệu thuộc cùng một tổ chức/cá nhân) để lừa đảo, gian lận, né tránh sự phản hồi của người tiêu dùng.
Và AI có thể áp dụng vào rất nhiều công việc khác tùy thuộc vào khả năng khai thác sức mạnh của AI của mỗi người công chức khi thực thi nhiệm vụ…
Tuy nhiên, với thực tiễn hiện nay, có thể nói việc ứng dụng AI là không đơn giản, nhất là ứng dụng AI trong thi hành công vụ vẫn còn rất nhiều rào cản.
Thứ nhất, Mặt dù hiện nay chúng ta có chính sách, chiến lược phát triển, có hướng dẫn, nguyên tắc sử dụng AI nhưng Việt Nam vẫn chưa có hệ thống pháp lý và quy chuẩn kỹ thuật hoàn thiện, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm giải trình, chuẩn mực đạo đức, quản trị rủi ro và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu để tạo cơ sở, tránh rủi ro pháp lý cho việc phát triển và ứng dụng AI.
Thứ hai, Hiện tại, cả hệ thống chính trị của chúng ta đang có nguồn dữ liệu liên quan đến công vụ của rất lớn, tuy nhiên bị phân tán và không thiết kế theo một cấu trúc đồng nhất, dẫn đến việc sáp nhập, khai thác, tận dụng nguồn dữ liệu cho AI có thể gặp rất nhiều khó khăn về sau.
Thứ ba, Mặc dù việc khai thác, sử dụng AI ở mức độ nào đó cũng không yêu cầu kỹ thuật cao, tuy nhiên, việc hiểu rõ và định hướng vẫn cần phải có những nhân lực am hiểu công nghệ trong từng đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay trình độ của lực lượng Quản lý thị trường vẫn chưa đồng đều, có nơi còn chưa có nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Việc ứng dụng AI hiện nay cũng tùy thuộc vào sự chủ động nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tài chính cá nhân của mối công chức.
Thứ tư, Nguy cơ về nguồn dữ liệu đầu vào không chuẩn xác. Nguồn dữ liệu đầu vào của AI có thể được học từ rất nhiều nguồn, từ đó tổng hợp thành dữ liệu chung để đưa ra sản phẩm, nếu nguồn dữ liệu được đưa vào bị sai lệch nhiều, có nguy sẽ bị mắc lỗi chung khi áp dụng ở diện rộng và sẽ khó điều chỉnh để chuẩn xác lại một cách thống nhất. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào AI cũng làm giảm đi sự nghiên cứu, tìm hiểu, có thể áp dụng pháp luật sai nếu không rà soát kỹ lưỡng sản phẩm mà AI làm ra.
Để việc ứng dụng AI trong hoạt động công vụ một cách hiệu quả, trong khi chờ có một hệ thống pháp lý và quy chuẩn kỹ thuật hoàn thiện về AI, chúng ta cần phải làm các nghiên cứu các giải pháp cụ thể như sau:
Đầu tiên, mỗi chúng ta cần nâng cao nhận thức, mỗi công chức đều phải hiểu rằng: nếu không chủ động tìm tòi, nghiên cứu, tìm cách khai thác hiệu quả sức mạnh của công nghệ, đặt biệt là AI trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu, nguy cơ không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, chúng ta cần phải có lộ trình cụ thể, ứng dụng từ việc cơ bản đến phứt tạp theo từng giai đoạn. Ví dụ: Giai đoạn ngắn hạn: Trợ lý về văn bản, công việc đơn thuần, Thống kê dữ liệu, báo cáo, thiết lập hồ sơ vụ việc…; Về trung hạn: có thể xây dựng các phần mềm nhận dạng hàng hóa vi phạm trên thiết bị di động… ; Về dài hạn: Có thể Giám sát thị trường thông minh bằng các thiết bị từ xa, crawl dữ liệu thương mại điện tử…
Thứ ba, về lâu dài, chúng ta cần xây dựng một AI riêng. Bên cạnh việc liên thông chia sẻ, kết nối dữ liệu quản lý thống nhất với các ngành chức năng khác, việc tương tác, đưa dữ liệu đầu vào cần có một quy chế cụ thể để vừa tận dụng được sức mạnh tập thể, đồng thời quản lý được dữ liệu một cách chuẩn hóa, thống nhất.
Tiềm năng của AI là rất lớn, nhưng yếu tố con người vẫn là chủ đạo. Bên cạnh kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về quản lý địa bàn, nếu chúng ta không tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để tăng cường khả năng khai thác, ứng dụng công nghệ vào hoạt động công vụ, chúng ta sẽ không thể theo kịp sự phát triển của xã hội, các hình thức, thủ đoạn mới của các đối tượng vi phạm.. Chúng ta không ngừng tổng kết thực tiễn, cập nhập lý luận, nâng cao kỹ năng khai thác sức mạnh của công nghệ, áp dụng vào hoạt động công vụ để phát triển sức mạnh nội sinh của ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó./.
https%3A%2F%2Fdms.gov.vn%2Ftin-chi-tiet%2F-%2Fchi-tiet%2Fcong-nghe-ai-va-tiem-nang-ung-dung-cho-luc-luong-quan-ly-thi-truong-95213-5.html