26.6 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 5 17, 2025

Công nghệ là công cụ, không phải phép màu

Must read

Giống như ngày xưa, có máy quay phim thì có thể làm phim, nhưng đâu phải ai cũng làm ra được tác phẩm đáng xem. Giờ đây, ai cũng có thể tiếp cận công cụ AI để viết kịch bản, dựng video, tạo hình ảnh, thậm chí… hát. Nhưng tác phẩm có chạm được vào cảm xúc người xem hay không, lại là chuyện hoàn toàn khác.

Phim Chạm của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương
Phim ngắn Chạm của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương sử dụng AI và thực hiện trên Điện thoại

Ở Việt Nam, các nhà làm phim trẻ đã bắt đầu ứng dụng AI trong hậu kỳ, viết kịch bản và thậm chí thử nghiệm tạo dựng hình ảnh bằng công nghệ này. Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đã dùng AI làm phim chỉ với chiếc điện thoại, một điều tưởng chừng bất khả thi cách đây vài năm. Anh mất rất nhiều thời gian để “dạy” AI hiểu được ý tưởng của mình. Nghĩa là, nếu tư duy không rõ ràng, công cụ sẽ không giúp gì thêm, mà còn khiến mọi thứ rối hơn.

AI có thể giúp bạn dựng clip chỉ trong vài phút, lọc dữ liệu khán giả để biết họ thích gì, hỗ trợ viết kịch bản theo mô-típ thịnh hành… Nhưng nếu người làm phim không có điều gì muốn nói, nếu người làm phim không biết khán giả mình là ai, thì công nghệ cũng không thể tạo ra nội dung có giá trị.

Những người làm nội dung hôm nay không chỉ cần giỏi sáng tạo, mà còn phải hiểu công nghệ; không chỉ biết dùng công cụ, mà còn phải hiểu người xem. Một bộ phim hay vẫn cần một trái tim rung cảm. Một tác phẩm hay vẫn phải đến từ người có trải nghiệm thật.

AI có thể vẽ hàng ngàn bức tranh trong vài giây, nhưng nó không thể vẽ được những ký ức, tổn thương hay khao khát chỉ con người mới có. Và vì vậy, những tác phẩm do con người tạo ra, nếu đủ chân thành, vẫn có sức sống riêng, không dễ thay thế.

Sự nguy hiểm lớn nhất của AI không nằm ở việc nó làm được quá nhiều, mà ở chỗ ta dần lười suy nghĩ. Khi mọi thứ đều được gợi ý, tạo sẵn, tối ưu… ta rất dễ hài lòng với cái “vừa đủ”, mà quên mất sự khác biệt thật sự đến từ chất lượng suy nghĩ.

Có lẽ vì vậy mà nhiều chuyên gia lo ngại nếu các nền tảng số chỉ dựa vào AI để quyết định xu hướng sản xuất, thì ngành văn hóa – giải trí sẽ trở nên đơn điệu, na ná nhau và thiếu đi những sáng tạo táo bạo, khó đoán mà chỉ con người mới nghĩ ra được.

AI là công cụ mạnh. Nhưng như bất kỳ công cụ nào, nó chỉ thật sự có ích khi được dùng đúng cách, bởi người có tư duy, trách nhiệm và sự tỉnh táo. Công nghệ không thể thay thế bản sắc cá nhân, không thể sáng tạo thay cho khát khao kể chuyện của con người.

Câu chuyện của ngành giải trí trong kỷ nguyên AI không nên bắt đầu bằng nỗi sợ hay sự ngộ nhận. Mà nên bắt đầu bằng một câu hỏi rất giản dị: Mình thật sự muốn nói điều gì với thế giới?

Nếu trả lời được điều đó, thì công nghệ, dù mới mẻ hay đắt tiền đến đâu cũng sẽ chỉ là chiếc bút, còn nội dung vẫn là những gì ta viết bằng chính trái tim và khối óc của mình.

Phước Dũng



https%3A%2F%2Fwww.phunuonline.com.vn%2Fcong-nghe-la-cong-cu-khong-phai-phep-mau-a1550058.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article