(QBĐT) – Sáng 6/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục nội dung thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công và tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của luật, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận, đề xuất một số nội dung cụ thể, gồm:
Về tổng thể dự án luật và đề xuất thông qua luật tại một kỳ họp, dự thảo Luật Đầu tư công có phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 44 điều, bổ sung 16 điều, bãi bỏ 7 điều) với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn; có liên quan đến rất nhiều luật khác và nhiều luật cũng đang tiến hành sửa đổi tại kỳ họp này. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho thấy: “Dự án Luật Đầu tư công mới được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, thời gian gấp, phạm vi sửa đổi lớn, Chính phủ mới chỉ lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, chưa lấy ý kiến HĐND là đối tượng chịu tác động lớn của dự án luật; cơ quan thẩm tra không đủ thời gian tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là những nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau để báo cáo Quốc hội”. Do đó, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về các nội dung sửa đổi, để dự án luật bảo đảm tính khả thi. Đặc biệt, nên chọn các vấn đề đã đủ “chín”, đủ rõ để sửa đổi. Các quy định có tính linh hoạt, dễ bị thay đổi và thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
![]()
|
Đối với tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (Điều 8), ý kiến đề nghị cần có sự đánh giá cụ thể, đưa ra cơ sở cho việc tăng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời, cần đánh giá tác động chính sách lên hệ thống các dự án đang triển khai cũng như bối cảnh phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí phù hợp.
Nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công, đồng chí cho rằng, cần phải bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện. Để làm được điều này, đồng chí đề nghị cân nhắc thêm về nội dung phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp (Điều 18); phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. (khoản 3, Điều 74).
Đối với nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cân nhắc định nghĩa về loại hình chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA (khoản 5, Điều 4); việc luật hóa các nội dung quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, ngày 16/12/2021, bổ sung vào Chương IV của dự thảo.
Đồng chí cũng đề nghị bổ sung hồ sơ quy trình, thẩm quyền của Chính phủ trong việc trình chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia
Ngọc Mai
https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202411/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-dau-tu-cong-sua-doi-2222177/