Nhận định được các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị quốc tế Trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế do Sở Y tế TPHCM tổ chức năm 2025 diễn ra ngày 23/5.
AI không thể thay thế bác sĩ
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM – khẳng định, thành phố đã xác định rõ vai trò trung tâm của AI trong chiến lược y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
“AI không thay thế con người mà là công cụ hỗ trợ thông minh, giúp bác sĩ và nhà quản lý nâng cao chất lượng chuyên môn, tối ưu hóa quy trình và cải thiện trải nghiệm người bệnh”, ông Thượng nói.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: D.Linh).
TPHCM đang triển khai hàng loạt dự án thí điểm ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, quản lý bệnh viện và hỗ trợ cá thể hóa điều trị. Một trong những ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hồ sơ sức khỏe và bệnh án điện tử – nền tảng quan trọng để triển khai AI hiệu quả.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, ngành y tế TPHCM đang tăng tốc để hoàn thành các hệ thống này trước hạn chót tháng 9/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, bà Angela Pratt – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam – cảnh báo, công nghệ AI không chỉ là cơ hội, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
“Giống như mọi công nghệ mới, AI có tiềm năng to lớn trong cải thiện sức khỏe của hàng triệu người. Nhưng cũng như mọi công nghệ khác, nó có thể bị lạm dụng và gây ra tác động không tốt”, bà trích lời Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hai thách thức khi áp dụng AI trong y tế
Theo bà Angela, việc áp dụng AI vào ngành y tế gặp phải 2 thách thức lớn nhất hiện nay.
Thách thức đầu tiên là khoảng cách tiếp cận công nghệ có thể làm gia tăng bất bình đẳng y tế.
Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đã nhanh chóng ứng dụng AI trong y tế. Tuy nhiên, ở những vùng mà người dân còn nghèo, hạ tầng số còn yếu kém, việc tiếp cận AI gần như không thể.
“Chẳng hạn, phần mềm nhận diện khuôn mặt đo huyết áp, nhịp tim qua Điện thoại rất tiềm năng, nhưng không thể phát huy tác dụng nếu người bệnh không có thiết bị, không có kỹ năng sử dụng”, bà Angela nói.
Theo đại diện WHO, Việt Nam cần tránh tình trạng AI chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm dân cư nhất định, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng khi tiếp cận y tế giữa người dân.
Bà Angela nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho người dân và bảo đảm công nghệ AI đến được với những người có nhu cầu, từ đó biến các nguy cơ thành cơ hội để nâng cao chất lượng y tế cho toàn dân. Để minh họa cho quan điểm này, bà chia sẻ hai ví dụ cụ thể từ Philippines và Thái Lan.
Tại Philippines – một đất nước gồm hơn 7.000 đảo, nhân viên y tế đang dùng AI để chẩn đoán lao ở các nhóm nguy cơ, giúp phát hiện nhanh, theo dõi điều trị hiệu quả hơn.
Ở Thái Lan, một ứng dụng dùng AI để đánh giá nguy cơ đột quỵ đã hỗ trợ tích cực các bác sĩ tại bệnh viện tuyến cơ sở – nơi thiếu bác sĩ chuyên khoa tim mạch – chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Trong điều trị đột quỵ, từng phút từng giờ có thể cứu sống bệnh nhân hoặc ngăn ngừa tàn tật sau này.

AI giúp bác sĩ tại Thái Lan chẩn đoán và điều trị đột quỵ (Ảnh minh họa: Getty).
Rủi ro thứ hai là bảo mật dữ liệu. Theo WHO, nếu không có các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt, người dân sẽ mất dần niềm tin vào công nghệ số. Trong đó, niềm tin là điều kiện tiên quyết để công nghệ trở nên phổ biến.
WHO đề xuất Việt Nam xây dựng khung pháp lý rõ ràng, đảm bảo AI được triển khai một cách an toàn, có đạo đức và công bằng.
Để làm được điều này, ngành y tế cần lắng nghe tiếng nói từ bệnh nhân, nhân viên y tế, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Về phần WHO, bà Angela cho biết, tổ chức sẽ hỗ trợ chính phủ xây dựng các hướng dẫn, khung pháp lý, các phương án hợp tác để đảm bảo AI được áp dụng hiệu quả trong y tế.
Từ kinh nghiệm quốc tế, đại diện WHO đưa ra 6 khuyến nghị then chốt để áp dụng AI trong ngành y tế.
Thứ nhất, xây dựng niềm tin bằng cách công khai và minh bạch về cách AI phát triển và ứng dụng của nó trong ngành y.
Thứ hai, giám sát chặt chẽ AI trong công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, tránh trường hợp AI đưa ra các lời khuyên sức khỏe gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba, AI cần được huấn luyện trên nguồn dữ liệu đa dạng, đồng thời vẫn phải đảm bảo bảo mật dữ liệu cá nhân.
Thứ tư, ngay cả những công nghệ AI tiên tiến nhất cũng phải được con người hướng dẫn. Mọi quyết định liên quan đến chăm sóc bệnh nhân cuối cùng vẫn phải do nhân viên y tế đưa ra.
Thứ năm, các hệ thống dữ liệu phải được kết nối và hỗ trợ bởi hạ tầng mạng mạnh mẽ.
Thứ sáu, việc phát triển AI trong y tế cần có sự tham gia của bệnh nhân, nhân viên y tế, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà phát triển công nghệ để đảm bảo khung pháp lý có tính bền vững và phù hợp.
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fsuc-khoe%2Fdai-dien-who-tai-viet-nam-hai-thach-thuc-lon-khi-ap-dung-ai-trong-y-te-20250523142607324.htm