30 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Bảy, Tháng 7 5, 2025

Đại học Đà Nẵng thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đại học

Must read

1-7, ứng dụng AI 1
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trong buổi tập huấn “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong học tập và phát triển kỹ năng”. Ảnh: THU HÀ

Nâng cao hiệu quả giảng dạy

Thời gian qua bên cạnh chương trình chính khóa, các trường đại học tổ chức tọa đàm, tập huấn nhằm cung cấp thêm thông tin, kiến thức kỹ năng liên quan đến ứng dụng AI cho sinh viên, giảng viên. Điều này giúp người học có cơ hội tiếp cận với xu hướng công nghệ mới, bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vũ Hoàng Quân, sinh viên năm 4, Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, thông qua khóa học ngắn hạn, chương trình tập huấn giúp sinh viên có góc nhìn mới về cách sử dụng AI trong học tập.

Nếu dùng đúng AI có thể đồng hành với sinh viên trong quá trình học và phát triển bản thân. “Bên cạnh sử dụng AI để tối ưu hóa việc học tập, sinh viên có thể sử dụng AI để rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện và quản lý thời gian hiệu quả hơn” – Quân chia sẻ.

Thường xuyên tham gia tập huấn với vai trò là diễn giả, TS. Trịnh Công Duy – giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa cho hay, để trang bị cho người học kiến thức nền tảng về AI cũng như ứng dụng AI vào việc học tập, nghiên cứu, người học cần hiểu đúng về AI và cách tư duy ứng dụng hiệu quả trong môi trường học đường. AI không chỉ giúp sinh viên học nhanh hơn mà còn giúp phát triển kỹ năng mềm như sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, các chuyên gia, giảng viên cũng cho rằng để ứng dụng hiệu quả AI, điều cốt lõi đối với sinh viên là phải có khả năng làm chủ công nghệ và làm chủ tình huống. Các công cụ có thể hỗ trợ đưa ra câu trả lời nhưng sinh viên cần hiểu, phân tích và vận dụng được những câu trả lời đó.

Đáng chú ý, giảng viên của các trường đại học thành viên như Trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… cũng thường xuyên được tập huấn ứng dụng AI trong giảng dạy, xây dựng và học liệu số.

Giảng viên được tiếp cận từ cơ bản đến nâng cao các ứng dụng AI trong môi trường giáo dục đại học như: cách thiết kế bài giảng và đánh giá với AI; AI trợ giúp nghiên cứu khoa học; AI & Office 365 – Tối ưu quản lý công việc và giảng dạy; cách tìm kiếm nhanh và đặt lệnh với các công cụ tìm kiếm như ChatGPT, Gemini, NotebookLM…

Hướng tới công nghệ số và trí tuệ nhân tạo

PGS-TS. Nguyễn Lê Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, sự bùng nổ của AI, đặc biệt trong giáo dục và nghiên cứu, đem lại nhiều cơ hội và thách thức.

1-7, ứng dụng AI 5
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) trong một giờ học. Ảnh: THU HÀ

Theo đó đòi hỏi nhà trường, giảng viên cần nhạy bén đổi mới tư duy, nâng cao năng lực ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn gắn với chuyển đổi số.

Tiếp cận ứng dụng AI và khai thác công nghệ số góp phần nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, hướng tới xây dựng môi trường sáng tạo, thích ứng linh hoạt với sự phát triển trong kỷ nguyên số.

Thời gian đến, nhà trường tăng cường hơn nữa các hoạt động tập huấn chuyên sâu về ứng dụng AI, qua đó hỗ trợ, thúc đẩy cán bộ, giảng viên và sinh viên nâng cao chất lượng trong giảng dạy, nghiên cứu và quản trị đại học.

PGS-TS. Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa đánh giá: Trong bối cảnh yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi các trường đại học tiên phong đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Để thích ứng với xu thế, nhà trường chú trọng bồi dưỡng, tạo điều kiện để giảng viên nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng AI trong công tác chuyên môn, giảng dạy, xây dựng khai thác hiệu quả các nguồn học liệu số.

Không chỉ tiếp cận ứng dụng AI thông qua các hoạt động hội thảo, tọa đàm, chuyên đề, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn có những định hướng chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu công nghệ số và AI.

PGS-TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngành Kỹ sư trí tuệ nhân tạo được nhà trường tuyển sinh từ năm 2021 thu hút khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm. Với định hướng quốc tế hóa toàn diện, nhà trường chú trọng gắn kết đào tạo với xu thế toàn cầu và nhu cầu của thị trường lao động, giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập môi trường toàn cầu ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

PGS-TS. Huỳnh Công Pháp cũng đề xuất hợp tác với các trường đại học tiên tiến trên thế giới để phát triển chương trình đào tạo đồng cấp bằng và chương trình thạc sĩ, tiến sĩ liên kết trong các lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, an toàn không gian mạng.

Điều này giúp chuẩn hóa đầu ra, nâng cao uy tín quốc tế, đồng thời thu hút giảng viên và sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập và nghiên cứu; liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác quốc tế để hình thành các trung tâm nghiên cứu chung trong lĩnh vực công nghệ số, ứng dụng AI trong nông nghiệp, y tế, đô thị thông minh…

https%3A%2F%2Fbaodanang.vn%2Fdai-hoc-da-nang-thuc-day-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-giang-day-dai-hoc-3265015.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article