Người dân Khánh Hòa thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ việc hái rau dại dưới biển. |
Từ “rau dại” thành đặc sản
Cứ vào dịp tháng 4 – 7 âm lịch hằng năm, người dân thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại rộn ràng vào mùa khai thác
rau câu chân vịt
. Rau câu chân vịt năm nay được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi ra biển thu hoạch.

Khi điểm nước rút, người dân ở địa phương đã lên đường ra biển hái “lộc trời cho”.
Người dân di chuyển dọc bờ biển là có thể đến vùng khai thác rau câu chân vịt. Mỗi chuyến đi thường có từ 3 – 4 người để thay phiên nhau đưa rau câu chân vịt bỏ vô túi lưới. Muốn hái được rau câu chân vịt dưới làn nước biển, mỗi người phải kéo theo một chiếc lưới nhỏ rồi dò dẫm từng bước thật chậm để phát hiện ra bụi
rau đá biển
“núp” dưới rau phi và bám vào đá. “Phải thật tinh mắt, biết phân biệt và nhìn kỹ qua mặt nước mới thấy được. Rau câu chân vịt ở nơi nước cạn thì chủ yếu dùng tay bứt”, bà Kim Hương (ở xã Phước Đồng) nói.

Sau khi hái rau câu chân vịt, người dân chế biến qua nhiều công đoạn để làm ra thành phẩm đem đi tiêu thụ.
Chuyến đi hái rau câu chân vịt thường từ 4 – 6h chiều, bởi đây là lúc thủy triều rút sâu nên việc thu hoạch cũng diễn ra thuận lợi hơn cho người dân. Sau khi được thu hái, rau câu chân vịt được làm sạch nhằm loại bỏ rác, đá san hô còn bám vào gốc. “Rau câu chân vịt khi thu hoạch về phải thực hiện qua nhiều công đoạn, rửa thật sạch, có khi rửa qua 4 – 5 lần loại bỏ tạp chất và rêu làm sao cho trắng tinh. Khi rửa xong, phải phơi nhiều nắng, nắng càng gắt thì việc thu hoạch càng thuận lợi hơn. Rau câu chân vịt khi khô sẽ được tập hợp để đóng bao đem đi bán cho thương lái”, anh Quốc Trường (ở xã Phước Đồng) chia sẻ.
Kiếm tiền triệu nhờ nghề “đụng”
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, chị Nguyễn Ngọc Khuê (ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng) về công việc nghề “đụng”, vốn dĩ là quãng thời gian nghỉ của một số người dân làm nghề săn bắt tôm hùm tự nhiên khi sang mùa. Hiện một số hộ dân như chị sẽ đi hái rau câu chân vịt để kiếm thêm thu nhập. “Mùa thả lưới tôm hùm bắt đầu từ tháng 9 – 4 Âm lịch, qua thời điểm này thì chủ yếu thu lưới để vệ sinh và chờ mùa tiếp theo. Hiện chị cùng với một số hộ dân làm nghề “đụng” là đụng việc gì thì làm việc đó”, chị Khuê hóm hỉnh nói.

Phải thật tinh mắt, biết phân biệt và nhìn kỹ qua mặt nước mới có thể hái được loại rau câu chân vịt tự nhiên.
Trung bình mỗi ngày, người dân xã Phước Đồng khai thác được từ 0,2 – 2 kg rau câu chân vịt. Sau khi làm sạch, phơi khô nhiều ngày, người dân bán lại cho thương lái với giá từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg. Hầu hết rau câu chân vịt được các tiểu thương thu mua lại từ người dân và chế biến thành các sản phẩm rau câu chân vịt đóng gói đưa đi tiêu thụ trong tỉnh.

Người dân bán lại cho thương lái rau câu chân vịt với giá từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg.
“Bình quân mỗi ngày, tôi cùng gia đình khai thác được hơn 1,2 kg rau câu chân vịt. Với giá từ 1 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì gia đình tôi cũng kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày. Năm nay, rau câu chân vịt được mùa được giá nên người dân thôn Phước Hạ ai ai cũng phấn khởi”, chị Nguyễn Thị Thơm (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng) chia sẻ.

Rau câu chân vịt (hay được gọi là rau đá biển) khi ra được thành phẩm sẽ có màu trắng, có thể dùng làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh:MXH
Được biết, rau câu chân vịt là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có vị ngon ngọt, dai, giòn nên được nhiều người ưa chuộng. Trong thành phần của rau câu chân vịt có chứa rất nhiều dưỡng chất có nhiều thành phần protein, các loại vitamin, chất xơ và chất khoáng đa lượng. Bên cạnh đó, còn có các loại axit amin tự do và hơn 20 loại nguyên tố vi lượng. Loại rau dại này có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: nấu chè, phơi khô làm gỏi (nộm) hay xào với thịt, nấu cháo…
.
https%3A%2F%2Fsoha.vn%2Fdan-kiem-tien-trieu-tu-loai-rau-dai-tung-cho-khong-ai-lay-198250516074812774.htm