27 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025

Dân Sinh – AI hay con người sẽ dẫn dắt nền giáo dục tương lai?

Must read

Ngày càng có nhiều học sinh sử dụng AI trong học tập, liệu AI hay con người sẽ dẫn dắt nền giáo dục tương lai?

Tận dụng gia sư AI

Ngày nay, các em học sinh có thể sử dụng AI để tìm kiếm thông tin, giải thích các khái niệm khó hiểu, hoặc tổng hợp tài liệu nghiên cứu.

AI có khả năng thích nghi với nhu cầu và tốc độ học tập của từng cá nhân, từ đó đưa ra lộ trình học tập phù hợp, giúp người học khắc phục điểm yếu và phát huy thế mạnh. Ví dụ: Các nền tảng học tập thông minh như Duolingo sử dụng AI để điều chỉnh bài học dựa trên khả năng của người học.

AI hay con người sẽ dẫn dắt nền giáo dục tương lai? - 1
AI có khả năng thích nghi với nhu cầu và tốc độ học tập của từng cá nhân, từ đó đưa ra lộ trình học tập phù hợp (Ảnh: IBM).

AI có thể cải thiện kỹ năng cho học sinh thông qua thực hành và phản hồi các bài tập thực hành. Những phản hồi chi tiết, ngay lập tức sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lý do tại sao câu trả lời sai, cách cải thiện trong lần tiếp theo…

Ví dụ, các hệ thống học trực tuyến có thể phân tích lỗi sai trong bài tập toán và hướng dẫn từng bước giải đúng.

AI có thể giải thích các khái niệm phức tạp một cách đơn giản và dễ hiểu. Nó cũng có thể tóm tắt các báo cáo, nghiên cứu, những cuốn sách dày hàng trăm trang trong một bài viết cô đọng chỉ vài nghìn từ.

Mặt khác, AI cũng có thể tạo môi trường học tập sáng tạo và tương tác. Thông qua thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), học sinh có thể trải nghiệm các bài học thực tế, như thí nghiệm khoa học hay khám phá lịch sử.

Các chatbot học tập (trợ lý ảo dựa trên AI) có thể hỗ trợ giải đáp thắc mắc và hướng dẫn học sinh mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, một ứng dụng AI cho phép học sinh tham gia “chuyến tham quan ảo” đến kim tự tháp Ai Cập.

Bên cạnh đó, AI có thể thu thập và phân tích dữ liệu học sinh để dự đoán kết quả học tập, từ đó biết học sinh cần hỗ trợ gì và đưa ra các chiến lược dạy học hiệu quả hơn.

Với giáo viên thì có thể sử dụng AI để hỗ trợ soạn bài, chấm điểm hoặc lên kế hoạch giảng dạy, quản lý học sinh và thông báo cho phụ huynh. AI giảm tải công việc hành chính, giúp giáo viên có thêm thời gian để giảng dạy và hỗ trợ học sinh.

AI mở rộng cơ hội học tập cho mọi người. Sự đa dạng về ngôn ngữ giúp AI có thể tiếp cận được mọi người ở nhiều quốc gia khác nhau. Đồng thời, AI cung cấp cơ hội học tập cho những người không có điều kiện tiếp cận với giáo dục truyền thống.

AI còn có thể hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt như: Thiết kế các công cụ học tập cho học sinh khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị…), giúp học sinh mắc chứng khó đọc (như dyslexia) vượt qua rào cản học tập. Ví dụ, AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói hoặc tạo phụ đề tự động cho video giảng dạy.

AI có khả năng thúc đẩy học tập suốt đời. Ví dụ, với các ứng dụng học ngoại ngữ miễn phí trên mạng, bạn có thể tải về và tự luyện tập mỗi ngày.

AI không thể thay thế được giáo viên!

AI hay con người sẽ dẫn dắt nền giáo dục tương lai? - 2
GS. TSKH Hồ Tú Bảo, PGS. TS Trần Thành Nam cùng các chuyên gia về AI trong buổi tọa đàm “Nền giáo dục mới can đảm” (Ảnh: Thanh Huyền).

Mặc dù sở hữu một loạt tính năng rất hữu dụng, nhưng AI vẫn có những hạn chế nhất định, vì thế nó không thể thay thế được con người. AI giỏi trong việc cung cấp thông tin và giải thích, nhưng thiếu khả năng hiểu cảm xúc và tạo kết nối như một giáo viên thực sự.

AI không thể đánh giá động lực hay cảm xúc của học sinh khi họ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dù AI cung cấp thông tin với tốc độ siêu nhanh nhưng những thông tin này không hoàn toàn chính xác, người sử dụng cần phải kiểm chứng.

Thậm chí, một số hệ thống AI có thể mang tính thiên vị do cách chúng được lập trình hoặc huấn luyện. Việc lạm dụng AI có thể dẫn đến tình trạng học sinh thiếu tư duy phản biện hoặc không phát triển kỹ năng tự học.

AI không thể làm được như giáo viên, bởi người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là người định hướng, truyền cảm hứng và hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng mềm. Hơn nữa, hiện nay chỉ có một số ứng dụng AI miễn phí, còn lại đa phần đều mất phí khi sử dụng. 

AI có thể là một gia sư hữu ích khi được sử dụng đúng cách, nhưng không thể gọi là “hoàn hảo”, vì nó thiếu sự đồng cảm, sáng tạo và khả năng ứng phó với các tình huống phức tạp trong giáo dục.

Báo cáo của Work Trend Index Report (Mỹ) vào tháng 5/2024 cho biết, 75% người đi làm đã dùng AI trong công việc; 46% mới dùng AI trong 6 tháng vừa qua; 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.

Còn theo khảo sát của Ford vào tháng 6/2024, có đến 65% giáo viên ứng dụng AI vào giảng dạy. 55% trong số đó cho rằng AI đang góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như giảm áp lực hành chính. 

PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, AI đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa học tập. AI có thể tạo ra những gia sư có khả năng cá nhân hóa chương trình học, đồng thời hỗ trợ giáo viên trở thành người tổ chức môi trường học tập thay vì chỉ là người truyền đạt kiến thức.

“Điều này cho thấy, dù muốn hay không, AI đang len lỏi vào giáo dục và tạo nên những ảnh hưởng và cải tiến đáng kể. Tuy nhiên, AI sẽ không thể thay thế được người giáo viên mà những giáo viên biết tận dụng AI có thể sẽ dẫn đầu và trở thành những người truyền cảm hứng”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng khẳng định, AI là công cụ, nhưng chính con người – những người thầy, người học – sẽ quyết định ý nghĩa và giá trị của công nghệ trong giáo dục. 

GS. TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cũng chia sẻ, giáo dục là một phần của câu chuyện chuyển đổi số, để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số thì chắc chắn chúng ta phải làm cách mạng trong giáo dục.

“Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong giáo dục cần thực hiện với một chiến lược dài hạn. Để thành công, sự chuyển biến về con người là điều cốt lõi. Vì vậy, trước khi đưa AI vào giáo dục phổ thông, cần chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh những tác động không mong muốn đối với học sinh”, GS. TSKH Hồ Tú Bảo nhấn mạnh.

Thanh Huyền

Ấn phẩm Vì trẻ em số 22

https%3A%2F%2Fdansinh.dantri.com.vn%2Fnhan-luc%2Fai-hay-con-nguoi-se-dan-dat-nen-giao-duc-tuong-lai-20241128121503499.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article