28.2 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Tư, Tháng 4 30, 2025

Dân Sinh – Để “kinh tế vỉa hè” trở thành nét văn minh của đô thị

Must read

Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp tổng thể để vừa phát huy được những lợi ích to lớn mang lại, vừa quản lý hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc hiện thực hóa “kinh tế vỉa hè” không chỉ dừng lại ở việc hợp pháp hóa các hoạt động kinh doanh này, mà còn cần phải tìm cách khai thác tiềm năng của nó để đóng góp cho nền kinh tế chung. Do vậy, phát triển “kinh tế vỉa hè” cần phải dựa trên những giải pháp tổng thể và dài hạn để vừa bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa đảm bảo quy hoạch đô thị hiện đại và văn minh. 

Để “kinh tế vỉa hè” trở thành nét văn minh của đô thị - 1
Cần có chính sách cho các hoạt động kinh doanh vỉa hè phát triển và trở thành một nét văn minh của đô thị.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, “kinh tế vỉa hè” là một phần không thể thiếu của đô thị hiện đại. Đây không chỉ là giải pháp tình thế cho người lao động nghèo mà còn là nguồn lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Nếu được quản lý tốt, nó có thể trở thành một nguồn thu nhập ổn định cho cả người lao động và chính quyền thông qua thu thuế. Chính vì vậy, thay vì cố gắng loại bỏ, dẹp vỉa hè bằng những mệnh lệnh hành chính, chúng ta nên tìm cách tích hợp và quản lý một cách hợp lý.

Đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể cho không gian vỉa hè, xác định rõ các khu vực kinh doanh hợp pháp và dành không gian cho người đi bộ. Các khu vực này cũng cần được trang bị cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý rác thải và nguồn nước sạch.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân trong việc thiết lập các quy định quản lý, với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách hợp pháp hóa và cấp phép cho các hoạt động kinh doanh vỉa hè đối với những hộ có đủ điều kiện vệ sinh và không gây cản trở giao thông. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

 Việc cấp giấy phép cũng giúp chính quyền quản lý và thu thuế hợp lý từ hoạt động kinh tế này. Cùng với đó, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho những người kinh doanh vỉa hè, chẳng hạn như các khoản vay nhỏ với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ vốn để họ cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Ngoài ra, các khóa đào tạo về kinh doanh, quản lý tài chính và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp người bán hàng nâng cao kiến thức và năng lực cạnh tranh.

Còn theo chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Minh Hòa, việc hiện thực hóa “kinh tế vỉa hè” không thể tách rời khỏi quy hoạch đô thị hiện đại. Quy hoạch không gian công cộng là yếu tố then chốt để “kinh tế vỉa hè” có thể phát triển bền vững và hợp pháp.

Cần có các khu vực được quy hoạch rõ ràng để các hoạt động kinh doanh có thể diễn ra mà không ảnh hưởng đến người đi bộ và giao thông. Đối với những quán bán đồ ăn vỉa hè, cần tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị, có biện pháp xử phạt nghiêm khắc với những quán không tuân thủ quy định, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ quán và khách hàng về ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh công cộng. 

“Các thành phố lớn nên học hỏi từ các mô hình thành công ở nước ngoài, chẳng hạn như Singapore hoặc Thái Lan, nơi các khu ẩm thực đường phố được quy hoạch một cách hợp lý và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh bằng cách thiết lập các khu vực kinh doanh vỉa hè chính thức, hợp pháp và có thể kiểm soát. Điều này giúp người lao động có không gian cố định để hoạt động mà không lo bị truy quét, đồng thời giúp thành phố duy trì trật tự đô thị”, ông Hoà khuyến nghị.

TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, chuyên gia về phát triển đô thị bền vững cũng đưa ra quan điểm về việc kết hợp giữa phát triển “kinh doanh vỉa hè” và bảo vệ môi trường. “Kinh tế vỉa hè” không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn cần chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường và duy trì không gian xanh đô thị.

 Các hoạt động kinh doanh vỉa hè nên được quy định rõ về việc xử lý rác thải và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền có thể thiết lập các khu vực thu gom rác và hỗ trợ người bán hàng trong việc duy trì vệ sinh chung. Do vậy, cần áp dụng công nghệ trong quản lý “kinh tế vỉa hè”. Các thành phố lớn có thể sử dụng ứng dụng di động để cấp phép, theo dõi và quản lý hoạt động kinh doanh vỉa hè. Điều này giúp tăng cường sự minh bạch và tính chính thức cho hoạt động này.

“Kinh tế vỉa hè” là một phần không thể thiếu của đô thị hiện đại. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội cũng như giải quyết các thách thức đang đặt ra rất cần các giải pháp quản lý hiệu quả, quy hoạch hợp lý và chính sách hỗ trợ người lao động. Chỉ khi “kinh tế vỉa hè” được quy hoạch và quản lý tốt, nó mới thực sự trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế đô thị, có những đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và trở thành một nét văn minh của đô thị.

Thùy Hương

Báo Lao động và Xã hội số 120

https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/de-kinh-te-via-he-tro-thanh-net-van-minh-cua-do-thi-20241004205657231.htm

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article