27.5 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Năm, Tháng 7 24, 2025

Đáp ứng yêu cầu thị trường nhân lực

Must read

Tọa đàm nhằm thảo luận sự cần thiết phải có một khung năng lực về AI cho sinh viên, cũng như tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học cho Khung năng lực AI dành cho sinh viên.

USSH AI 23072025 (16)
Toàn cảnh tọa đàm khoa học “Xây dựng Khung năng lực Trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên”. Ảnh: Thùy Dung

Trí tuệ nhân tạo đã trở thành “hơi thở hằng ngày

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết từ cuối năm 2019, trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trên nền tảng các ngành khoa học xã hội và nhân văn truyền thống, bao gồm cả những ngành mang tính hàn lâm, cổ điển.

Đó là lý do khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhà trường không bị động, thậm chí là một trong những cơ sở giáo dục đại học thích ứng rất nhanh với công nghệ hóa giáo dục để đào tạo trực tuyến.

Từ cơ sở dự án xây dựng khung năng lực số cho học sinh, sinh viên Việt Nam, tới nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục phối hợp cùng Tập đoàn Meta xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh, sinh viên của nhà trường và mở rộng ra cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Tọa đàm khoa học “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên” chính là nền tảng để hướng tới ra mắt bộ khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho người học trong thời gian tới.

1. USSH AI 23072025 (1)
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. Ảnh: Thùy Dung

GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, nếu như cách đây khoảng 2 năm, khi ChatGPT ra đời, nhiều người vẫn còn tò mò hay dè dặt, thậm chí hoài nghi thì chỉ 1 năm trở lại đây, câu chuyện trí tuệ nhân tạo dường như đã trở thành “hơi thở hằng ngày” và môi trường giáo dục, trong đó có giáo dục đại học không thể đứng ngoài cuộc.

“Do đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn quyết tâm trong thời gian tới sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, lộ trình ban hành khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên”, ông nói.

Song song, trong 2 tháng qua, nhà trường cũng khẩn trương điều chỉnh toàn bộ 28 chương trình đào tạo bậc cử nhân, bên cạnh những miền kiến thức truyền thống, quan trọng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng đưa vào những yêu cầu mới về kỹ năng, năng lực ngoại ngữ, liêm chính học thuật, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là yêu cầu về năng lực trí tuệ nhân tạo trên nền tảng năng lực số đã được định hình và giảng dạy trong trường từ nhiều năm.

Theo TS Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Đến đầu năm 2025, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học.

USSH AI 23072025 (4)
TS Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thùy Dung

TS Đặng Văn Huấn nhấn mạnh, việc ứng dụng, sử dụng cũng như khai thác công nghệ về trí tuệ nhân tạo đang đặt ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đạo đức trong khai thác, sử dụng các công cụ.

Tại Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT đã có miền năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.

Tuy nhiên, TS Đặng Văn Huấn nhìn nhận để triển khai cần cụ thể hóa tốt hơn.

“Hội thảo hôm nay là một trong những cách thức để chúng ta cụ thể hóa những năng lực về sử dụng AI, trong đó đặt ra 6 miền năng lực cụ thể khi ứng dụng AI trong học tập cũng như trong nghiên cứu cho sinh viên”, TS Đặng Văn Huấn cho hay.

Đề xuất 6 miền năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên

Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tập đoàn Meta, trong khuôn khổ dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Để xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên, nhóm chuyên gia đã khảo sát và đánh giá năng lực trí tuệ nhân tạo và nhu cầu phát triển năng lực này của 1.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh để làm cơ sở thực tiễn thực tiễn. Đồng thời, tham chiếu các khung năng lực tham chiếu đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, từ đó phát triển một khung năng lực phù hợp cho sinh viên tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất Cấu trúc Khung năng lực AI cho sinh viên bao gồm 2 phần: Các năng lực thích ứng lâu dài và Các năng lực AI cụ thể, với 6 miền năng lực gồm: Hiểu biết về AI và dữ liệu (AI hoạt động như thế nào?), Tư duy phản biện và đánh giá AI (Làm thế nào tôi đánh giá được đầu ra của AI?), Đạo đức và trách nhiệm trong sử dụng AI (Làm thế nào tôi đảm bảo AI được sử dụng một cách đạo đức và có trách nhiệm?), Lấy con người làm trung tâm, Trí tuệ cảm xúc, Vị sáng tạo (Làm thế nào để con người vẫn giữ vai trò trung tâm?), Ứng dụng AI cho chuyên môn (Tôi áp dụng AI như thế nào trong một bối cảnh cụ thể?) và Thiết kế và phát triển hệ thống AI (Tôi có thể tạo ra hệ thống AI như thế nào?).

Mỗi miền năng lực được thiết lập theo 4 cấp độ phát triển: thành thạo, thông thạo, chuyên sâu và làm chủ, phù hợp với năng lực tiến triển của sinh viên trong suốt quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường.

Dựa trên tầm nhìn coi sinh viên là những công dân có trách nhiệm và đồng sáng tạo cùng AI, khung năng lực nhấn mạnh vai trò của việc đánh giá phản biện các giải pháp công nghệ, nhận thức rõ trách nhiệm xã hội trong thời đại AI, thúc đẩy việc học tập suốt đời, và phát triển các giải pháp AI mang tính bao trùm và bền vững.

6.USSH AI 23072025 (27)
8. USSH AI 23072025 (30)
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý tại tọa đàm. Ảnh: Thùy Dung

Góp ý tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Qúy Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN nhấn mạnh, khung năng lực trí tuệ nhân tạo cần tích hợp thêm hệ thống phân loại sắp xếp các mục tiêu học tập (bloom) đang được ứng dụng trong các trường đại học. Ngoài ra, cần nhấn mạnh khả năng tự học của sinh viên trong khung năng lực này.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, ĐHQGHN nhấn mạnh việc cá thể hóa người học trong các chương trình đào tạo, nhất là trong việc xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo của người học. Bà cũng đánh giá, cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, trí tuệ cảm xúc và sự sáng tạo trong xây dựng khung năng lực này là một điểm mới mẻ của các chuyên gia.

Theo TS Nguyễn Gia Hy, thành viên Dự án hợp tác giữa USSH và Meta – giảng viên môn Trí tuệ nhân tạo tại Swinburne University – Úc, Nhà sáng lập SkillPixel, hiện nay, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cả những người ngoài lĩnh vực chuyên môn, nhưng cũng yêu cầu ứng viên phải có khả năng sử dụng AI khá thành thạo.

TS Nguyễn Gia Hy cho rằng, nếu khung năng lực này được ứng dụng rộng rãi trong các trường đại học sẽ tạo ra một điều kiện rất phù hợp và thuận tiện cho các doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng sẽ biết được năng lực tổng thể của ứng viên và khả năng sử dụng AI của họ trong lĩnh vực cụ thể đến mức nào.

TS Nguyễn Ngọc Bình, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhìn nhận với khung năng lực này, các trường đại học sẽ có căn cứ để xây dựng chuẩn đầu ra dành cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực.

TS Nguyễn Ngọc Bình cũng lưu ý, cần cụ thể hóa năng lực giao tiếp và hợp tác của AI, khả năng phát triển năng lực ứng dụng AI của người học trong học tập cũng như cuộc sống.

https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fxay-dung-khung-nang-luc-ai-danh-cho-sinh-vien-dap-ung-yeu-cau-thi-truong-nhan-luc-10380745.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article