Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh trên nền tảng số đang bùng nổ, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế, ngành Thuế đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, góp phần bảo đảm công bằng, minh bạch trong thực thi nghĩa vụ với ngân sách của người nộp thuế.
![]() |
Ảnh: Thuế TP Hà Nội. |
Chủ động thích ứng mô hình kinh doanh mới
TMĐT tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh về quy mô, hình thức, ứng dụng công nghệ. Từ livestream bán hàng, thực tế ảo, giao dịch qua thuê bao viễn thông, đến các loại hình tài sản số… đều đặt ra thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Trước yêu cầu này, ngành Thuế đã chủ động phối hợp xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng nhằm tăng cường năng lực quản lý.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số, hộ và cá nhân kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 1928/QĐ-BTC ngày 2/6/2025 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg về thúc đẩy TMĐT và tăng cường quản lý thuế.
Trên cơ sở đó, Cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra, thu thập thông tin từ các sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, ngân hàng và các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Song song với hoàn thiện pháp lý, ngành Thuế xác định tuyên truyền, vận động người nộp thuế tuân thủ tự giác là yếu tố cốt lõi. Theo đó, ngày 12/5/2025, Cục Thuế đã có thư ngỏ tới hơn 10 triệu người dùng ứng dụng eTax Mobile và các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Chiến dịch truyền thông này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Số lượng người liên hệ cơ quan thuế để kê khai, nộp thuế từ hoạt động TMĐT tăng mạnh, đặc biệt trong nhóm cá nhân và hộ kinh doanh.
Cơ quan cũng thuế tiếp tục triển khai các tiện ích hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử, phát triển Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh, và đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động TMĐT, livestream bán hàng…
Quản lý thuế TMĐT hiệu quả không thể thiếu cơ sở dữ liệu đầy đủ và công nghệ phân tích hiện đại. Do vậy, ngành Thuế đã đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Cục Thuế đang nghiên cứu, thiết kế hệ thống tiếp nhận, sắp xếp, tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) về TMĐT. Đồng thời, tăng cường ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý rủi ro, đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ trốn thuế, gian lận thuế trong hệ sinh thái TMĐT.
Ngành Thuế cũng tiếp tục phát triển “sổ tay nghiệp vụ” hướng dẫn các sàn TMĐT khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh; đồng thời hướng dẫn cụ thể việc tự kê khai, nộp thuế, hoàn thuế cho cá nhân trên nền tảng số.
Số thu từ TMĐT tăng mạnh, quản lý hiệu quả hơn
Nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả thu thuế từ TMĐT và kinh tế số trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 98 nghìn tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, đã có 159 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng điện tử với tổng số thu 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; gần 93.000 tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT đã nộp tổng cộng 88,6 nghìn tỷ đồng; 130.000 hộ, cá nhân kinh doanh nộp 1,7 nghìn tỷ đồng qua Cổng thông tin điện tử; 752.176 hộ/cá nhân kinh doanh TMĐT khác đã nộp tổng cộng gần 1,5 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh thực hiện xwr lý truy thu thuế tại 1.831 doanh nghiệp với số tiền 543 tỷ đồng (trong đó thuế GTGT: 124,2 tỷ; thuế TNDN: 418,1 tỷ; thuế TTĐB: 71 triệu đồng). Truy thu 550 cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền 35 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị định 117/2025/NĐ-CP, kết hợp chặt chẽ giữa hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương pháp tiếp cận và tận dụng sức mạnh công nghệ để quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh tế số.
Để đảm bảo hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này, ngành Thuế cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan cung cấp dữ liệu về đăng ký kinh doanh, hoạt động bán hàng trực tuyến, livestream để phối hợp xử lý các trường hợp trốn thuế, không đăng ký, xác thực thông tin.
Việc quản lý thuế đối với TMĐT sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, góp phần bảo đảm công bằng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững.
https%3A%2F%2Fhaiquanonline.com.vn%2Fday-manh-quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-va-kinh-doanh-tren-nen-tang-so-197718.html