Đại học (ĐH) Duy Tân vừa chính thức thông báo quy hoạch lại toàn bộ chương trình đào tạo để giảng dạy và huấn luyện bắt buộc các kỹ năng Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) và kiến thức Khởi nghiệp cho tất cả các sinh viên bậc Đại học kể từ khoá mới tuyển sinh K-31 (năm học 2025-2026).
Đối với các khóa cũ với sinh viên đang học tại trường, các kỹ năng và kiến thức AI cũng như Khởi nghiệp cũng sẽ được bổ sung đào tạo dần để đảm bảo sinh viên được “trang bị” đầy đủ khi tham gia thị trường lao động tương lai.
![]() |
ĐH Duy Tân phát động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (ảnh trên) và Buổi tọa đàm “Nghị quyết 57: Cơ hội vàng cho tuổi trẻ chinh phục kỷ nguyên số, kiến tạo tương lai” (ảnh dưới) |
Không dừng lại ở việc lồng ghép AI vào nội dung các môn học chuyên ngành những khi có thể, việc quy hoạch lại chương trình đào tạo lần này của ĐH Duy Tân cho AI sẽ bao gồm 3 tín chỉ AI bắt buộc và có thể bổ sung thêm từ 1 đến tối đa 3 tín chỉ AI chuyên sâu tùy theo chuyên ngành đào tạo; trải dài suốt hành trình đại học, đảm bảo tính liên tục, thực tiễn và phù hợp với từng ngành học. Mục tiêu là không chỉ giúp sinh viên hiểu biết về AI mà còn biến AI này thành một phần không thể thiếu trong tư duy nghề nghiệp của sinh viên.
3 tín chỉ AI bắt buộc bao gồm:
• 1 tín chỉ: các kỹ năng AI cơ bản trong đời sống và học thuật,
• 1 tín chỉ: các kỹ năng và kiến thức AI theo khối ngành,
• 1 tín chỉ: các năng lực AI cần thiết cho chuyên ngành đào tạo (có thể bao gồm cả các kỹ năng tính toán và lập trình Học máy hay Học sâu).
![]() |
Cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tối đa cho đào tạo Công nghệ Thông tin và AI ở ĐH Duy Tân |
Cụ thể, với tín chỉ đầu tiên trong năm đầu vào đại học, sinh viên sẽ được tiếp cận với các khái niệm cốt lõi, lịch sử phát triển và tiềm năng ứng dụng của AI trong mọi lĩnh vực. Không chỉ dừng lại ở việc trang bị các kiến thức lý thuyết, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng AI học thuật thiết yếu, thực hiện nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ của AI, tóm tắt tài liệu học, thiết kế và trình bày các báo cáo hay dự án một cách chuyên nghiệp,… Các công cụ AI phổ biến như ChatGPT, Grok, Notion AI, Gamma/SlidesAI,… sẽ được tích hợp vào bài giảng. Những kiến thức về đạo đức sử dụng AI cũng sẽ được giới thiệu.
Đối với tín chỉ AI tiếp theo, nội dung đào tạo được tùy chỉnh để phù hợp với đặc thù từng khối ngành (đại diện bởi các trường đào tạo hay thành viên trong hệ thống ĐH Duy Tân):
• Sinh viên khối Công nghệ & Kỹ thuật sẽ khám phá cách sử dụng AI trong lập trình tự động, phân tích mã nguồn, hay thiết kế các hệ thống dữ liệu thông minh.
• Sinh viên khối Kinh tế, Quản trị, Tài chính & Dịch vụ sẽ được tiếp cận các công cụ AI để phân tích dữ liệu thị trường, dự báo xu hướng tiêu dùng, đánh giá rủi ro, và tự động hoá các báo cáo tiếp thị, tổ chức, tài chính.
• Sinh viên khối Ngôn ngữ, Khoa học Xã hội & Nhân văn sẽ được tiếp cận các công cụ AI để phân tích ngôn ngữ tự nhiên, nghiên cứu hành vi xã hội, và tạo các nội dung sáng tạo như viết văn/thơ, dịch thuật, hay phân tích dữ liệu thống kê, văn hoá, pháp lý.
• Sinh viên khối Y – Dược sẽ được huấn luyện sử dụng các công cụ AI để phát triển tối đa hiệu quả học tập theo mô hình Học tập Chứng thực (Evidence-Based Learning – EBL); phát triển các kỹ năng phân tích tự động dữ liệu bệnh nhân, hỗ trợ chẩn đoán y khoa, đánh giá rủi ro của các quyết định y tế,…
![]() |
ĐH Duy Tân tổ chức Chương trình tập huấn Ứng dụng Công nghệ AI trong công việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên toàn trường |
Ở tín chỉ AI bắt buộc sau cùng sẽ tập trung vào các nội dung AI chuyên sâu, nơi sinh viên áp dụng AI trực tiếp vào ngành học của bản thân. Ví dụ, sinh viên Thiết kế Đồ họa sẽ sử dụng các công cụ như Runway, Midjourney, hay Adobe Firefly để tạo video tự động, phát triển ý tưởng đồ họa sáng tạo, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu,… Cách tiếp cận thực tiễn này giúp sinh viên ở từng ngành học không chỉ thành thạo AI phổ dụng mà còn biết cách tạo ra nhiều giá trị sáng tạo trong nghề nghiệp tương lai.
Cả 3 tín chỉ AI bắt buộc đều được giảng dạy trực tiếp tại lớp và trên lab, trong khi những nội dung AI lồng ghép vào các môn học đã có có thể được chuyển tải qua hình thức học tập trực tuyến hay Microlearning.
TS. Trần Nhật Tân, Phó Giám đốc ĐH Duy Tân nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ dạy AI như các môn học thông thường mà định hướng xây dựng năng lực AI như một nền tảng cốt lõi, giúp sinh viên thích nghi, đổi mới và dẫn đầu trong thời đại số hóa.”
![]() |
Hợp tác với các doanh nghiệp IT hàng đầu mang lại cơ hội học tập AI cho sinh viên ĐH Duy Tân |
Mối quan hệ hợp tác với các các tập đoàn quốc tế uy tín như Samsung, Alibaba, LG, Microsoft, Fore,… trong nhiều năm qua đang tạo thuận lợi giúp ĐH Duy Tân thêm năng lực công nghệ trong đào tạo và huấn luyện AI. Điển hình là từ năm 2023, Samsung đã chuyển giao 2 lab và 3 khóa học về AI, IoT, và Big Data thông qua dự án Samsung Innovation Campus (SIC) hay Alibaba Cloud Intelligence đã trao quyền truy cập học thuật trên nền tảng đám mây của Alibaba (AAEP) cho ĐH Duy Tân trong năm 2024.
Trong khi đó, 1 tín chỉ bắt buộc về Khởi nghiệp tại DTU được thiết kế để song hành với tư tưởng AI trong thời đại mới: “Ai cũng có thể tự thân trở thành chủ doanh nghiệp nếu đủ giỏi và linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ và ứng dụng AI.” Mục tiêu về đào tạo Khởi nghiệp ở ĐH Duy Tân không phải là tập trung để tạo ra những “kỳ lân” công nghệ mà là để hun đúc nên tinh thần “kỳ lân” trong mỗi sinh viên ở thời đại đổi mới sáng tạo và số hóa.
– Lĩnh vực Khoa học Máy tính & Hệ thống Thông tin: Top 201-250 thế giới theo QS World University Rankings 2025
– Lĩnh vực Khoa học Máy tính: Top 501-600 thế giới theo Times Higher Education (THE) 2025
https%3A%2F%2Ftienphong.vn%2Fdh-duy-tan-dao-tao-tu-4-7-tin-chi-ai-va-khoi-nghiep-cho-tat-ca-sinh-vien-post1742487.tpo